Những số liệu kinh tế vùi lấp 'giấc mơ Mỹ'

Tài chínhChủ Nhật, 05/07/2020 16:49:08 +07:00

Tỷ lệ thất nghiệp cao vì COVID-19, bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ là những gì người Mỹ đang trải qua.

Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh (4/7) năm nay, những cuộc biểu tình trên toàn quốc và khủng hoảng COVID-19 buộc người Mỹ nhìn vào bất bình đẳng thu nhập đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự mong manh của kinh tế Mỹ rất rõ ràng.

Theo một báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), gần 40% người Mỹ không có đủ 400 USD dự phòng cho chi tiêu khẩn cấp. Nợ hộ gia đình đang tăng ở mức báo động.

Những số liệu kinh tế vùi lấp 'giấc mơ Mỹ' - 1

Người Mỹ điền đơn xin việc tại một hội chợ việc làm hồi tháng 5. (Ảnh: AP)

Gần một phần năm hộ gia đình Mỹ có tài sản ròng (tài sản trừ đi các khoản nợ) bằng 0 hoặc âm, theo một nghiên cứu năm 2017 của Viện nghiên cứu Chính sách. Đến nay, cũng chẳng có lý do gì để nghĩ rằng tình hình này đã cải thiện đáng kể.

Sự bất bình đẳng thu nhập này hiện tại rất lớn. Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết khoảng 50% người có thu nhập thấp nhất Mỹ chỉ sở hữu 1% tài sản của cả nước. Trong khi đó, top 10% thu nhập cao nhất sở hữu 70% tài sản. Tỷ lệ sở hữu tài sản của các gia đình trung lưu đã giảm gần nửa trong 4 thập kỷ qua, xuống còn 17% cả nước. 1/4 số trẻ sinh ra trong gia đình có mức sống dưới mức nghèo khổ.

Gần nửa lực lượng lao động Mỹ hiện làm các công việc thu nhập thấp với lương trung bình hàng năm dưới 20.000 USD. Gần 70% người Mỹ chỉ có thu nhập đủ sống qua ngày.

Trong khi đó, chi phí nhà ở, y tế và giáo dục đã tăng rất nhanh trong 20 năm qua. Việc tăng lương cũng khó bù lại được các khoản chi này.

CNN cho rằng sự bất bình đẳng thu nhập này chỉ ra mặt trái của Giấc mơ Mỹ. Báo cáo Global Social Mobility (đánh giá khả năng thế hệ sau có cuộc sống tốt hơn cha mẹ) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay xếp hạng 82 quốc gia theo 5 tiêu chí: Giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ, bảo vệ xã hội và điều kiện làm việc. Trong đó, Mỹ xếp thứ 27, sau Lithuania. Đan Mạch đứng thứ nhất.

Điều gì đã xảy ra với mảnh đất nhiều cơ hội này?

Hệ thống y tế của Mỹ gắn chặt với việc làm. Hệ thống giáo dục thì cực kỳ đắt đỏ. Và Mỹ cũng cho phép tồn tại tình trạng lao động không có hợp đồng hay quyền lợi nào.

Sự mong manh của Mỹ càng được phơi bày vì COVID-19. 85% người Mỹ làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng đặc biệt chịu thiệt hại khi kinh tế đi xuống. Hơn 40 triệu người Mỹ đã phải nhận trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới 11,1%.

Cuộc biểu tình "Black Lives Matter" sau cái chết của một người da màu cũng cho thấy khía cạnh sắc tộc của sự bất bình đẳng thu nhập. Nhiều nghiên cứu chỉ ra thu nhập của các hộ gia đình da trắng vượt xa người da đen và người Mỹ gốc Á.

John Hope Bryant – nhà sáng lập kiêm CEO tổ chức phi lợi nhuận Operation Hope cho rằng một trong những giải pháp ở đây là Hoàn thuế thu nhập do lao động (earned-income tax credit). "Bạn làm việc chăm chỉ, đúng luật và làm những điều đúng đắn, thu nhập hàng năm của bạn sẽ tăng 20%. Người nghèo sẽ thành tầng lớp lao động, tầng lớp lao động sẽ thành lao động trung lưu, và người trung lưu sẽ là trung lưu thực sự", ông nói.

Một giải pháp khác là hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp, giúp bù lại khoảng trống của giới chức. Những công ty như Admiral Capital Group thường trích khoảng 10% lợi nhuận cho cộng đồng địa phương, chủ yếu đổ vào giáo dục.

Dĩ nhiên, thị trường không thể tự giải quyết những vấn đề nền tảng này. "Trong một cuộc khủng hoảng, chúng ta cần chính phủ", Joseph Stiglitz – nhà kinh tế học từng giành giải Nobel cho biết, "Thị trường không thể đảm đương việc này được. Họ không thể sản xuất khẩu trang, kit xét nghiệm và thiết bị bảo hộ chúng ta cần. Tuy nhiên, việc giảm vai trò của chính phủ suốt 40 năm qua cũng đồng nghĩa chúng ta có sự chuẩn bị không tốt".

Giới phân tích cho rằng đã đến lúc Mỹ phải hành động, và thật nhanh. COVID-19 đang ngày càng tác động mạnh đến nền kinh tế. Sự nguy hiểm của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào là các doanh nghiệp học được cách làm nhiều hơn với tài nguyên ít hơn. Từ tháng 3, ứng dụng công nghệ và đột phá trong nhiều lĩnh vực đã được áp dụng. Và tự động hóa có lẽ là rủi ro lớn hơn bao giờ hết với lao động thu nhập thấp và trung bình.

Giấc mơ Mỹ chỉ gói gọn trong câu nói: Làm việc chăm chỉ và giấc mơ sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, công thức này đang dần đi chệch hướng. Khi nước Mỹ trải qua khủng hoảng, người dân cần thức tỉnh, nhận ra sự thật và hành động.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn