Những sĩ tử đặc biệt dự thi THPT quốc gia 2015

Giáo dụcThứ Ba, 30/06/2015 07:36:00 +07:00

Ngay trong ngày đầu đăng ký dự thi, nhiều trường hợp thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt vẫn tham dự kỳ thi khiến nhiều người xúc động.

(VTC News) -  Ngay trong ngày đầu đăng ký dự thi, nhiều trường hợp thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt vẫn tham dự kỳ thi khiến nhiều người xúc động.

Đến trường thi trên đôi vai mẹ

Cô gái 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi Nguyễn Minh Vân (Nam Định) được mẹ cõng đến trường làm thủ tục thi THPT quốc gia. Vân bị bệnh xương thủy tinh, không thể tự đi lại như người bình thường.
Nguyễn Minh Vân
 Nguyễn Minh Vân được sinh viên tình nguyện hỗ trợ đưa vào trường thi(Ảnh: Zing)

Tuy vậy, 12 năm liền, Vân đạt danh hiệu học sinh giỏi, giành nhiều học bổng. Năm lớp 9, Vân là học sinh giỏi môn Hóa cấp thành phố, đạt giải cuộc thi Nét bút tri ân.

Tại kỳ thi đánh giá năng lực trước đó, Minh Vân thi vào Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, tại cụm thi Nam Định, đạt 73 điểm. Nữ sinh cho biết, làm bài khá tốt ở phần tư duy định tính, tuy nhiên gặp khó khăn trong tư duy định lượng. Kỳ thi này, Vân nói, sẽ cố gắng hơn.

Chia sẻ sau buổi làm thủ tục, Vân cho biết, cảm thấy khá thoải mái và tự tin để chuẩn bị bước vào những ngày thi tới. "Tuy đi lại khó khăn nhưng bù lại em được thi tại phòng học khá thoáng mát và được giám thị, cũng như các bạn thí sinh khác nhiệt tình giúp đỡ", Vân nói.

Thí sinh cao chưa tới 1m

Đó là thí sinh Nguyễn Đình Phước, dự thi ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Bị teo cơ từ nhỏ nên Phước chỉ cao 0,9m và nặng chưa đầy 30kg.
PGS.TS Trương Thị Diễm, trưởng điểm thi khu H Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đưa thí sinh Nguyễn Đình Phước chọn bàn thi- Ảnh: Trường Trung
PGS.TS Trương Thị Diễm, trưởng điểm thi khu H Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đưa thí sinh Nguyễn Đình Phước chọn bàn thi- Ảnh: Trường Trung 

Dù điều kiện thể chất khó khăn nhưng lực học của Phước luôn khiến bạn bè nể phục. Trong ba năm học cấp 3, điểm trung bình các môn của Phước luôn từ 7,9 trở lên, riêng ba môn Toán- Lý- Hóa của Phước đều trên 9,1.

Lần này hai cha con Phước bắt xe đò từ Tam Kỳ (Quảng Nam) ra ở trọ nhà bà con ở Đà Nẵng dự thi. Có cha làm công nhân điện lực, mẹ ở nhà làm việc nội trợ nên từ nhỏ Phước luôn cố gắng học tốt vì biết hoàn cảnh gia đình còn khó khăn và để làm gương cho ba em nhỏ.

Ông Nguyễn Đình Toản, cha Phước cho biết: “Cháu chịu thiệt thòi so với chúng bạn cùng lứa nhưng biết hoàn cảnh gia đình còn chật vật nên chưa bao giờ đòi hỏi cha mẹ điều gì. Thỉnh thoảng khi yêu thích môn học gì thì cháu mới xin mẹ tiền đi học thêm thôi”.

 Phước cũng mơ ước trở thành “hiệp sĩ thông tin” như một số thần tượng của mình. Khác với những thí sinh “tí hon” mà chúng tôi gặp ở những kỳ thi trước, Phước tỏ ra rất tự tin với khả năng của mình trước giờ thi.

Thí sinh bị bại liệt

Thí sinh Vũ Văn Nội sáng nay được chị gái cõng vào phòng thi tại Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa. Chị gái Nội là Vũ Hoài Thanh (xã Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết, Nội bị tai nạn từ khi 3 tuổi, dẫn đến bại liệt từ phần ngực xuống chân.
Chị gái của Vũ Văn Nội cõng em vào phòng nhận số báo danh. 

Dù không thể di chuyển, sinh hoạt được như người bình thường, nhưng Nội luôn khao khát tìm đến tri thức. Suốt 12 năm học, em tự đi xe lăn đến trường. Chỉ những ngày mưa gió hay đau ốm, em mới nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ, chị gái.


“Em luôn tự giác, chăm chỉ học tập, bố mẹ, anh chị không phải nhắc nhở nhiều”, chị Nội nói. 12 năm học, Nội liên tiếp đạt thành tích học sinh khá, giỏi.

Dù từ nhà đến địa điểm thi xa 70 km, nhưng gia đình không muốn đưa Nội đến trường thi sớm. “Dạo này sức khỏe em hơi yếu, tôi không muốn đưa em đến sớm vì sợ em mệt, thời tiết lại nóng bức sẽ dễ dẫn đến ngất xỉu”, chị Thanh nói.

Minh Đức (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn