Những 'nữ tướng' đến và đi trong tái cơ cấu ngân hàng

Kinh tếThứ Hai, 19/10/2015 01:52:00 +07:00

tái cơ cấu ngân hàng: Hiện có 7/34 (20%) ngân hàng thương mại có vị trí quản lý cấp cao nhất là nữ, tỷ lệ này giảm so với cách đây đúng 1 năm là 30%

Hiện có 7/34 (20%) ngân hàng thương mại có vị trí quản lý cấp cao nhất là nữ, tỷ lệ này giảm so với cách đây đúng 01 năm là 30% (10/35 ngân hàng). 9 lãnh đạo ngân hàng là nữ đã chia tay ngành ngân hàng.

Những “nữ tướng” đến và đi trong tái cơ cấu ngân hàng
Những “nữ tướng”  
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank)
 Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, tham gia lãnh đạo Seabank từ năm 2007 đến nay.
Trước đó, bà Nga là Phó Chủ tịch và Chủ tịch của ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) từ năm 2002.
Seabank chỉ là một thành viên trong 13 thành viên của tập đoàn BRG cũng do bà Nga làm Chủ tịch gồm: Công ty chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities), Sân golf quốc tế Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course), Khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), Khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort)…
Bà Thái Hương - Tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á (BacABank)
 Bà Thái Hương sinh năm 1958. Năm 1994, bà Hương tham gia thành lập BacABank, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BacABank đến nay, tỷ lệ nắm giữ vốn khoảng 5,67%.
Ngoài ra, bà Hương hiện còn là chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Group với mục tiêu tăng thị phần sữa nước từ 33% lên 50% vào năm 2017.
Bà Thái Hương trước khi về làm ngân hàng đã từng là cán bộ Ban Vật giá Tài chính TP. Hải Phòng từ năm 1982-1985. Sau đó bà Hương là cán bộ Công ty Vật liệu Xây dựng Chất đốt tỉnh Nghệ An từ 1985-1989. Đến năm 1989 bà Hương là Giám đốc Công ty TNHH Hương Hà.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank)
 Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, từng là sáng lập viên và quản trị tại ngân hàng VIB và Techcombank.
Năm 2008, bà Thảo tham gia Hội đồng quản trị HDBank với tỷ lệ nắm giữ 6% vốn điều lệ của HDBank.
Bà Thảo cũng đang tham gia quản trị nhiều công ty lớn khác tại Việt Nam và nước ngoài như Chủ tịch Công ty Địa Ốc Phú Long, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Sovico Group, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Sovico Ltd., (Liên bang Nga)…
Bà Thảo là vợ ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Sovico Group.
Bà Trần Thị Việt Ánh, sinh năm 1952, từng là chuyên viên Vụ Phát hành, Ngân hàng Nhà nước
   Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank) 

Năm 1994, bà Ánh làm Phó Tổng giám đốc Saigonbank và đến năm 2004 bà Ánh chính thức trở thành Tổng giám đốc Saigonbank, với tỷ lệ sở hữu cổ phần khoảng 0,1%.
Những người không ở lại
Cuộc “thay máu” nhân sự ngân hàng khốc liệt khiến 9 lãnh đạo ngân hàng là nữ đã rời vị trí cấp cao.

Bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Nhà Hà Hội (Habubank): Năm 2002, bà Mai chính thức là Tổng giám đốc Habubank. Vị trí CEO nữ đầu tiên rời khỏi “ghế nóng” ngân hàng khi Habubank sáp nhập vào SHBank và trở thành chuyên viên đòi nợ của SHBank mới.

Bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Dương (Oceanbank):Bà Thu giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Oceanbank năm 2008 khi ở tuổi 35 và chính thức đảm nhận Tổng giám đốc từ năm 2011. Tháng 10/2014, bà Thu giữ chức Chủ tịch Oceanbank trong 4 tháng và sau đó xin miễn nhiệm.
Oceanbank đã được Ngân hàng Nhà nước mua giá 0 đồng và thay hàng loạt nhân sự chủ chốt mới.

