Những người Việt được Pháp trao Bắc đẩu bội tinh

Thời sựThứ Bảy, 02/03/2013 07:24:00 +07:00

Họ là những người Việt Nam nhưng những cống hiến, thành tựu của họ đã mang tầm quốc tế, đặc biệt là khiến người Pháp cảm phục.

Họ là những người Việt Nam nhưng những cống hiến, thành tựu của họ đã mang tầm quốc tế, đặc biệt là khiến người Pháp cảm phục.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh



Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier hôm 26/2/2013 trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh, huân hương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp, cho bà Tôn Nữ Thị Ninh, tại thành phố Hồ Chí Minh.

"Bà là một người phụ nữ của Ánh sáng, một phụ nữ của văn hóa, đồng thời là một nhà ngoại giao và một nữ chính khách, và bà hết sức coi trọng việc truyền bá kiến thức cho các thế hệ trẻ", ông Poirier dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong lễ trao huân chương.

"Bà vừa là hiện thân cho gương mặt thời nay của các nhà nho lớn thời xưa của Việt Nam, vừa là hiện thân của các nhà trí thức dấn thân của Pháp của thế kỷ XX. Bà đã có những đóng góp lớn cho mối quan hệ lâu bền và tin tưởng giữa Việt Nam, Pháp và các nước Pháp ngữ", ông nói.

Bà Thị Ninh từng được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng Nhì (cao nhất là hạng Năm) sau Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Hà Nội 1997. Lần này, bà được đại sứ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng Ba.

Đại sứ quán Pháp cho rằng với vai trò là giáo viên, nhà ngoại giao, chính khách, bà Ninh đã không ngừng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và cho sự hội nhập của đất nước vào cộng đồng quốc tế, qua đó duy trì mối quan hệ bền chặt của bà với nước Pháp.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Chiều 20/3/2009, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Kim Tiến đã được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội Tinh – huân chương cao quý nhất của nước Pháp.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là cán bộ y tế Việt Nam đầu tiên nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh.

Đây là sự ghi nhận của nước Pháp với những đóng góp to lớn của bà Kim Tiến trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học ở trình độ cao.

Bà Kim Tiến cho biết, ngành y tế hai nước Việt Nam và Pháp đã có mối quan hệ truyền thống từ xưa. Trường đại học y Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai, Việt-Đức ở phía Bắc, bệnh viện Chợ Rẫy ở phía Nam đều do Chính phủ Pháp xây dựng. Nhiều giáo sư y học đầu ngành của nước nhà như Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Trần Hữu Tước, Giáo sư Đặng Văn Chung, cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch… đã được đào tạo từ Pháp.

Viện Pasteur Paris có mối quan hệ khăng khít với hệ thống hơn 20 viện Pasteur trên thế giới. Đây là niềm tự hào của nước Pháp về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực Y sinh học. Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh là được thành lập sau Viện Pasteur Paris và là Viện Pasteur đầu tiên được xây dựng ngoài nước Pháp - nơi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến đã công tác liên tục trong suốt 20 năm. Bà làm Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2001 và là người Viện trưởng trẻ nhất trong số hơn 20 Viện trưởng Pasteur trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng

Tối 12/10/2011, tại Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM, Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp cho bà Nguyễn Thị Xuân Phượng. Theo báo Sài Gòn tiếp thị, trong lễ trao huân chương, Đại sứ Jean-François Girault nhận xét, bà Phượng có những đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước Việt Nam thông qua những việc mà bà đã làm, cả trong thời chiến và thời bình.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (sinh năm 1924) là cựu phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1989, bà về hưu. Bà Phượng đã từng viết báo, dịch nhiều tài liệu và viết sách giới thiệu về Việt Nam với độc giả Pháp suốt 30 năm qua.

Với những hoạt động tích cực, bà Phượng đã đưa 28 đoàn điện ảnh Pháp sang thăm Việt Nam để làm phim cả trong thời gian chiến tranh lẫn thời bình. Từ năm 1991 đến nay, bà Phượng liên tục đưa nhiều đoàn họa sỹ Việt Nam sang Pháp triển lãm tranh tại nhiều thành phố. Bà trở thành một nhà sưu tập, chủ nhân của phòng tranh Lotus.

Ông Ngô Bảo Châu

Ngày 27/1/2012, GS Ngô Bảo Châu đã được đích thân Tổng thổng Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh tại điện Élysée,

Trước đó, ngày 19/8/2010, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã được trao huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được trao cho một người Việt Nam.

Ngày 9/3/2011, Bộ GD-ĐT đã tổ chức công bố Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán trực thuộc Bộ GD-ĐT và Quyết định bổ nhiệm GS. Ngô Bảo Châu giữ chức Giám đốc khoa học của Viện. GS Châu cho biết, sẽ cố gắng để bảo đảm hoạt động khoa học của Viện đúng với tinh thần, mục tiêu đã đề ra trong việc tác động cụ thể lên khả năng nghiên cứu, giảng dạy toán học tại các trường ĐH Việt Nam, thu hút và tạo điều kiện cho các nhà toán học trẻ Việt Nam cũng như của nước ngoài đạt được hướng nghiên cứu mới về toán học.

Hiện GS Ngô Bảo Châu đang giảng dạy tại ĐH Chicago (Mỹ) và vừa qua GS đã được bổ nhiệm vào vị trí có tên là named chairs, và được phong tặng danh hiệu giáo sư xuất sắc. Từ trước đến nay, có chưa đầy 1% GS đang giảng dạy Đại học tại Mỹ được trao tặng danh hiệu này.

GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, từng học khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và đoạt giải huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 và 1989. GS Châu nhận được học vị tiến sĩ tại ĐH Paris-Sud năm 1997.

Năm 2004, GS Châu nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay, Mỹ dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”. Mỗi năm chỉ có một hoặc hai người được trao giải và Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.






Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn