Những sai lầm tai hại khi cấp đông, rã đông thực phẩm

Gia đìnhThứ Ba, 03/05/2022 14:30:00 +07:00
(VTC News) -

Việc cấp đông, rã đông thực phẩm không đúng cách không chỉ làm giảm dinh dưỡng mà còn có thể gây ngộ độc cho người dùng.

Trong đời sống hiện đại, tủ lạnh là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình, tuy nhiên không phải ai cũng biết cấp đông và rã đông thực phẩm đúng cách.

Những sai lầm khi cấp đông thực phẩm

Tích trữ quá nhiều thịt cá sống

Nhiều người nhân lúc giá thịt còn rẻ đã mua tích trữ thật nhiều trong tủ đông, với suy nghĩ có thể ăn dần trong thời gian dài. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản này không hề an toàn như chúng ta nghĩ.

Những sai lầm tai hại khi cấp đông, rã đông thực phẩm - 1

Tích trữ quá nhiều thực phẩm thực sự không an toàn.

Thịt chỉ ăn ngon nhất trong 2 giờ sau khi mổ. Vì vậy, không nên để lâu vì trong thịt có một số enzyme tự phân huỷ và chuyển hoá. Thịt sau khi cấp đông phải được đóng gói và bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ chuẩn từ -15 đến -18 độ C, và thời gian bảo quản không thể vượt quá 9 tháng.

Nhiệt độ bảo quản không đảm bảo khiến mỗi lần cấp đông "gia đình" như thế, thịt chỉ được lưu trữ tối đa 4 tháng, và những loại thịt được đông lạnh hay đóng băng quá thời gian trên đều không được phép tiêu thụ hay sử dụng.

Thịt lợn để lẫn với hải sản

Hải sản là thực phẩm có mùi tanh, nếu được cất giữ chung với thịt lợn sẽ bám mùi sang thịt, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Bạn nên bảo quản thịt và hải sản ở trong những chiếc hộp riêng, như vậy có thể giữ những thực phẩm này được lâu hơn.

Không rửa thịt trước khi cấp đông

Nhiều người có thói quen mua thịt về thì cất vào túi, sau đó để luôn vào ngăn đá. Cách làm này cực kỳ nguy hiểm vì nếu bạn không rửa thịt thật sạch sau khi mua về, các chất bẩn tồn tại trong thớ thịt sẽ làm thực phẩm mất hết chất dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Đồng thời, thịt dễ bị nhiễm khuẩn, tệ hơn là nếu lưu trữ thịt ở ngăn đá, nước thịt bị rỉ xuống các ngăn rau củ phía dưới có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn chéo, ảnh hưởng đến chất lượng các thực phẩm khác.

Vậy nên, để đảm bảo an toàn vệ sinh cho miếng thịt, bạn hãy dành chút thời gian làm sạch bụi bẩn có trong thịt, để khô ráo rồi mới mang chúng đi cấp đông nhé.

Nhiệt độ không phù hợp

Để thịt được đảm bảo chất lượng, không bị biến chất trong thời gian lưu trữ, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp. Nếu để trong ngăn mát thì nhiệt độ bảo quản của thịt sống là khoảng 2 độ C, còn nếu bảo quản trong ngăn đá thì mức nhiệt khoảng -25 độ C sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng.

Cấp đông lại sau khi rã đông

Ở nhiệt độ phòng, thịt sau khi rã đông sẽ bị vi khuẩn bám lên bề mặt. Miếng thịt lúc này sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh trưởng và phát triển mạnh. Do đó, việc tiếp tục cất miếng thịt không dùng hết vào ngăn đá sẽ thúc đẩy vi khuẩn tăng sinh nhiều hơn, làm miếng thịt bị nhiễm khuẩn và gây bệnh.

Cách tốt nhất là bạn nên chia thịt thành từng miếng nhỏ đủ dùng cho một lần, tránh sử dụng không hết lại mang đi đông đá nhiều lần, rất có hại cho sức khỏe.

Những sai lầm khi rã đông thực phẩm

Thịt đã cấp đông nếu rã đông không đúng cách sẽ dễ bị ôi thiu, vi khuẩn sẵn có trên bề mặt thực phẩm từ trước sẽ tiếp tục sinh sôi khắp miếng thịt. Miếng thịt vẫn còn cứng đã được mang đi nấu sẽ chín không đều, một số phần có thể không đạt đến nhiệt độ nấu an toàn đủ diệt vi khuẩn. Ngoài ra, thực phẩm sau khi rã đông phải chế biến ngay, tránh cấp đông trở lại làm mất dinh dưỡng.

Dưới đây là một số sai lầm khi ra đông thực phẩm khá phổ biến.

Những sai lầm tai hại khi cấp đông, rã đông thực phẩm - 2

Những sai lầm khi rã đông thực phẩm có thể gây nguy hiểm. 

Để thực phẩm tự rã đông ở nhiệt độ phòng

Thực phẩm đông (đặc biệt là thịt) tiếp xúc với nhiệt độ bình thường sẽ rất dễ bị ôi thiu, vi khuẩn sinh sôi gấp nhiều lần so với trước khi rã đông. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc và tiêu chảy, nhất là đối với những người có hệ tiêu hóa kém.

Cho thực phẩm vào nước hoặc dầu nóng 

Cho thịt cá đông lạnh vào chảo dầu nóng là sai lầm khi rã đông thực phẩm mà nhiều người mắc phải.  Nước lạnh và dầu nóng không thể rã đông thực phẩm mà ngược lại có thể gây cháy nổ.

Rất nhiều gia đình thả trực tiếp thực phẩm vào nước lạnh để rã đông, tuy nhiên cách làm này khiến dịch bào chứa chất dinh dưỡng tan ra và hòa vào nước, làm mất chất dinh dưỡng, thực phẩm khi nấu cũng bị nhão và nhạt hơn

Nấu thực phẩm đông lạnh lâu hơn bình thường

Rã đông bằng cách nấu lâu hơn sẽ làm mất đi dinh dưỡng của thực phẩm. Thực phẩm đông cứng như thịt khi nấu trực tiếp có thể không chín. Nếu nấu quá lâu, nấu lại nhiều lần thì thực phẩm có thể bị quá chín, mất chất và mất vị ngon vốn có.

Rã đông thực phẩm đúng cách

Rã đông bằng tủ lạnh

Đây là cách rã đông an toàn nhất, tuy nhiên sẽ hơi mất thời gian. Bạn bỏ thực phẩm cần rã đông vào hộp hoặc đĩa sạch, bọc kín lại rồi để xuống ngăn mát dưới cùng của tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo sang thực phẩm khác.

Theo tính toán, để rã đông 1 con gà 2,5 kg, bạn cần để thực phẩm dưới ngăn mát 24 giờ. Đối với các loại thịt khác, thời gian rã đông dưới 24 giờ là đủ.

Đối với cá, khi rã đông nên để trong tủ lạnh. Lưu ý không nên để cá quá mềm, sẽ mất chất và nhạt vị. Cần bọc kín cá trong túi bóng vì thời gian rã đông cá lâu hơn so với thực phẩm khác. Nếu ngâm quá lâu, cá sẽ bị hỏng. 

Còn rau đông lạnh không cần phải rã đông vì sẽ bị mềm nhũn và mất chất. Bạn có thể chế biến ngay. Tuy nhiên, đừng để các loại rau quá lâu trong tủ lạnh.

Rã đông bằng lò vi sóng

Trong trường hợp cần rã đông nhanh, bạn có thể sử dụng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm, tan đông. Lưu ý khi rã đông, cần lột bỏ các bao bì không an toàn với lò vi sóng như hộp xốp, túi nilon, bìa carton, đặt thực phẩm trong hộp hoặc đĩa sâu có nắp hay màng bọc an toàn với lò vi sóng, tránh nước từ thực phẩm chảy ra ngoài.

Với phương pháp này, thực phẩm cần được chế biến ngay vì thịt có thể bị chín một phần.

Rã đông với nước

Những sai lầm tai hại khi cấp đông, rã đông thực phẩm - 3

Cho thực phẩm vào túi nhựa rồi mới rã đông bằng nước.

Rã đông với nước đúng cách là để thực phẩm trong túi nhựa, túi nilon chống rò rỉ, sau đó cầm cả túi xối dưới vòi nước lạnh cho đến khi thịt được rã đông hoàn toàn. Hoặc bạn cũng có thể ngâm túi thực phẩm đã được bọc kín trong bồn nước, thay nước sau mỗi 30 phút cho đến khi thịt được rã đông.

Rã đông thức ăn thừa

Có thể rã đông thức ăn thừa bằng cách để dưới ngăn mát tủ lạnh hoặc lò vi sóng. Tuy nhiên, cần nấu lại trước khi ăn và nếu còn thừa, tuyệt đối không cấp đông trở lại.

Dù rã đông theo cách nào, bạn cũng cần tuân thủ 4 nguyên tắc:

  • Không để thức ăn rã đông ở nhiệt độ phòng, đây là điều kiện lý tưởng khiến vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng khả năng ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở nhóm người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều gia đình vẫn đang mắc sai lầm này khi rã đông thực phẩm.
  • Trước khi rã đông thịt, nên kiểm tra bao bì, đảm bảo không bị rách hoặc hở để tránh rò rỉ nước làm ô nhiễm, lây chéo ra thực phẩm khác.
  • Khi thực phẩm đã rã đông hoàn toàn, tuyệt đối không cấp đông trở lại. Bạn chỉ được phép cấp đông trở lại khi thực phẩm mới tan đá một phần, vẫn còn dính các tinh thể đá trên bề mặt.
  • Tránh lây nhiễm chéo khi rã đông bằng cách khử trùng bồn rửa, chén đĩa hay hộp chứa thực phẩm rã đông, bên trong lò vi sóng.

Hy vọng những lưu ý về sai lầm khi rã đông thực phẩm trên đây sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho gia đình khi nấu nướng.

Hạ Vy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn