Những phiên tòa khiến dư luận 'rùng mình'

Pháp luậtThứ Hai, 03/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Cùng nhìn lại những phiên tòa xét xử các vụ án rúng động dư luận năm 2013.

Xử tên “yêu râu xanh” Đặng Trần Hoài
Ngày 17/1/2013, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên y án tử hình đối với bị cáo Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại tổ dân phố Đoàn Kế, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) – kẻ giết hại cháu bé bốn tuổi và hiếp dâm bé tám tuổi ở thôn Đông Triều (xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) vào hồi tháng 7/2012.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 29/7/2012, sau khi đi ăn cưới ở Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) Đặng Trần Hoài đi xe máy đến thôn Triều Đông, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Khi đi qua nhà anh Khuất Văn Hiền (SN 1982), thấy cổng mở, Hoài dựng xe máy rồi đi vào bên trong.

Đặng Trần Hoài trước tòa.

Sau khi lấy trộm một chiếc áo sơ mi của nhà anh H mặc vào người, Hoài phát hiện trong nhà có hai bé gái (con của anh H) đang ngồi xem tivi, hắn lôi cháu H xuống bếp và hãm hiếp. Cháu Khuất M.Q (SN 2008) sợ hãi kêu khóc. Sợ bị lộ, Hoài sát hại cháu Q.
Khi Hoài đang thực hiện hành vi thú tính với cháu H, thì bị anh Khuất Văn P (SN 1974, bác ruột cháu H) phát hiện. Hoài hoảng hốt, chém một nhát ngang mặt, gây thương tích cho anh P, rồi bỏ chạy nhưng bị nhân dân truy đuổi và tóm gọn, giao cho công an.
Vụ “quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc
Tháng 3/2013, hàng ngàn người dân Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung hoảng hốt trước vụ án phát hiện thi thể người dưới cống nước, gia đình bức xúc đã mang quan tài nạn nhân đi khắp phố để đòi cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ hung thủ.
Theo điều tra của công an, ngày 14/3, sau khi hết giờ làm việc, Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên) đi uống rượu cùng với một số đồng nghiệp làm ở khu công nghiệp Khai Quang. Do có hẹn trước với Nguyễn Duy Hiệp (em họ) nên sau khi uống rượu, anh Tuấn Anh rủ nhóm bạn đi hát và đi ăn đêm.
Đến nơi, hai người gặp 6 thanh niên đang ngồi ăn ở đó. Họ đều ở tại căn nhà 4 tầng ở đường Hùng Vương (nơi trước đây con rể Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc từng ở). Do mâu thuẫn, anh Tuấn Anh bị cả nhóm đuổi đánh và ngã xuống kênh nước, sau đó tử vong.

Gia đình nạn nhân bức xúc, mang quan tài đi "diễu phố".

Chiều 15/3, gia đình Tuấn Anh không thấy con về, tìm không được nên đã gửi đơn đến Công an phường Hội Hợp trình báo. Công an phường cùng chính quyền địa phương, gia đình tìm kiếm. Cùng với việc truy tìm nạn nhân, cơ quan điều tra xác minh việc đánh nhau xảy ra trên địa bàn, làm rõ 5 người có liên quan đến việc mất tích của nạn nhân.

Sáng 17/3, xác Tuấn Anh được tìm thấy ở cống kênh 2B trên địa bàn phường Hội Hợp. Ngay trong ngày, CQĐT Công an Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người. Riêng Nguyễn Văn Bính bỏ trốn. Ngày 21/3, tên này đã bị bắt theo truy nã.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Duy Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn cũng bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm. Kết quả điều tra cũng cho thấy con rể Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc không liên quan đến vụ án.
Chiều 6/9, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt 6 bị cáo. Mức án dành cho các bị cáo là từ 3 năm tù đến hình phạt cao nhất là tử hình.
Tử hình kẻ gài mìn, cướp tiệm vàng
Ngày 21/5/2013, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Tạ Văn Thanh (26 tuổi) án tử hình; Tạ Hải Hà (22 tuổi) lĩnh án chung thân cùng về các tội Giết người, Cướp tài sản, Hủy hoại tài sản và 7 năm về tội Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ. 

Hiện trường vụ nổ mìn, cướp vàng.

Trưa 21/6/2012, sau khi đe dọa nhân viên thu ngân và chủ tiệm vàng Hoàng Tín trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội không thành, bị họ tri hô và giằng túi đựng mìn vứt ra ngoài đường, Thanh hoảng sợ bỏ chạy.

Hà cảnh giới gần đó, biết anh bị lộ nên trước khi bỏ chạy đã kích hoạt gây ra vụ nổ mìn làm 15 người bị thương. 20 phút sau khi sự việc xảy ra, Thanh bị bắt.
Vụ tham nhũng tại công ty ALCII
Trong vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 11 bị cáo (15/11). 
Hai án tử hình dành cho 2 bị cáo: Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II) và Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Quang Vinh)... Các bị cáo còn lại bị tuyên án từ 3 năm đến 14 năm tù giam.

Đã có hai án tử bị tuyên cho hai bị cáo trong vụ án này.

Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền thiệt hại hơn 531 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân.

Vụ tham nhũng tại công ty Vifon
Ngày 21/11, TAND TP HCM đưa vụ án tham nhũng tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) ra xét xử. 
Đây được cho là một trong số 10 “đại án” được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xét xử vào cuối năm 2013.
Sau 7 ngày xét xử, sáng 27/11, TAND TP.HCM đã tuyên án 22 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Bi (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Vifon), nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Huyền lãnh 30 năm tù. 

Các bị cáo trước tòa.

Các đồng phạm, giúp sức cho Huyền, Bi trong vụ án này là Đàm Tú Liên (nguyên Kế toán trưởng của Vifon) nhận mức án 8 năm tù, bị cáo Dương Thị Mẫn và Ka Thị Thu Hồng (Kế toán thanh toán, thủ quỹ của Vifon) nhận mức án 7 năm tù.

Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm
Vụ án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm được xét xử trong 3 ngày từ 12-14/12/2013. Bản án sơ thẩm được tuyên ngày 16/12 xác định hành vi Tham ô tài sản; cố ý làm trái các quy định của nhà nước về trật tự quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khẳng định hành vi của các bị cáo gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Riêng với bị cáo Dương Chí Dũng, sau khi bị khởi tố đã bỏ trốn, thể hiện trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn trong quá trình điều tra, cần áp dụng tình tiết tăng nặng cho cả hai tội danh.
Các bị cáo đều là Đảng viên, có thành tích trong công tác nhưng lại tha hóa biến chất, tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm minh nhưng cũng cần xem xét đến các tình huống giảm nhẹ.

Bị cáo Dương Chí Dũng.

Dũng và Phúc có vai trò ngang nhau trong việc tham ô tài sản, số tiền 10 tỷ đồng là rất lớn, các bị cáo chưa khắc phục được coi là tình tiết tăng nặng.

HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Bộ Giao thông Vận tải Tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp mức hình phạt là “Tử hình”.
Bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải Tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 18 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp mức hình phạt là “Tử hình”. Các bị cáo khác từ 7-22 năm tù.
Vụ án “chặt tay cướp SH”
Chiều ngày 25/12, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với băng nhóm chặt tay cô gái cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ gây chấn động dư luận năm 2012.
HĐXX nhận định hành vi của băng cướp là hết sức manh động và chủ yếu thực hiện sau khi đã chơi ma túy để dễ dàng chém người không ghê tay. Đã có 12 nạn nhân bị trọng thương từ những vụ cướp táo tợn mà băng cướp này gây ra.

Nhóm bị cáo chặt tay cướp xe SH trước tòa.

Theo đó bị cáo Hồ Duy Trúc (SN 1993) được xác định là đối tượng cầm đầu băng cướp bị tuyên án tử hình về tội Cướp tài sản.
Đêm 24/11/2012, 4 tên Trúc, Luông, Phương và Sơn đi trên 2 xe gắn máy theo dõi chị Nguyễn Thị Ngọc T. (SN 1984, ngụ quận 2) đang đi xe SH từ quận 7 về quận 2. Khi chị T. đến đường vành đai phía đông, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 thì tên Luông cầm đầu điều khiển xe ép sát chị T., tên Trúc ngồi phía sau rút mã tấu dài khoảng 70cm, chém liên tiếp 2 nhát vào chị T. làm chị này đứt lìa bàn tay phải, lê lết dưới đường kêu cứu.
Đúng lúc này, tên Phương chở tên Sơn từ phía sau ập tới, giật giỏ xách chứa tài sản (4,2 triệu đồng) của nạn nhân. Thấy chị T. bị thương, 4 tên cướp này định cướp chiếc xe SH, nhưng chiếc xe không nổ máy nên chúng đành bỏ lại và tẩu thoát cùng với túi xách chứa tài sản của nạn nhân. Theo giám định, chị T. bị thương tật 47%.
Bình luận
vtcnews.vn