Những người thân đang mong bạn về, thật đấy!

Bạn đọcChủ Nhật, 19/01/2014 10:11:00 +07:00

(VTC News) - Đừng sợ Tết nữa. Bạn chỉ cần về quê, những người mà bạn yêu quý họ đang rất mong bạn về. Thật đấy!

Dạo qua một vòng thông tin trên mạng, thấy nhiều người đang có tâm trạng sợ Tết, sợ về quê.
Có thể, đằng sau nỗi sợ đó, suy cho cùng cũng là do sợ Tết thì sẽ phải tiêu nhiều hơn số tiền mình đang có, sợ phải đi lại di chuyển với cường độ cao so với sức của mình, sợ phải tay xách nách mang chen lấn xô đẩy, sợ phải thể hiện nữ công gia chánh, quan hệ họ hàng, sợ va chạm hay nảy sinh mâu thuẫn, sợ phải miệng nói mắt cười ăn uống liên miên xã giao với nhiều người trong khi không hẳn là muốn như thế...

Vậy tại sao chúng ta không tự mình thay đổi để gạt bỏ nỗi sợ đó đi nhỉ? Bạn đọc Vân Hồng đã chia sẻ với VTC News cách giải quyết vấn đề này và những cảm xúc không bao giờ quên về cái Tết bình yên, đầm ấm, thấm đượm tình người.


----------

Lúc tôi còn bé, nhớ khi đang nhảy nhót đùa nghịch trên vệ cỏ bên đường, đuổi chuồn bắt bướm. Thi thoảng nhìn lên những người đi đường, thấy ai nấy đi qua đều nói cười rôm rả. Chào hỏi nhau vồn vã. Cũng chẳng quan tâm đó là dịp gì.

Những người đi chợ mua thêm nhiều hàng hóa, lá bánh chưng, những ống giang làm lạt buộc bánh, nhưng gói mứt tết đủ các màu sắc, những cau trầu, những cam quýt, những bó hoa thược dược rực rỡ…


Mấy ngày Tết, nhiều người tập trung lại ở khoảng sân rộng để sinh hoạt chung, cùng chơi cờ người, thi đấu các môn thể thao, đánh đu, chơi các trò chơi dân gian như trong cổ tích… Khi lớn lên mới biết, đó là những hình ảnh Tết quê đặc biệt, in đậm trong ký ức của tôi.
Phiên chợ Tết mãi mãi hằn sâu trong ký ức của tôi
Ở quê tôi, có nhiều anh chị thế hệ trước, sau khi rời quê đi học, ở lại thành phố sinh sống và lập nghiệp, mỗi lần về quê rất được mọi người quan tâm, chú ý. Tôi thực sự ấn tượng với những cặp vợ chồng, hàng năm cứ gần Tết là hối hả về thăm nhà. Xa xa trên đoạn đường đê, người chồng khệ nệ mang theo những vali hành lý, người vợ một tay cầm cành đào hay bó hoa, một tay còn lại dắt theo những em bé.

Trẻ con thành phố về quê, chân cứ vừa đi vừa nhảy. Quần áo sạch sẽ tươm tất, da dẻ trắng trẻo, gương mặt xinh xắn, nhanh nhẹn... Nhìn họ, tôi luôn nghĩ rồi sẽ có ngày tôi có thể cũng giống như vậy chăng?

Năm tháng trôi đi, đến một ngày tôi ra thành phố, tất cả những gì phải làm là chỉ biết học, rồi đi làm. Riết như thế, ít khi có thời gian về quê, nếu có về, cũng rất chóng vánh. Vậy là tôi luôn dồn tất cả mọi cảm xúc vào ngày Tết, chờ đến Tết, mong được về quê ăn Tết hơn bất kỳ một chuyến du lịch nào trong đời.


Vì sao ư? Mình đã đi xa, làm việc cả năm, muốn được về nhà để nhìn thấy bố mẹ, anh em họ hàng. Một cách thư thái nhất, được ngắm kỹ hơn những hoạt động ngày thường, nhìn thấy những nếp nhăn trên gương mặt ông bà cứ ngày càng nhiều thêm, để bù đắp những mong nhớ mà bình thường, có nói chuyện điện thoại lâu bao nhiêu cũng không bù đắp nổi.


Bận thì cứ quanh quẩn trong nhà, rảnh 1 chút thì “lượn” sang hàng xóm, họ hàng nội ngoại. Hỏi han tám chuyện, có tiền rủng rỉnh thì mừng tuổi cho con trẻ, mừng thọ cho người già, ít tiền thì mang theo vài gói kẹo bánh, thậm chí chỉ đến chơi không họ cũng mừng vui rồi. Ai cũng biết, đi xa xôi về rất vất vả, về được đến nhà là quý lắm rồi.


Về quê, cứ thỏa sức phóng xa tầm mắt, nhìn đâu cũng thấy tít tắp tận chân trời. Những cánh đồng lúa rộng, những ngọn núi cao xanh, những triền đê dài với đàn bò thong dong gặm cỏ. Thường thì gần đây, người nông dân cũng thích cày cấy sớm, để đón Tết với sạch sẽ đường làng và nhộn nhịp chợ quê.


Trẻ con thành phố ít được về quê, đi đâu cũng lạ, cũng thích. Đây cũng là dịp mình có thể tranh thủ đưa con đi thăm thú cảnh quan, nhìn ngắm không khí quê hương thôn dã. Nếu có động vật hoa cỏ thì cho con vui đùa với chúng, rất háo hức và thú vị.

Nhớ nhất là những lúc ngồi bên bếp lửa hồng chờ bánh chưng chín nghe ông bà kể chuyện xưa 
Đặc biệt nhất là lúc cùng ông bà gói bánh chưng, ngồi chờ luộc bánh, nướng khoai ngô hay tôm cá. Ăn uống tự nhiên như vậy đem lại sự khoái chí khó có thể diễn tả. Một số nhà có ao nuôi cá, nếu con trẻ chứng kiến việc thả lưới bắt cá hay thả mồi câu chờ đợi cũng không kém phần hồi hộp. Ở thành phố, biết lúc nào được trải nghiệm điều này?

Những nhà sống gần đồi núi, có thể dẫn con lên núi dạo một vòng, ngửi trọn mùi vị của cỏ cây xanh lá, nghe âm thanh của tiếng gió vi vu khi chân bước trên lá khô xào xạc. Nếu chưa thử một lần, bạn rất khó biết được con mình sẽ ấn tượng thế nào trong chuyến về quê như thế.


Tôi thích cảm giác con trẻ gặp ông bà, chúng cứ tíu ta tíu tít, hỏi han đủ chuyện, ông hỏi cháu thưa, rồi cháu hỏi bà trả lời. Cả buổi như vậy, bà vừa làm cháu vừa nghịch trong một không gian nhỏ, tiếng trẻ đùa cười vang nhà, ông bà ngắm nhìn cháu với ánh mắt ấm áp và phấn khởi. Hạnh phúc không cần phải mua bán, mà do chúng ta tự tạo ra để dành tặng nhau.


Còn mấy ngày nữa sẽ là Tết, mình thích Tết, nên năm nào cũng xem lịch sớm, mua vé sớm, chuẩn bị hành lý sớm. Chuẩn bị những kế hoạch công việc sớm, để chủ động về quê, chủ động đón Tết. Nếu thấy điều gì trở ngại, là lại tự thay đổi, tự biết mình không cần phải như thế. Để có thể đón Tết thật sự, thời gian nghỉ là của mình, cứ phải tự lên lịch để sử dụng sao cho hữu ích chứ!


Hãy đừng lo lắng nhiều quá, đừng mua sắm nhiều quá, đừng đi lại nhiều quá, đừng hẹn hò tụ tập lâu quá, đừng uống nhiều bia rượu, đừng đi khuya về muộn, đừng phóng xe vội vã… Bạn chỉ cần về quê, đón Tết với những người mà bạn yêu quý, họ đang rất mong bạn về. Thật đấy!


Bạn nằm trong số người háo hức chờ phút đầm ấm đoàn viên hay sợ Tết? Hãy bớt chút thời gian chia sẻ với chúng tôi chủ đề thảo luận "Tết - vì sao lại sợ" ở box bên dưới. Trân trọng cảm ơn!
 

Bình luận
vtcnews.vn