Những thực phẩm người cao huyết áp không nên bỏ qua

Sức khỏeThứ Hai, 09/04/2012 08:06:00 +07:00

(VTC News) - Ăn uống khoa học là nguyên tắc quan trọng hàng đầu để bình ổn mức huyết áp.

(VTC News) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến năm 2025 sẽ có 1,56 tỷ người cao huyết áp. Tại Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch tại 8 tỉnh, thành phố, tỷ lệ cao huyết áp của người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. Nghĩa là cứ bốn người trưởng thành thì có một người bị mắc chứng bệnh này.

Và ăn uống khoa học là nguyên tắc quan trọng hàng đầu để bình ổn mức huyết áp.

Thực phẩm đồng minh

 
Sô cô la đen: sô cô la đen kích thích cơ thể sản sinh ra lượng nitric oxide, kích thích cho các cơ xung quanh mạch máu được nới rộng, đảm bảo quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Sô cô la đen cũng được xem là “khắc tinh” của cholesterol xấu trong cơ thể, phòng ngừa chứng tắc nghẽn mạch máu, hạn chế sự xuất hiện của những cơn tăng huyết áp và chứng bệnh tim mạch.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Mỹ, những người bị cao huyết áp mỗi ngày ăn 14gr sôcôla đen có thể hỗ trợ giảm huyết áp

Mộc nhĩ: Là loại “rau khô” rất quen thuộc, theo đông y thì mộc nhĩ có tính bình, lành tính, thông mạch, kích thích máu lưu thông, tốt cho bệnh nhân cao huyết áp, kiết lỵ, băng huyết. Tuy nhiên không nên ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng trước khi sử dụng để tránh độc tố và đảm bảo được độ giòn ngon của nó.

Khổ qua (mướp đắng): Có tính thanh mát, lợi tiểu, hạ huyết áp, bệnh nhân cao huyết áp nên dùng mướp đắng như một loại rau quen thuộc.

Sữa gạn kem: Là nguồn dinh dưỡng quý giá cho sức khỏe, rất giàu canxi và vitamin D. Sự kết hợp của hai loại vi chất này sẽ làm giảm áp lực máu từ 3 - 10%. Ngoài ra, uống sữa thường xuyên còn có tác dụng phòng tránh bệnh tim mạch 15%.

Trái cây: Lượng vitamin dồi dào trong trái cây sẽ là “vũ khí” để bạn chống lại những rắc rối của chứng cao huyết áp. Lượng trái cây nên ăn là 4 – 5 phần mỗi ngày (tương đương với 1 bát hoa quả tươi, ½ bát hoa quả giữ lạnh và ¼ bát hoa quả sấy khô, kèm theo 1 - 2 ly nước ép trái cây tươi không nêm đường). Nên ưu tiên chuối vì nó là loại quả rất giàu kali, hàm lượng chất xơ lớn, có khả năng phòng chống bệnh tim mạch. Minh chứng còn chỉ ra rằng ăn một trái chuối mỗi ngày có tác dụng làm giảm mức huyết áp trong cơ thể.

Thịt nạc, thịt gia cầm: Nên ăn hạn chế tối đa, chỉ ăn khoảng 1 lạng mỗi ngày

Cà chua: Là thực phẩm rất giàu vitamin tổng hợp, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1 - 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp hiệu quả.

Rau xanh: Chất xơ có trong các loại rau xanh giúp “quét sạch” lượng mỡ xấu và cholesterol bám ở thành mạch máu, tiền nguyên nhân gây nên chứng cao huyết áp. Bạn nên ăn 4 - 5 phần rau xanh mỗi ngày (tương đương với 1 bát rau có lá màu xanh sẫm).

Trái bơ: Vị béo, ngậy của trái bơ có thể “chinh phục” bất cứ ai kể cả những người khó tính nhất. Xét dưới góc độ y học thì trái bơ là nơi hội tụ của axit oleic, nhanh chóng làm giảm lượng cholesterol trong máu. Thêm vào đó, chất kali và folate cũng rất quan trọng với sức khỏe của tim mạch, bình ổn mức huyết áp trong cơ thể.

Kiêng kị khi ăn uống

Kiêng rượu, bia: Lượng cồn có trong rượu bia khiến cho các mạch máu co lại, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu cho cơ thể. Lượng máu bị dồn nén hoặc không được cung cấp đủ cho các cơ quan bộ phận trong cơ thể sẽ “tiếp tay” cho chứng bệnh cao huyết áp.

Chất béo gây hại: nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, gây cản trở cho quá trình lưu thông máu, từ đó dẫn đến những bất lợi cho tim mạch và huyết áp. Chất béo gây hại tồn tại trong mỡ động vật, bơ, pho mát, đồ hộp, đồ ăn nhanh. Với mỡ động vật và dầu ăn nên ăn hạn chế từ  2 - 3 phần mỗi ngày (tương đương 2 thìa tinh dầu thực vật hoặc 1 thìa sốt mayonaise).

Hạn chế ăn mặn: Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri, chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực cơ thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.

Cắt giảm một lượng muối nhỏ trong chế độ ăn uống cũng có thể giúp bạn giảm được 2 - 8 mm thủy ngân trong áp lực máu. Hãy nhớ, lượng muối thu nạp vào cơ thể tối đa là 5 - 6 g muối/ngày nhưng với bệnh nhân cao huyết áp thì chỉ nên ăn 2 - 3 g muối mỗi ngày. Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống bằng cách hạn chế thực phẩm đóng hộp, dưa, cà, kim chi, cá mắm, cá khô,...

4 món ăn dễ chế biến

Nước ép cà chua: Dùng 4 quả cà chua tươi, rửa sạch, đem chần qua nước sôi rồi bỏ vỏ. Cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn. Cuối cùng cho thêm 1 – 2 thìa mật ong. Nếu muốn uống lạnh, bạn có thể thêm đá hoặc giữ trong ngăn mát. Đây là loại thức uống có thể sử dụng thường xuyên để bình ổn huyết áp.

Mộc nhĩ và đường phèn: Dùng khoảng 3 g mộc nhĩ khô, ngâm nước lạnh khoảng 4- 5 giờ đồng hồ, rửa sạch, nhặt bỏ chân. Hấp cách thủy đến khi chín rồi thêm chút đường phèn. Tốt nhất nên ăn trước khi đi ngủ, ăn liên tiếp trong 10 ngày, nghỉ 3 ngày lại tiếp tục. Có thể dùng lâu ngày mà không gây tác dụng phụ.

Mướp đắng nhồi thịt: Mướp đắng rửa sạch, cắt khúc, bỏ hết lõi bên trong. Thịt nạc xay nhuyễn, băm thêm mộc nhĩ và nấm hương trộn cùng với thịt, đừng quên nêm gia vị cho vừa ăn. Đem hấp cách thủy khoảng 10 – 20 phút, lấy ra ăn nóng.

Cháo đậu xanh: Đậu xanh có tính thanh mát, rất lành tính vì thế nó là “trợ thủ” của bệnh nhân cao huyết áp. Cháo đậu xanh rất thích hợp trong những ngày hè nóng bức vì nó giúp cơ thể thanh nhiệt. Vo sạch gạo và đậu xanh, đem hầm nhừ rồi thêm chút thịt nạc nếu ăn cháo mặn hoặc đường tùy theo sở thích của bạn.

Việt Tú


Bình luận
vtcnews.vn