Những người Tây Tạng ở vùng xung đột Trung - Ấn

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 11/09/2020 06:59:00 +07:00
(VTC News) -

Những người Tây Tạng chạy trốn sau khi Bắc Kinh đưa quân tới khu vực này năm 1950, trở thành những người tình nguyện hỗ trợ binh sĩ Ấn Độ tại các căn cứ ở Ladakh.

Nawang Dorjay, 28 tuổi, và các thành viên trong gia đình là các Phật tử Tây Tạng sống trong các khu trại ở Ladakh, nơi có những con đèo đánh dấu biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Họ là những người đã chạy khỏi Tây Tạng sau khi Bắc Kinh đưa quân vào khu vực này vào năm 1950, và đã sống lâu đời ở các làng Chushul, Merak và Man Pangong xung quanh hồ Pangong Tso, khu vực xảy ra tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc gần đây.

Đội quân tình nguyện của Ấn Độ

Hầu như mỗi ngày, Dorjay và các thành viên khác thức dậy lúc 3h30 sáng. Họ đi đến các căn cứ quân đội Ấn Độ gần nhất và trở thành những người hỗ trợ hậu cần cho quân tiền tuyến. Dorjay nói, công việc của họ đơn giản là giúp quân đội Ấn Độ tiếp tế nhu yếu phẩm đến các tiền đồn. Phần khó khăn là hành trình vượt qua địa hình khắc nghiệt.

Chuyến đi đến những vị trí này có thể mất từ ​​2-3 tiếng, và phải vượt qua nhiều dốc đèo”, Dorjay nói và cho biết thêm rằng 4 thành viên trong gia đình đều là tình nguyện viên cho quân đội Ấn Độ.

Những người Tây Tạng ở vùng xung đột Trung - Ấn - 1

Các tình nguyện viên người Tây Tạng sống quanh hồ Pangong Tso mang đồ tiếp tế cho các tiền đồn của quân đội Ấn Độ. (Ảnh: Nawang Dorjay)

Ngôi nhà của Dorjay nhìn ra mặt hồ băng Pangong Tso. Họ có một quán cà phê nhỏ ở phía Bắc làng Durbuk - khu vực thường được hàng trăm nghìn khách du lịch lui tới trong năm.

Nhưng do đại dịch COVID-19, gia đình 7 người của Dorjay không thể kiếm tiền trong cả năm nay. Trước đó, để hạn chế sự lây lan của COVID-19, chính quyền Ấn Độ đã thiết lập đợt phong tỏa hoàn toàn ở Ladakh từ ngày 25/3 đến giữa tháng 6.

Vụ ẩu đả đẫm máu giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra vào tháng 6 khiến cuộc chiến biên giới kéo dài chưa từng có, và gây ra leo thang xung đột dọc biên giới hai nước.

Hầu hết căng thẳng tập trung ở bờ phía Bắc và phía Nam của hồ Pangong Tso. Các quan chức Ấn Độ cho biết họ đang chống lại sự tăng cường quân sự lớn của Trung Quốc trong khu vực này. Tại một số thời điểm, hàng trăm binh lính xuất hiện bất ngờ.

Đầu tuần qua New Delhi và Bắc Kinh cũng cáo buộc nhau về hành động bắn cảnh cáo ở cao điểm Mukhpari - phía Tây Bắc Rezang La, một sườn núi gần nhà của gia đình Dorjay ở làng Chushul.

Điều này đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận tránh sử dụng súng dọc theo Đường Kiểm soát thực tế dài 3.488 km (LAC), thuộc khu vực biên giới không có ranh giới trải dài từ đỉnh núi băng giá của Ladakh đến các khu rừng của Arunachal Pradesh ở phía Đông Himalayas.

Tuy nhiên, thay vì lo lắng về những mất mát, Dorjay và gia đình đang lao vào làm việc mới. Họ trở thành đội quân tình nguyện của lực lượng tiền phương của quân đội Ấn Độ.

Lực lượng Biên phòng đặc biệt 

Theo SCMP, những nỗ lực từ cộng đồng người Tây Tạng ở Ladakh nhằm hỗ trợ cho binh lính Ấn Độ được nêu ra gần đây, khi xuất hiện thêm nhiều thông tin chi tiết về Lực lượng Biên phòng đặc biệt của New Delhi. Đó là một đơn vị bán quân sự bí mật bao gồm nhiều người Tây Tạng, được triển khai trong các chiến dịch chống lại binh lính Trung Quốc ở biên giới.

Hôm 30/8, một lính đặc nhiệm gốc Tây Tạng, có tên là Tenzin Nyima, đã chết trong một vụ nổ mìn dọc theo LAC. Người này sau đó được quân đội Ấn Độ tổ chức lễ tang "như một anh hùng".

Những người Tây Tạng ở vùng xung đột Trung - Ấn - 2

Binh sĩ Ấn Độ bày tỏ lòng kính trọng với binh sĩ đặc nhiệm gốc Tây Tạng Tenzin Nyima ở Leh hôm 7/9.

Theo truyền thông Ấn Độ, điểm cốt yếu của các cuộc đối đầu giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực hồ Pangong Tso là việc bên nào có thể chiếm các điểm cao nhất trong khu vực, với độ cao 6.000 m.

Các cáo buộc của hai bên về vụ nổ súng diễn ra trong tuần này xuất phát từ các nỗ lực của quân đội Ấn Độ nhằm chiếm một cao điểm mà New Delhi coi là lãnh thổ của mình. Trong khi đó các binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đang tìm cách áp sát đỉnh núi trên.

Khi lực lượng 2 bên tiến về cao điểm, Dorjay và nhưng thành viên khác mang trên lưng 15 kg nước, thức ăn và các vật dụng khác, tiếp ứng cho quân tiền đồn Ấn Độ. Dorjay nói rằng, đó là cách để thể hiện lòng biết ơn của họ đối với binh sĩ Ấn Độ.

Dân làng ở đây rất nghèo,” Dorjay nói. "Chúng tôi không có nhiều thứ để cho. Vì vậy chúng tôi mang thêm một ít nước ngọt cho những người lính của chúng tôi”.

Phong Vũ(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn