Những thử thách Trung Quốc phải đối mặt khi bị Mỹ bác bỏ yêu sách ở Biển Đông

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 18/07/2020 09:16:11 +07:00
(VTC News) -

Việc Mỹ dường như đang thay đổi chính sách ở Biển Đông có thể giúp các quốc gia Đông Nam Á mạnh dạn đưa ra các hành động pháp lý với Trung Quốc.

Căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua gia tăng khi các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ cáo buộc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép ở vùng biển này. 

Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 ra tuyên bố bác hàng loạt yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, David Stilwel - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á cho biết Mỹ có thể sẽ trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc theo đuổi các yêu sách phi pháp ở vùng biển này.

Một số nước láng giềng của Trung Quốc dù tránh bị coi là đứng về phía Washington nhưng cũng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông sau các tuyên bố trên. 

Những thử thách Trung Quốc phải đối mặt khi bị Mỹ bác bỏ yêu sách ở Biển Đông - 1

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo được xem là một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông. (Ảnh: Reuters)

Bà Elizabeth Economy, Giám đốc phụ trách nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ tin rằng tuyên bố của ông Pompeo báo hiệu Washington sẽ củng cố sự ủng hộ của họ với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và có thể sẽ khuyến khích các nước khác tích cực ủng hộ phán quyết này. 

"Bằng cách bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, Mỹ đang phục vụ lợi ích của những nước muốn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) là cơ sở để xác định quyền hàng hải ở Biển Đông”, Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ Michael McDevitt cho hay. 

Ông McDevitt cho rằng điều Washington muốn là Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế được thừa nhận, bao gồm UNCLOS. 

Công ước này là cơ sở để Philippines đệ trình đơn kiện lên Tòa trọng tài Thường trực (PCA) chống lại yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc năm 2012. 

Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách này của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc từ chối công nhận và tuân thủ nó. 

Học giả Richard Heydarian tới từ Manila nhận định, tuyên bố 13/7 của Mỹ có nhiều ý nghĩa đối với các đồng minh của Mỹ như Philippines vì nó làm rõ cam kết của Mỹ ở Biển Đông.

“Trong trường hợp Trung Quốc thực hiện hành động đơn phương khiêu khích hoặc gây hấn với tàu và binh sỹ Philippines trong khu vực, Philippines có thể đề nghị Lầu Năm Góc can thiệp”, ông phân tích. 

Đồng quan điểm, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề về Biển và Luật Biển tại Đại học Philippines tin rằng lập trường cứng rắn của Mỹ “mang lại đòn bẩy cho một số quốc gia ASEAN trong đàm phán vì họ biết rằng quan điểm của mình có được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi hơn Trung Quốc”.

Theo ông Batongbacal, nếu có một thỏa thuận giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á về thời điểm và nơi Trung Quốc bị coi là triển khai hành động phi pháp, điều này sẽ tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán hoặc giúp các quốc gia có tranh chấp đưa ra hành động pháp lý. 

Tuy nhiên, ông Thomas Daniel, nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia đánh giá, ASEAN và các nước thành viên sẽ thận trọng trong cách ứng xử với Trung Quốc cũng như cách phản hồi tuyên bố của Mỹ. 

"Thực tế là Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới hầu hết các quốc gia ASEAN và là một đối tác thương mại kinh tế hết sức quan trọng. Trung Quốc là một cường quốc tham gia vào nhiều mặt trong khu vực của chúng tôi. Đây là một thực tế địa lý không thể biến mất", ông phân tích. 

Theo báo cáo của Tổng cục hải quan Trung Quốc hôm 14/7, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, chiếm 14,7% tổng kim ngạch thương mại của nước này.

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn