Những người hàng chục năm khốn khổ vì ngồi tù oan

Pháp luậtChủ Nhật, 03/01/2016 08:23:00 +07:00

Trong năm 2015, hàng loạt công dân được minh oan, được bồi thường tiền tỷ… sau hàng chục năm bị coi là tội phạm.

(VTC News) - Trong năm 2015, hàng loạt công dân được minh oan, được bồi thường tiền tỷ… sau hàng chục năm bị coi là tội phạm.

Bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Năm 2003, chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị sát hại. Sau đó, ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt và kết án tù chung thân về tội Giết người và Cướp tài sản.

Cuối năm 2013, hung thủ thực sự trong vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Ông Chấn được minh oan và được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan.

Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được trả tự do.

Tuy nhiên, tới tháng 6/2015 thì cơ quan tố tụng và ông Nguyễn Thanh Chấn mới thỏa thuận được mức bồi thường cho 10 năm ngồi tù oan.

Tới ngày 16/10/2015, ông Chấn cho biết đã nhận được số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai từ Tòa án Nhân dân cấp cao.

Huỳnh Văn Nén ngồi tù 17 năm vì bị oan trong cả 2 vụ án giết người

Sau ông Nguyễn Thanh Chấn, tới lượt ông Huỳnh Văn Nén được giải oan sau 17 năm ngồi tù oan cùng về tội danh Giết người và Cướp tài sản.

17 năm trước, vào tối 23/4/1998, bà Lê Thị Bông cùng trú tại Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) bị giết tại nhà riêng.

Sau đó, ngày 17/5/1998, Huỳnh Văn Nén bị bắt. Mặc dù, tại tòa, ông Nén một mực kêu oan và nói rằng mình bị điều tra viên đánh đập, mớp cung, nhưng ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên phạt ông Nén tù Chung thân cho hai tội danh.

Lúc ấy nghe tin, ông Nguyễn Phúc Thành (hàng xóm của Nén, đang thi hành án tại Trại giam Sông Cái – Ninh Thuận) đã có đơn tố cáo rằng người giết chết bà Bông là hai người có tên Thọ và Việt, chứ không phải ông Nén. Nhưng rồi, nội dung tố cáo của ông Thành lại không được ngó ngàng tới.

Suốt 17 năm ròng rã, ông Nén và gia đình liên tục kêu oan lên các cấp có thẩm quyền.

Ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: VTV

Đến ngày 12/11/2014, xét thấy còn nhiều điểm mâu thuẫn trong vụ án chưa được điều tra làm rõ, TAND Tối cao quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra lại.

Sau 8 tháng điều tra lại với hai lần gia hạn tạm giam, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm thấy chứng cứ để buộc tội ông Nén về tội danh Giết người, Cướp tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Ngày 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại để chữa bệnh và ngày 28/11 chính thức được đình chỉ điều tra.

Ngày 3/12 các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Bình Thuận gồm TAND, Viện KSND và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai do đã buộc tội và kết tội oan ông trong hai vụ án trên

Trước đó, từ năm 2005, ông Huỳnh Văn Nén đã được minh oan trong "Kỳ án vườn điều" - một trong những vụ án oan được cho là lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam.

Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian bị bắt vì bị tình nghi giết bà Lê Thị Bông vào năm 1998, ông Nén còn khai có liên quan đến một vụ án xảy ra trước đó 5 năm. Nạn nhân là bà Dương Thị Mỹ được phát hiện tại một vườn điều (thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) mà cơ quan công an nhiều năm điều tra vẫn chưa tìm ra manh mối.

Theo cơ quan điều tra, ông Nén khai rằng cái chết của bà Mỹ do người chị vợ tên Nhung cùng một số người trong gia đình gây ra. Ông cũng khai ra con dao phay gây án và nơi cất giấu hung khí. Từ đó, 9 người trong gia đình vợ của Nén bị buộc tội giết bà Mỹ với động cơ nghi ngờ nạn nhân quan hệ bất chính với chồng Nhung.