Bà Vũ Bạch Yến, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng (CBank): Bà Vũ Bạch Yến tham gia Ngân hàng Xây Dựng từ khi thành lập và là cổ đông lớn của ngân hàng này. Bà Yến giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng sau sự cố nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàngnày bị khởi tố và bắt tạm giam.
Ngân hàng Xây Dựng cũ (VNCB) đã bị mua 0 đồng và chuyển đổi logo, tên viết tắt thành CBank và đã thay Chủ tịch là ông Nguyễn Văn Tuân.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, nguyên Chủ tịch ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Bà Thu Sương trước khi là Chủ tịch HĐQT SCB từ ngày 01/01/2012, bà Sương là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên SCB năm 2014, bà Sương bất ngờ xin từ nhiệm và người kế nhiệm vị trí Chủ tịch SCB là ông Đinh Văn Thành.
Bà Đàm Bích Thủy, nguyên Tổng giám đốc NHTM Quốc Tế (VIB): Bà Thủy trước khi về VIB là Tổng giám đốc ANZ Đông Dương và đã gắn hơn 10 năm với ANZ.
Đến năm 2013, bà Thủy trở thành Tổng giám đốc của VIB nhưng chỉ tại vị được 4 tháng.

Bà Trần Thanh Hoa, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng TMCP An Bình (ABBank): Bà Trần Thanh Hoa giữ chức vụ Tổng giám đốc ABBank từ cuối năm 2011 và rời ghế nóng chỉ sau nửa năm. Trước khi ngồi ghế nóng, bà Hoa là Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng và quản lý rủi ro ABBank.
Bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên Chủ tịch ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank):Bà Loan từng được coi là nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam khi giữ vị trí này ở tuổi 37. Tại đại hội đồng cổ đông thương niên NamABank năm 2014 bà Loan xin từ nhiệm “ghế nóng” của ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ vốn của người nhà bà Loan tại NamABank vẫn rất lớn, tới 13%.

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, nguyên Chủ tịch ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank): Bà Lâm tham gia vào Tập đoàn Bảo Việt từ năm 1981. Bà giữ chức Chủ tịch BaoVietBank từ khi ngân hàng được thành lập và là đại diện vốn của Tập đoàn Bảo Việt tại ngân hàng này với tỷ lệ 49,5%.

3 nữ nhân xuất hiện trong tái cơ cấu ngân hàng
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)
 Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, chính thức đảm nhận vị trí Tổng giám đốc NamABank từ tháng 4/2015.
Trước đó, bà Cẩm Tú đã trải qua nhiều vị trí: Phó Tổng Giám đốc thường trực NamABank; Giám đốc Khu vực Miền Trung ngân hàng MHB; Giám đốc chi nhánh ngân hàng Sacombank; Thành viên HĐQT CTCP Đường Ninh Hòa; Thành viên HĐQT CTCP Du lịch Thắng Lợi…
Bà Phương Thanh Nhung, Quyền Tổng giám đốc ngân hàng Việt Á (VietABank)
 Bà Phương Thanh Nhung, sinh năm 1980, tham gia VietABank từ tháng 4/2013 với vị trí là thành viên HĐQT, sau đó bà Nhung được bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc VietABank và là CEO ngân hàng trẻ nhất hiện nay.
Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của ông Việt hiện đang nắm 16,46% vốn của VietABank.

Bà Trần Hải Anh, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB)
 Bà Trần Hải Anh sinh năm 1967, tham gia NCB từ tháng 5/2013 với vị trí Chánh Văn phòng HĐQT kiêm Trưởng Văn phòng Hội sở Miền Bắc, giữ vị trí Tổng giám đốc NCB từ tháng 2/2014.
Trước đó, bà Hải Anh là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Phương Nam. Hiện NCB vẫn đang trong quá trình tự tái cơ cấu ngân hàng và đã “thay máu” toàn bộ thành viên HĐQT và đang trong quá trình kiện toàn bộ máy tổ chức.
Bà Trần Hải Anh được biết đến là vợ của ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Gami Group hiện đang là cổ đông lớn của NCB, “tiếp quản” ngân hàng từ ông Đặng Thành Tâm.

Nguồn: BizLIVE
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn