Những 'ông lớn' đang ôm đầy nợ

Kinh tếThứ Sáu, 26/02/2016 07:45:00 +07:00

MSN, CII, LGC, HSG, POM, NT2,… là những ông lớn đang vay nợ cao và có số dư vay nợ/tổng tài sản từ 50%.

MSN, CII, LGC, HSG, POM, NT2,… là những ông lớn đang vay nợ cao và có số dư vay nợ/tổng tài sản từ 50%.

Thống kê hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2015 cho thấy, tại ngày 31/12/2015 tổng tài sản của hơn 600 doanh nghiệp tăng bình quân 20%; nợ phải trả tăng bình quân 20%; vay nợ ngắn và dài hạn tăng bình quân 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 11,6% còn vay nợ dài hạn tăng 19,9% so với đầu năm.
10 doanh nghiệp có giá trị dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn lớn nhất thị trường.
10 doanh nghiệp có giá trị dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn lớn nhất thị trường. 

Có 128 doanh nghiệp có chỉ số nợ phải trả/tổng tài sản tại ngày 31/12/2015 từ 70% - hơn 99%. Có 103 doanh nghiệp không có vay nợ ngắn và dài hạn, tuy nhiên trong số 103 doanh nghiệp này có 14 doanh nghiệp đang có các khoản phải trả ngoài vay nợ khá lớn chiếm từ 50% - 82% tổng giá trị tài sản.

Điển hình như CTCP Chứng khoán Phương Đông (mã ORS) chủ yếu là khoản phải trả cho Ngân hàng Tiên Phong; CTCP Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng (mã CID) phải trả cao do “chiếm dụng” vốn của người mua và doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn; CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (mã VCM, TV3) phải trả cao do doanh thu chưa thực hiện trong ngắn và dài hạn cao cũng như phải trả khác cao; CTCP Than Hà Tu (mã THT) do nợ người bán, nợ thuế, các khoản phải trả người lao động và nộp quỹ phát triển và khoa học công nghệ; CTCP Xây dựng Cotec (mã CTD) chủ yếu là các khoản trả trước của khách hàng, phải trả người bán và phải trả trước khác.

Có khoảng 60 doanh nghiệp đang có số dư vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn chiếm đến 50% tổng tài sản. Trong đó có 6 doanh nghiệp có số dư vay nợ ngắn và dài hạn chiếm hơn 2/3 tổng tài sản là CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (mã VLF), CTCP Than Hà Lầm (mã HLC), CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (mã TH1), CTCP Vận tải biển Vinaship (mã VNA), CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI), CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (mã PIT).

Xét về giá trị, trong nhóm 60 doanh nghiệp đang có dư nợ vay ngân hàng ngắn và dài hạn chiếm từ 50% trở lên, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CII), CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (mã HT1), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), CTCP Đầu tư Cầu Đường CII (mã LGC), CTCP Thép Pomina (mã POM), CTCP Tasco (mã HUT), CTCP Vận tải biển Việt Nam (mã VOS), PLC là những doanh nghiệp lớn đang có số dư vay nợ lớn nhất.

Tại ngày 31/12/2015, số dư vay nợ ngắn và dài hạn của MSN lên gần 35.620 tỷ đồng, tương đương gần 1,6 tỷ USD, bằng 49,6% tổng tài sản. Vay nợ của MSN chủ yếu là vay dài hạn (trái phiếu có đảm bảo hơn 28,7 nghìn tỷ đồng).
Nguồn: Báo cáo tài chính các công ty quý IV/2015
Nguồn: Báo cáo tài chính các công ty quý IV/2015 

CII có số dư vay nợ 8.021 tỷ đồng, khoảng 358 triệu USD, bằng 53,2% tổng tài sản. Một thành viên của CII đang niêm yết là LGC đang có số dư vay nợ 4.067 tỷ đồng, khoảng 181,5 triệu USD,bằng 55% tổng tài sản. Một phần nợ vay của CII là trái phiếu có kỳ hạn 3-7 năm.

2 đại diện của ngành thép là HSG và POM cũng đang có số dư vay nợ lần lượt là 4.546 tỷ đồng, khoảng 203 triệu USD và 4.372 tỷ đồng, khoảng 195 triệu USD. Chỉ số vay nợ trên tổng tài sản của HSG và POM lần lượt là 51,6% và 61,6%. Các khoản vay của HSG và POM chủ yếu là vay ngắn hạn.

NT2 có số dư vay nợ hơn 5.865 tỷ đồng, khoảng 262 triệu USD, bằng 50,3% tổng tài sản.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua chỉ số dư vay nợ/tổng tài sản, chỉ xét đến giá trị số dư vay nợ ngắn và dài hạn thì MSN, VIC, FPT, CII, DCM, PVD, GAS, HT1, NT2, SSI là những doanh nghiệp có số dư vay nợ lớn. Trong đó VIC có số dư vay lên đến 34.577 tỷ đồng, tương đương 1,54 tỷ USD; FPT đạt mức 8.806 tỷ đồng. VIC và FPT có chỉ số dư vay nợ/tổng tài sản lần lượt là 24% và 34%.

Nguồn: Bizlive
Bình luận
vtcnews.vn