Những tấm lòng cao cả làm lay động hàng chục triệu trái tim

Thời sựThứ Năm, 12/12/2013 04:22:00 +07:00

(VTC News)- Trong biến cố lại ngời sáng lên những tấm lòng cao cả, sự hy sinh vì đồng loại của những người con đất Việt.

(VTC News) - Trong những biến cố, tai họa xảy ra, lại ngời sáng lên những tấm lòng cao cả, đầy tình yêu thương, sự hy sinh vì đồng loại của những người con đất Việt.    

Chàng trai nhường áo phao cứu người

Sau chuyến tham quan, tối 2/8 trên sông Soài Rạp (Cần Giờ, TP.HCM), chiếc tàu H29 - Công ty Cổ phần bến tàu dịch vụ du lịch Maria trên sông Soài Rạp (đoạn chảy qua xã Long Hòa, Cần Giờ, TP HCM) đang trên đường trở về Bà Rịa - Vũng Tàu, đi đến khu vực sông Soài Rạp thì gặp lúc sóng to, gió lớn rồi bị lật úp, đắm trong biển nước.

Di ảnh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi, quê xã Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa) đã nhường áo phao cứu được 5 người trong vụ chìm tàu làm 9 người chết tại biển Cần Giờ (TP HCM) 
Tai nạn xảy ra đã khiến 30 sinh mạng trong con tàu đứng trước sự sống mong manh. Trong lúc đối đầu với sóng dữ nguy hiểm nhất, anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi, quê xã Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa) đã nhường áo phao cứu được 5 người trong vụ chìm tàu làm 9 người chết tại biển Cần Giờ.

Trần Hữu Hiệp đã dũng cảm cởi chiếc áo phao trên người, trao cho một người phụ nữ đang hấp hối giữa dòng nước, nhường sự sống cho người phụ nữ kia mà không một giây mảy may đắn đo, suy nghĩ, để rồi chính anh kiệt sức, bị cuốn trôi giữa dòng nước xoáy.

Hành động của anh Trần Hữu Hiệp đã làm rung động trái tim đồng loại với nghĩa cử cao đẹp: Quên mình, nhường mạng sống cho người khác.  

Quên mình cứu 5 em nhỏ khỏi dòng nước xiết


Chiều 30/4, 8 học sinh ở xã Trung Sơn (Đô Lương, Nghệ An) rủ nhau ra sông Lam tắm. Trong lúc vui đùa, 5 em bị nước cuốn trôi.

Đi ngang qua, thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 trường THPT Đô Lương 1, lao xuống cứu. Sau khi đưa 4 em vào bờ an toàn, thấy còn Nguyễn Hữu Đô đang chấp chới, Nam dùng hết sức đẩy em vào bờ, còn mình bị kiệt sức và nước cuốn trôi.

Một lúc sau, người dân chạy đến tìm cách cứu Nam nhưng quá muộn, đến cuối buổi chiều, thi thể em được tìm thấy cách nơi xảy ra sự việc khoảng 100m.
Hiện trường nơi em Nam cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối, còn mình bị kiệt sức và nước cuốn trôi
Sáng 13/5, tại trường THPT Đô Lương 1, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức lễ truy tặng "Huân chương dũng cảm" của Chủ tịch nước và phát động phong trào Tuổi trẻ Nghệ An học tập và làm theo tấm gương của đoàn viên Nguyễn Văn Nam, người dũng cảm hy sinh thân mình cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước.  

Người hùng quên thân lao ra biển cứu người


Khoảng 11h30 ngày 30/11, nghe tin có thuyền của ngư dân bị lật gần bờ biển Yên Ngư, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, anh Phạm Văn Thời (32 tuổi) cùng 3 người cùng xã liền dùng thuyền bơi ra cứu người bị nạn. Sau khi cứu được 2 ngư dân đưa vào bờ cấp cứu, 4 người tiếp tục ra cứu những người khác.

Tuy nhiên, do sóng to nên thuyền của các anh bị lật, 3 người bơi được vào bờ, còn anh Phạm Văn Thời mất tích vì đuối sức, đến gần 4 ngày sau mới tìm thấy thi thể anh Thời.
Khu vực ven biển nơi anh Thời cứu được các ngư dân, còn  mình thì bị đuối sức và tử nạn
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã có thư thăm hỏi động viên gia đình anh Phạm Văn Thời. Thư của Chủ tịch nước có đoạn: “Tôi vô cùng xúc động trước sự dũng cảm của anh Phạm Văn Thời khi lao vào sóng dữ trên biển cứu người rồi mãi mãi ra đi khi tuổi còn trẻ, các con của anh còn thơ bé. Hành động của anh Phạm Văn Thời thật cao cả và đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam ta.

Chung nỗi tiếc thương người đã khuất, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình anh Phạm Văn Thời. Tôi tin tưởng gia đình anh, trong sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chia sẻ, đùm bọc của bà con chòm xóm, sẽ vượt qua mất mát đau thương, ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con anh Thời khôn lớn nên người, xứng đáng với tấm gương sáng ngời lòng nhân ái của anh.”

Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh đã trình hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương dũng cảm cho anh Phạm Văn Thời, hy sinh khi cứu người gặp nạn trên biển. 

Tiếc thương người cứu tàu dũng cảm


Trung úy Đinh Văn Nam, SN 1982, y sĩ Hải đội 3, Lữ đoàn 125 - thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân (trú tại khu tập thể tổ T4 phường Thành Tô (Hải An, Hải Phòng), mới cùng đồng đội tham gia chuyến trực chủ quyền 75 ngày tại thềm lục địa, trên đường về đất liền thì nhận lệnh ra cứu hộ một tàu chở hàng của lực lượng Hải quân đang mắc cạn tại đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung úy Đinh Văn Nam, SN 1982, y sĩ Hải đội 3, Lữ đoàn 125 - thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ 
Trong quá trình làm dây lai kéo tàu bị mắc cạn, do địa hình phức tạp kết hợp với ảnh hưởng của cơn bão số 11 nên sóng tương đối lớn, tàu có nguy cơ bị sóng đánh dạt lên cạn. Thuyền trưởng của tàu ra lệnh cho tổ dây lái cắt dây phụ.

Lúc đó, trong tình thế cấp thiết, trung úy Nam đứng gần vị trí có con dao, trước tinh thần trách nhiệm với đơn vị, trung úy Nam đã lao nhanh đến cầm con dao kịp thời chặt dây phụ để cứu tàu trước nguy cơ có thể bị mắc cạn, mà không màng tới sự nguy hiểm.

“Đó là một hành động dũng cảm mà mỗi cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trên biển nên làm để bảo vệ tài sản của đơn vị, bảo vệ chủ quyền biển đảo” - Thượng tá Hoàng Minh Dũng, Phó chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân chia sẻ trong niềm tự hào, xúc động, tiếc thương đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.   
Nữ phóng viên tác nghiệp trong mưa bão

Khoảng 20h ngày 9/11, trên đường đi tác nghiệp siêu bão Haiyan, chị Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi, ở xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị xe khách xe khách loại nhỏ của Nguyễn Văn Hùng (ngụ Bình Định), chạy với tốc độ 70km/h, húc văng xa hơn 10m trên đoạn ngã ba quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phổ Ninh, hướng từ Nam ra Bắc.

Chị Sen được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm nhưng không qua khỏi. Chị ra đi, bỏ lại đứa con thơ chưa đầy 3 tuổi và niềm tiếc thương vô hạn cho những người thân và đồng nghiệp.
Chồng chị Sen bên quan tài và di ảnh của vợ
Ngày 19/11, Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn đã đến thăm, chia sẻ mất mát và truy tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho chị Sen và trao số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng cho thân nhân gia đình chị Sen.  

Những người "ăn xin" cao cả

Những ngày tháng 6/2013, người dân khu vực quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng và người dân Thành phố nói riêng, cộng đồng mạng nói chung xôn xao trước thông tin về một bệnh nhân nữ tên Hà Thị Ngân, SN 1986, ở 14C/46 Hàm Nghi, phường Trại Chuối (Hồng Bàng, Hải Phòng), trong tình trạng nguy kịch.

Chị đang mang thai đứa con trai hơn 8 tháng, nhưng lại bị mắc viêm não Nhật Bản, cơ thể lở loét nặng, nguy cơ nhiễm trùng máu và thường xuyên lên cơn động kinh di chứng trên tình trạng viêm não, tiên lượng về bệnh tình hai mẹ con rất xấu…

Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn, cộng với cảnh đời éo le đã động đến lòng trắc ẩn của bao người khi biết tin về người phụ nữ này.
Cô bé bán khoai (đứng giữa) và những người 'buôn thúng bán mẹt' đã đi xin để cứu mẹ con Hà Thị Ngân
Một cô bé bán khoai, một phụ nữ bán cơm hộp, cùng cậu học trò thường ngày “buôn thúng bán bưng” ở bệnh viện đã không vô cảm khi thấy một sản phụ gần như bị bỏ rơi, nằm mê man bất tỉnh với vết thương sâu vào tận xương.

Sau khi báo chí đưa tin, các diễn đàn, mạng xã hội và bằng nhiều cách quyên góp khác nhau, nhất là cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng đã phát động phong trào quyên góp: “Đồng hành cùng mẹ con Hà Thị Ngân”.

Sau đó, gia đình đã chuyển Hà Thị Ngân lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp tục điều trị. Đến 20h, ngày 11/6, Ngân được đưa lên bàn mổ lấy thai nhi. Sau gần 1 giờ, cháu bé đã chào đời, nặng 2kg, được chuyển sang nuôi trong lồng kính.

Đến nay, tuy Hà Thị Ngân vẫn đang sống “đời sống thực vật” nhưng với tổng số tiền cộng đồng xã hội ủng hộ cho mẹ con Hà Thị Ngân lên đến gần 700 triệu đồng đã mang lại những hy vọng về một tương lai và niềm tin vào cuộc sống.

Minh Khang (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn