Những sự kiện nổi bật trong thế giới xe năm 2013

XeThứ Năm, 26/12/2013 06:39:00 +07:00

(VTC News) – Năm 2013 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Đông Nam Á cùng sự xuất hiện của nữ CEO đầu tiên của tập đoàn General Motors.

(VTC News) – Năm 2013 chứng kiến sự phục hồi của thị trường ôtô thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Đông Nam cùng sự xuất hiện của nữ CEO đầu tiên của General Motors.


Cùng VTC News điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất của ngành công nghiệp ôtô thế giới năm 2013:

1. Sự lên ngôi của thị trường Đông Nam Á

Năm 2013 chứng kiến những xu hướng dịch chuyển lớn của ngành công nghiệp ôtô mà tâm điểm của sự phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á.

Trong khi Việt Nam không còn tiềm năng và hấp dẫn như trước, Thái Lan và Indonesia nổi lên là những điểm đến cực kỳ quan trọng của hầu hết các thương hiệu xe lớn trên thế giới. Cả hai nước này đều đang từng bước trở thành hai công xưởng lớn nhất nhì của ngành công nghiệp ôtô và xe máy thế giới và cũng là điểm đến tiềm năng với sức mua lớn và nhiều chính sách ưu đãi từ chính phủ.

Chỉ trong năm 2013, hàng loạt mẫu xe mới quan trọng đã chọn Indonesia là nơi trình làng, đặc biệt là các mẫu xe bình dân, dành cho thị trường đang phát triển. Còn Thái Lan được các ông lớn trong ngành công nghiệp ôtô, xe máy chọn để rót tiền đầu tư.

Thái Lan không chỉ là nơi sản xuất xe ngoài Nhật lớn nhất của Toyota, Honda mà còn là thủ phủ của Ford, GM trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong lĩnh vực xe máy, sau Ducati, tới BMW chọn nước này là nơi đặt nhà máy sản xuất lớn nhất ngoài Đức.

Trong khi Đông Nam Á có sự tăng trưởng đáng nể, thị trường Châu Âu, Australia vẫn tiếp tục đà suy giảm và chưa thoát khỏi khó khăn. Tại Châu Âu, Peugeot gặp khó phải đóng cửa nhà máy còn tại Australia, GM mới khẳng định sẽ khai tử thương hiệu dành riêng cho thị trường này là Holden.

2. GM có nữ CEO đầu tiên trong lịch sử


Nhận quyết định bổ nhiệm vào những ngày cuối cùng năm 2013 Mary Barra không chỉ là người phụ nữ quyền lực nhất ngành ôtô thế giới mà còn là nhân vật được ghi vào lịch sử ngành công nghiệp ôtô Mỹ và thế giới với vai trò CEO đầu tiên của một tập đoàn xe lớn.

Mary Barra
Mary Barra, nữ CEO đầu tiên của tập đoàn General Motors. 

Theo kế hoạch, bà Mary Barra, 51 tuổi sẽ thay thế ông Dan Akerson để trở thành giám đốc điều hành mới của tập đoàn General Motors từ ngày 15/1/2014 tới.

Việc bà Barra trở thành một trong những CEO trẻ tuổi nhất của GM được đánh giá là một bước ngoặt lớn hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi cho tập đoàn xe lớn nhất nước Mỹ vốn đã già cỗi và cần sự đổi mới.

Bà Barra không phải là “con ông cháu cha” sở hữu nhiều cổ phần của GM hay là một CEO được thuê từ một tập đoàn khác mà bà là người đã khởi nghiệp và dành toàn bộ sự nghiệp tại tập đoàn GM trong suốt 33 năm.

Bà từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong tập đoàn GM và liên tục được thăng chức nhờ năng lực làm việc hiếm có. Chức vụ lớn đầu tiên của bà là vị trí giám đốc nhà máy sản xuất xe Hamtramck thuộc thương hiệu Pontiac tại Detroit, Mỹ vào năm 1980.

Tới đầu năm 2011, bà được đề bạt vào vị trí giám đốc phát triển sản phẩm tại tập đoàn GM với trách nhiệm giám sát quá trình phát triển nhiều mẫu xe quan trọng của tập đoàn GM như Chevrolet Impala và Cadillac CTS.

3. Công nghệ xe không người lái, xe bay được đẩy mạnh

Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông và hướng tới tương lai, trong năm 2013, nhiều hãng xe không ngại đầu tư tiền để phát triển và thử nghiệm công nghệ xe không người lái cùng các công nghệ mới về an toàn.

Đi đầu trong lĩnh vực này là Volvo, hãng xe này dự kiến sẽ bán khoảng 2.000 chiếc xe không người lái hàng loạt trong năm 2017. Ngoài ra, các ông lớn đến từ Nhật như Toyota, Nissan, Honda cũng đua nhau nghiên cứu phát triển công nghệ này và dự đoán xe không người lái sẽ sớm trở nên phổ biến.

Bên cạnh đó, năm 2013 cũng chứng kiến những bước phát triển của dòng ôtô bay. Chiếc xe bay Terrafugia đã bay biểu diễn rất ấn tượng tại Mỹ và chuẩn bị hoàn thiện để có mặt trên thị trường năm 2021.

4. Xe cổ được mùa, hàng loạt kỷ lục giá bị phá

Trong khi ngành công nghiệp ôtô thế giới vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, thị trường xe cổ năm nay lại đặc biệt phát triển và trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận.

xe cổ
Một chiếc Ferrari GTO cổ đã phá kỷ lục về giá với mức 52 triệu USD. 

Ngoài sự đam mê, các đại gia chơi xe cổ còn coi đây là một lĩnh vực đầu tư vô cùng béo bở. Năm 2013 liên tục chứng kiến những vụ đấu giá quy mô lớn của các dòng xe cổ cùng những kỷ lục về giá mới.

Kỷ lục lớn nhất về giá thuộc về chiếc Ferrari 250 GTO đời 1963 với mức giá khủng nhất trong lịch sử, 52 triệu USD.

Theo ước tính, doanh số bán các dòng xe cổ trong năm 2013 tại Mỹ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái. Số lượng xe được đem đi đấu giá tăng 10% với khoảng 19.500 xe còn giá trung bình mỗi xe tăng 13% vào khoảng 61.000 USD.

Những dòng xe được săn lùng nhất thuộc các thương hiệu như Ferrari, Mercedes và Porsche. Được biết, 4 trong số 5 bộ sưu tập lớn nhất nhì nước Mỹ đã được đem ra bán trong năm 2013.

5.Sao Fast and Furious tử nạn vì tốc độ

Không phải là một nhân vật lớn trong ngành công nghiệp ôtô nhưng Paul Walker vẫn được nhắc đến như một cái tên, một dấu mốc quan trọng trong năm 2013. Việc nam diễn viên chính trong series phim Fast&Furious bất ngờ tử nạn vì tốc độ được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng liên quan tới thế giới xe năm 2013.

Paul Walker được nhắc tới và yêu mến không chỉ qua bộ phim đình đám liên quan tới xe mà còn bởi tình yêu anh dành cho ôtô nói chung và xe độ nói riêng. Hàng nghìn người chơi xe trên toàn thế giới đã tổ chức các buổi tuần hành tưởng nhớ tới anh.

Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn