Những sinh viên Việt 'biến mất' bí ẩn ở Anh

Thế giớiThứ Tư, 06/11/2019 14:00:00 +07:00

Nguyen Thi Huong đến Anh theo visa du học của trường DLD, nhưng vài tuần sau, cô biến mất, rồi được tìm thấy ở một tiệm nail.

Huong là một trong ba nữ sinh Việt của trường cao đẳng DLD tại London mất tích chỉ trong vòng một năm và nằm trong số ít nhất 21 thiếu niên người Việt mất tích khỏi các trường nội trú và cao đẳng khắp nước Anh 5 năm qua. Nhiều người sau đó được tìm thấy đang làm việc ở các tiệm nail

Cuộc điều tra của tờ Times được công bố hôm 4/11 cho thấy Huong đến Anh năm 15 tuổi theo visa du học của trường DLD, một trong những trường cao đẳng lâu đời và danh giá tại Anh, thuộc sở hữu của Wetherby, tập đoàn đứng sau trường Notting Hill mà hai Hoàng tử William và Harry từng theo học.

Với học phí lên tới 30.000 bảng (hơn 38.600 USD) một năm, DLD hứa hẹn mang lại một trải nghiệm theo phong cách đại học, với các khóa học cung cấp chứng chỉ giáo dục Trung học phổ thông nổi tiếng thế giới GCSE. Trong những năm gần đây, trường đã mở rộng ra thị trường quốc tế nhằm tăng lượng sinh viên đầu vào và cung cấp nội trú cho 200 sinh viên. 

Capture

Trường cao đẳng Abbey ở thị trấn Malvern, hạt Worrouershirer, Anh, nơi một nữ sinh Việt mất tích vào năm 2016. (Ảnh: Malverngazette). 

Tuy nhiên, ngay trong học kỳ đầu vào năm 2016, Huong đã không đến lớp và biến mất khỏi ký túc xá. Trường DLD đã báo cáo sự việc với cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh. 

Một nhân viên từ thiện cho biết cô gái người Việt sau đó được tìm thấy tại một tiệm làm móng ở thành phố Coventry, hạt Midlands, phía bắc London, vào tháng 12/2016. Huong được đưa về chăm sóc tại một trung tâm xã hội nhưng tháng 1/2017 lại biến mất và đến nay chưa được tìm thấy.

Le Thi Trang, 15 tuổi, một sinh viên người Việt khác, cũng biến mất vào năm 2017 và hiện chưa rõ tung tích. Phát ngôn viên của trường DLD xác nhận còn có một nữ sinh Việt Nam khác bỏ trốn trong khoảng thời gian trên.

Tờ Times đã trao đổi với đại diện của một số trường lớn khác có sinh viên người Việt mất tích. Tại trường cao đẳng Chelsea Independent, có 8 sinh viên Việt nhập học trong thời gian gần đây và một nữ sinh từng gây hoảng loạn khi bỏ trốn giữa đêm. 

Tại trường Abbey, một cô gái 16 tuổi nhập học vào tháng 9/2017 nhưng mất tích sau kỳ nghỉ Giáng sinh và sau đó được phát hiện đang làm việc tại một tiệm nail. Từ năm 2016, 4 sinh viên đã mất tích ở trường cao đẳng Cambridge (CTC) ở nam London. Tập đoàn Bellerby cho biết có 3 sinh viên Việt mất tích tại các trường cao đẳng thuộc tập đoàn này ở London và Brighton.

Hội đồng Các trường tư thục và Hiệp hội Các trường nội trú Anh đã yêu cầu tất cả các thành viên "cảnh giác" khi tiếp nhận các sinh viên Việt Nam.

"Họ không quay lại sau các kỳ nghỉ, không trả lời điện thoại. Đó là một lỗ hổng. Có người đã nhận ra đây là một cách để đưa các nữ sinh Việt Nam lọt vào hệ thống", một cựu giáo viên Anh nói.

Không rõ các sinh viên mất tích có phải là nạn nhân buôn người hay không nhưng mỗi năm, có nhiều trẻ em Việt Nam được cho là bị đưa lậu sang Anh. Các trang trại cần sa và tiệm nail là những nơi làm việc phổ biến nhất của họ. Nhiều người có thể được hứa hẹn về mức thu nhập 1.500 bảng (gần 2.000 USD) một tháng nhưng trên thực tế không được trả đồng nào.

Hồi tháng một, ba người tại tiệm Nail Bar Deluxe ở thành phố Bath đã bị truy tố với tội danh liên quan đến bóc lột lao động. Cảnh sát phát hiện hai cô gái Việt Nam đang làm việc tại đây, một người được trả 30 bảng một tháng còn người kia không có đồng nào và ngủ ở một tấm đệm trên gác mái của nhà bà chủ.

4fa9c7665826b178e837

 Tiệm làm móng là một trong những nơi tìm thấy những sinh viên Việt "mất tích".

Tổ chức từ thiện chống buôn bán trẻ em ECPAT cho biết có 25% trẻ em được các chính quyền địa phương chăm sóc đã biến mất vào năm ngoái. Số nạn nhân trẻ em Việt Nam tăng từ 135 người vào năm 2012 lên 704 vào năm 2018. 

Catherine Baker, cán bộ cấp cao của ECPAT, cho rằng việc có nhiều trẻ em là nạn nhân buôn người biến mất khỏi hệ thống chăm sóc xã hội của Anh là "một vụ bê bối ngầm".

"Thiếu rất nhiều nguồn vốn và nguồn lực dành cho những trẻ em này. Họ nằm dưới sự chăm sóc của chính quyền địa phương nhưng sự chăm sóc đó không đầy đủ và những người chịu trách nhiệm ít được đào tạo về nạn buôn bán trẻ em. Một lượng lớn trẻ em đã mất tích và kết thúc trong tay những kẻ bóc lột", bà Catherine nói.

Trước thông tin mà Times công bố, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh hôm 4/11 cho biết an toàn và phúc lợi là yếu tố hàng đầu khi các trường tiếp nhận các sinh viên. Việc này phải có sự đồng thuận được xác thực từ phụ huynh. Các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ báo cáo việc vắng mặt hay mất tích cho Bộ Nội vụ và nếu không tìm thấy sinh viên đó, sự việc sẽ được giao cho cảnh sát và các cơ quan xã hội xử lý.

Vnexpress/Times, Daily Mail
Bình luận
vtcnews.vn