Những trận tranh biện 'nảy lửa' giúp 10X trúng học bổng hơn 5 tỷ của đại học Mỹ

Kinh nghiệm sốngThứ Tư, 13/01/2021 07:50:05 +07:00

Những trận tranh biện “nảy lửa” đã rèn cho Linh cách tư duy, tiếp cận vấn đề bằng góc nhìn đa chiều, giúp cô thuyết phục được các đại học ở Mỹ.

Với hồ sơ 'sáng' cùng thành tích học tập tốt và hoạt động ngoại khóa nổi bật, Nguyễn Hoàng Phương Linh, lớp chuyên Anh của trường THPT Chuyên Hà Nội–Amsterdam nhận được thư báo trúng tuyển của Đại học Washington and Lee (xếp thứ 9 trong số các trường đại học giáo dục khai phóng ở Mỹ) cùng mức học bổng 220.000 USD cho 4 năm học.

Bí kíp để luôn có tinh thần thoải mái trong suốt “mùa apply”, theo Linh, là phải quản lý thời gian thật tốt, vạch ra và giải quyết lần lượt từng vấn đề theo các mốc thời gian.

“Em biết nhiều bạn trong khoảng thời gian ‘apply’ áp lực rất nhiều, có khi chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày. Nhưng em thấy đó không phải là cách để đi đường dài. Vì thế, em luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc và luôn có thời gian biểu chặt chẽ hàng ngày. Cách làm này em thấy rất hiệu quả”, Linh nói.

Nữ sinh cũng lên thời khóa biểu chi tiết theo từng khung giờ và làm theo kế hoạch đã đặt ra. Ví dụ, em luôn vạch chi tiết khoảng thời gian 2 – 4 giờ, 4 – 5 giờ, 5 – 6 giờ nữ sinh sẽ phải làm gì. Khi đặt ra cường độ như thế, em làm việc tập trung hơn rất nhiều. Và khi nắm được khối lượng công việc của một tuần, Linh có thể phân bổ thời gian hợp lý hơn.

Nhờ có chiến lược cụ thể, điểm các bài thi chuẩn hóa của Linh ở mức khá cao. Em đạt điểm 1550 SAT 1 (superscore), 800 SAT 2 Toán và 110 TOEFL IBT.

Những trận tranh biện 'nảy lửa' giúp 10X trúng học bổng hơn 5 tỷ của đại học Mỹ - 1

Nguyễn Hoàng Phương Linh từng giành được huy chương đồng kỳ thi Olympic Toán học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS 2016), huy chương Đồng giải Violympic Toán tiếng Anh cấp quốc gia.

Niềm đam mê với tranh biện

Phương Linh cũng nhấn mạnh việc cần phải thể hiện cá tính, đam mê một cách đồng nhất để thuyết phục hội đồng tuyển sinh. Niềm đam mê với tranh biện được Phương Linh thể hiện xuyên suốt trong hồ sơ của mình. Đây là hoạt động mà Linh nói thể hiện rõ ràng nhất con người mình trong suốt ba năm THPT.

Tại trường Ams, Phương Linh là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Tranh biện, Phó Trưởng ban tổ chức Giải Tranh biện Hà Nội mở rộng (Hanoi Debate Tournament).

Nữ sinh 18 tuổi cũng “ẵm” một vài giải thưởng về tranh biện như quán quân và top 3 người nói xuất sắc nhất của giải Hanoi Debate Tournament 2019; lọt vào bán kết giải National Novice Debating Championship 2018.

Ngoài ra, Linh cũng là nhân vật tham gia chương trình trường Teen 2019 của VTV7 với chủ đề từng “gây bão”: Học sinh có lỗi hay không khi điểm Lịch sử thấp.

Không chỉ tham gia với tư cách tranh biện viên (debater), Phương Linh còn tham gia nhiều giải trong vai trò giám khảo.

Dù vậy, Linh thừa nhận, bản thân không phải là người có năng khiếu về tranh biện. “Em bắt đầu từ con số 0, từng luyện tập tranh biện để thử thách giới hạn của bản thân”, Linh nói.

Giai đoạn đầu, Phương Linh chủ yếu ngồi xem các video đấu tập; cập nhật thông tin liên tục và xây dựng cho bản thân một nền tảng kiến thức đủ dày. Nữ sinh cũng thường xuyên phải tự tập luyện nói một mình trước gương.

Sau này, khi đã tự tin hơn, Linh đi đấu tập với những người bạn trong câu lạc bộ. Dần dần, nữ sinh trường Ams kết nối với các bạn trường khác để tổ chức những buổi giao lưu, làm quen với không khí thi đấu.

“Để chuẩn bị cho một buổi tranh biện có khi phải tập luyện suốt cả một tháng trời. Nhưng điều này đã giúp em học được cách thể hiện quan điểm bản thân rõ ràng hơn mỗi khi lên ‘sàn’ tranh biện”.

“Tranh biện đã tạo cơ hội cho em hiểu biết hơn về các vấn đề trong đời sống và có cái nhìn đa chiều. Khi đã quen với tư duy phản biện thì không chỉ trong một trận tranh biện mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước một hiện tượng trong đời sống, em cũng sẽ có xu hướng nhìn bao quát hơn, từ các góc độ khác nhau thay vì chỉ nghĩ mình luôn đúng.

Những trận tranh biện 'nảy lửa' giúp 10X trúng học bổng hơn 5 tỷ của đại học Mỹ - 2

Nữ sinh Phương Linh.

Ngoài ra, tranh biện còn khiến em tự tin hơn vào bản thân. Trước đây, khi mới vào cấp 3, em không có kinh nghiệm về tranh biện. Nhưng em dám thử một lĩnh vực mà em chưa từng thử. May mắn, sau rất nhiều cố gắng và nỗ lực tập luyện, em lại có những dấu mốc khẳng định mình trong lĩnh vực ấy.

Việc ấy khiến em cảm thấy tự tin hơn và nó đã thôi thúc em đi ra khỏi vùng an toàn của mình, dám thử những thứ mới”, Phương Linh nói.

Bảng dày các hoạt động ngoại khóa.

Đó là dự án Life Shield (dự án Tấm chắn) do Linh khởi xướng. Trong 21 ngày cách ly xã hội, dự án đã làm được 12.000 tấm chắn giọt bắn gửi đến 18 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức...

Ngoài ra, Linh còn là đồng sáng lập, Trưởng ban tổ chức của dự án "Phù thủy Kinh tế" - dự án từng gây được “tiếng vang” tại trường Ams.

Linh cho rằng, nhiều học sinh mong muốn tìm hiểu những kiến thức về kinh doanh nhưng trong chương trình chính khóa lại không có bộ môn này. Các tài liệu trên mạng hầu hết lại bằng tiếng Anh, do đó rất khó để tiếp cận.

Vì vậy, dự án ra đời với mục đích đưa những kiến thức về kinh tế trở nên gần gũi hơn với những học sinh cấp 3. Tại đây, học sinh có thể lắng nghe các chuyên gia tài chính chia sẻ kiến thức thông qua các buổi talkshow, với các chủ đề chính như về thị trường chứng khoán Việt Nam, các công việc trong ngành tài chính và triển vọng phát triển Fintech tại Việt Nam. Hoạt động này cũng đã thu hút đông đảo học sinh tham dự.

Làm nhiều hoạt động một lúc, nữ sinh trường Ams cho rằng điều đó không làm em cảm thấy “lộn xộn” vì “quan trọng nhất vẫn là sắp xếp thời gian để làm được nhiều việc một cách hiệu quả”.

Hiện tại, ngoài việc học, Phương Linh còn làm trợ lý cho một tiến sĩ nghiên cứu về các vấn đề vaccine. Thời gian tới, nữ sinh 18 tuổi dự định sẽ chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và thử sức thêm một vài lĩnh vực mới trước khi sang Mỹ.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp