Những sai phạm tiền tỷ ở Công ty CP Kho vận Miền Nam?

Thời sựThứ Ba, 05/04/2011 10:17:00 +07:00

(VTC News) - Kinh doanh chứng khoán trái phép, hợp thức hóa thua lỗ cá nhân cho công ty, bỏ điều khoản làm lợi cho đối tác gần triệu USD, trách nhiệm thuộc ai?

(VTC News) - VTC News nhận được đơn thư cùng nhiều tài liệu do ông Lê Tiểu Minh, nguyên  Giám đốc chi nhánh Công ty CP Kho vận Miền Nam tại Hà Nội, tố cáo ông Hoàng Quyến – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và bà Đoàn Thị Đông – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần kho vận Miền Nam đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước và cổ đông.

Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (SOTRANS), dưới đây gọi tắt là công ty CPKVMN, thời điểm năm 2007-2008, cổ phần tài sản Nhà nước chiếm 50%, hiện nay là 47%, ông Hoàng Quyến với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là người đại diện cho phần vốn góp của Nhà nước thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Kinh doanh chứng khoán không được HĐQT đồng ý

Theo ông Minh, ngày 09/02/2007, trên cơ sở đề nghị của Bà Đoàn Thị Đông, ông Hoàng Quyến đã đồng ý giao 5 tỷ đồng để bà Đông tổ chức kinh doanh chứng khoán. Việc làm này không được sự đồng ý của Hội đồng quản trị công ty (không có Biên bản nghị quyết của HĐQT). Đến cuối năm 2007 tổng số tiền bỏ ra đầu tư chứng khoán lên tới gần 14 tỷ đồng, cả trên sàn giao dịch và OTC (Vốn điều lệ của công ty lúc đó là 51 tỷ đồng).

Bảng kê giá trị cổ phiếu tồn kho bị thua lỗ của Công ty CP Kho vận Miền Nam.

Trong quá trình này, bà Đông đã chỉ đạo các cá nhân mang tiền của công ty đi mua chứng khoán với danh nghĩa cá nhân. Sau một thời gian “lướt sóng”, vẫn theo tố cáo của ông Minh, thấy thị trường chứng khoán giảm mạnh, thua lỗ ngày càng nhiều, đến ngày 6/12/2007 bà Đoàn Thị Đông có phiếu đề nghị và được ông Hoàng Quyến đồng ý lập 8 giấy ủy quyền, hợp thức hóa cổ phiếu của cá nhân mang tên anh Trần Hải Nam và chị Lê Thị Phượng (là cháu ruột ông Hoàng Quyến) thành cổ phiếu của công ty.

Việc lập ủy quyền hợp thức hóa cổ phiếu của cá nhân vào công ty, theo ông Lê Tiểu Minh, thực chất là chuyển khoản thua lỗ của cá nhân vào cho công ty. Việc này gây thiệt hại lớn cho công ty, nhưng sự việc sau đó không có báo cáo rõ ràng mặc dù Hội đồng quản trị đã có yêu cầu.

Đáng lưu ý, việc kinh doanh chứng khoán không nằm trong Điều lệ của công ty CPKVMN trong khi kinh doanh chứng khoán thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nghi vấn về những giấy tờ được hợp thức hóa


Tài liệu của chúng tôi cho thấy, ông Hoàng Quyến đã lập 8 giấy ủy quyền hợp thức hóa cổ phiếu của cá nhân sang cho công ty. Điều đáng nói là thời điểm hợp thức hóa chứng từ này rơi vào lúc giá chứng khoán giảm rất mạnh.Bà Đông đã chỉ đạo các cá nhân mang tiền của công ty đi mua chứng khoán với danh nghĩa cá nhân. Nhưng khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, thua lỗ ngày càng nhiều, bà Đông ngay lập tức có phiếu đề nghị và được ông Hoàng Quyến đồng ý lập 8 giấy ủy quyền, nhằm hợp thức hóa cổ phiếu mang tên các cá nhân là người nhà của ông Quyến thành cổ phiếu của công ty.

Phiếu đề nghị do bà Đoàn Thị Đông lập trước đó rất nhiều tháng nhưng đều cùng có ngày công văn đến là 06/12/2007.

Cần chú ý là các giấy uỷ quyền mua chứng khoán được lập trong nhiều tháng khác nhau, với các thời điểm rải rác từ tháng 4/2007 đến cuối tháng 11 năm 2007 nhưng tất cả lại đều có chung dấu công văn đến là ngày 6/12/2007.

Cụ thể như sau: các ngày 7/4/2007, 18/8/2007, 27/9/2007 và 5/11/2007, bà Đoàn Thị Đông đã ký các Phiếu đề nghị công ty CPKVMN cấp ủy quyền cho bà Lê Thị Phượng, nhân viên Phòng Đầu tư Tài chính được thay mặt công ty đứng tên tham gia đấu giá mua cổ phần của một số công ty bên ngoài như Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (GUQ cấp ngày 10/4/2007), Hệ thống sản xuất vài Tổng công ty Phong Phú (GUQ cấp ngày 20/8/2007), Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 2, Công ty Thép Biên Hòa. Ngay lập tức, các giấy ủy quyền đã được ông Hoàng Quyến ký cấp liền trong ngày, hoặc sau đó ít ngày cho bà Phượng để tham gia đấu giá cổ phiếu. Tương tự như vậy, các giấy đề nghị cấp giấy ủy quyền cho ông Trần Hải Nam, Trưởng phòng Đầu tư Tài chính được tham gia đấu giá mua cổ phần của Công ty May Việt Tiến, Công ty Thép Biên Hòa được ký vào các ngày 15/9/2007 và 5/11/2007. Các giấy ủy quyền cũng được ông Hoàng Quyền ký cấp ngay sau đó một vài ngày...

Điều kỳ lạ là thời điểm mua thực tế các loại chứng khoán thì đều sát với ngày lập giấy đề nghị uỷ quyền nhưng tất cả các phiếu đề nghị lại đều có dấu công văn đến (của C.ty CPKVMN) vào ngày 06/12/2007. Như vậy, phải chăng đây là một hành động “hợp thức hóa giấy tờ” ở thời điểm thị trường chứng khoán đang giảm giá rất mạnh?


Bỏ điều khoản hợp đồng khiến đối tác lợi gần triệu USD


Vẫn theo tố cáo của ông Lê Tiểu Minh, giữa năm 2001, ông Hoàng Quyến với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty đã cố tình bỏ đi thỏa thuận rất quan trọng tại Điểm a Mục 1 Điều 1 Hợp đồng kinh tế số 40/2001/KVMN-TĐ ngày 1/7/2001 giữa Công ty CPKVMN và Công ty Cổ phần đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept (Sau này là Công ty TNHH Cảng Phước Long, tập đoàn Gemadept).


Tại Hợp đồng kinh tế số 40/2001/KVMN-TĐ ngày 1/7/2001, bên Công ty Gemadep cam kết: “Trong số 07 nhà kho bên A đã thuê, có 5 nhà kho gồm (K5+K6+K9+K10+K11) do yêu cầu thay đổi mục đích sử dụng, bên A đã tháo dỡ làm bãi đóng hàng, bên A vẫn thanh toán cho bên B đơn giá thuê kho, khi hợp đồng hết hiệu lực  bên A có trách nhiệm dựng lại nhà kho trả lại cho bên B nguyên trạng. Trong trường hợp bên A không có điều kiện dựng lại thì phải chuyển trả cho bên B số tiền chi phí lắp đặt theo giá trị thực tế tại thời điểm lắp đặt”.

Bản hợp đồng cho thuê kho cảng của Công ty CP Kho vận Miền Nam đã được bỏ đi một điều khoản gây thiệt hại cho công ty.

Đây là kế thừa các cam kết trước đây tại hợp đồng năm 1996 và các phụ lục hợp đồng số 90/PL/40/XNDV ngày 09/06/1999 và biên bản thoả thuận ngày 17/2/2000. Theo đó, Công ty Gemadept cam kết chi trả số tiền 150.000 USD cho việc dựng lại một nhà kho đã tháo ra để làm bãi chứa Container (nhân với  5 nhà kho thì tổng số tiền mà Germarderp phải trả là 750.000 USD. Tính với đơn giá tại thời điểm thanh lý hợp đồng thì số tiền này lên tới nhiều tỷ đồng).     

Tuy nhiên, tại Hợp đồng Dịch vụ Logistic số 01/2007/HĐ-KVMN ký ngày 02/05/2007 giữa công ty CPKVMN với công ty TNHH Cảng Phước Long (mà theo ông Minh thuộc tập đoàn Germarderp, điều khoản liên quan tới cam kết chi trả số tiền xây dựng nhà kho như đã nói ở trên không còn nữa, chỉ còn các điều khoản liên quan tới việc thuê, thanh toán và "bảo quản theo nguyên trạng".

Theo ông Minh, việc cố tình bỏ đi thỏa thuận nói trên dẫn đến việc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu bên đối tác chi trả khoản chi phí dựng lại nhà kho khi hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng vào cuối năm 2009. Không hiểu vì lý do năng lực kinh doanh hay vì một động cơ khác mà ông Hoàng Quyến đã cố tình bỏ đi những thoả thuận quan trọng trọng hợp đồng, mang lợi nhuận cho đối tác gần triệu đô la Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và cổ đông.

Trách nhiệm thuộc về ai?


Ngay sau khi có được thông tin trên, PV VTC News đã tìm mọi cách liên hệ trực tiếp với những người có liên quan nhưng tất cả đều từ chối trả lời. Thậm chí bà Đoàn Thị Đông là người trực tiếp ký các phiếu đề nghị trên nhưng lại trả lời là không hay biết gì về việc đầu tư chứng khoán này và yêu cầu PV có gì thì gặp trực tiếp Tổng Giám đốc Hoàng Quyến để làm việc. Nhưng khi chúng tôi liên hệ với ông Hoàng Quyến chuông điện thoại liên tục rung nhưng có ai nghe máy. Có mặt tại trụ sở của ông Quyến, thì bảo vệ của công ty cho biết không thể liên hệ được với ông Quyến và thư ký của ông Quyến cũng… đi vắng.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin với độc giả những diễn biến tiếp theo về vụ việc này.


Nhóm PVĐT


Bình luận
vtcnews.vn