Vụ án sau đó được đưa ra xét xử nhiều lần nhưng đều bị tòa phúc thẩm hủy án vì nhiều tình tiết chưa rõ ràng, những chứng cứ thu được đều mâu thuẫn với lời khai của bị can, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Trong khi đó các bị cáo một mực kêu oan và cho rằng những lời nhận tội trước đó là do bị mớm cung. Riêng Nén lại phản cung, cho rằng thời điểm xảy ra vụ án đang làm thuê cho một gia đình tại Đồng Nai.

Việc điều tra xét xử vụ án kéo dài 12 năm nhưng vẫn không tìm ra được hung thủ. Theo yêu cầu của TAND Tối cao, Bộ Công an thành lập ban chỉ đạo điều tra lại vụ án. Tuy nhiên, do công tác điều tra diễn ra trong thời gian quá lâu, các tài liệu chứng cứ không đủ cơ sở định tội với các bị can.

Cuối cùng, cơ quan chức năng cho rằng các bị cáo vô tội và phải bồi thường oan sai với tổng số tiền hơn một tỷ đồng. Riêng ông Nén khi đó bị cho là thủ phạm giết bà Bông nên chưa được bồi thường.

Giám đốc bị oan được bồi thường 23 tỷ đồng

Vụ án oan của ông Lương Ngọc Phi đã xảy ra từ 20 năm trước nhưng phải tới năm 2015 thì câu chuyện bồi thường cho người tù này mới ngã ngũ.

Theo đó, ngày 10/8/2015, TAND TP Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 23 tỷ đồng vì bản án oan sai gần 20 năm trước.  

Theo nội dung vụ án, ông Phi là giám đốc công ty khai thác chế biến nông - hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình. Đầu tháng 5/1998, cảnh sát bắt tạm giam ông vì tình nghi trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Lương Ngọc Phi. Ảnh: Tuổi trẻ

Tháng 9/1999, TAND tỉnh Thái Bình cho rằng ông Phi đã vay ngân hàng hơn 8,5 tỷ đồng để đầu tư, trả nợ ngân hàng và bị người khác chiếm đoạt. Ngoài ra, ông còn bị buộc trách nhiệm số tiền gần một tỷ đồng còn lại do không chứng minh được đã sử dụng vào việc gì và không có khả năng trả nợ. Từ đó, HĐXX đã tuyên ông Phi 17 năm tù về hai tội, phát mãi toàn bộ tài sản gồm nhà xưởng, ôtô, hàng hóa... để khắc phục thiệt hại.

Kháng cáo bản án vì cho rằng không phạm tội, 7 tháng sau ông Phi được Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên trắng án tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. HĐXX nhận định, ông Phi vay tiền của ngân hàng để kinh doanh trong nhiều năm, chưa trả tiền là do làm ăn thua lỗ, bị chiếm đoạt… Từ đó, toà xác định số tiền ông Phi nợ ngân hàng chỉ là mối quan hệ dân sự.

Liên quan đến tội Trốn thuế, toà cũng hủy để điều tra lại. Tháng 3/2001 ông Phi được thả sau gần 3 năm bị bắt. Đến cuối năm 2003, VKS đình chỉ điều tra bị can đối với ông Phi vì hành vi trốn thuế không cấu thành. Hai năm sau đó toà án tỉnh Thái Bình phải xin lỗi công khai ông Phi tại địa phương.

Mất mát quá nhiều từ sai phạm của các cơ quan tố tụng, ông Phi yêu cầu được bồi thường gần 22 tỷ đồng do tổn thất tinh thần, thu nhập thực tế và thiệt hại về tài sản.

Phải mất 10 năm ròng theo đuổi vụ kiện, tháng 8/2013 ông được TAND TP Thái Bình buộc toà tỉnh phải bồi thường. Tuy nhiên, vụ kiện phải quay lại bước xuất phát do quyết định huỷ bản án của TAND Tối cao.

Đầu năm 2015, TAND tỉnh Thái Bình đã quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án dân sự của TAND TP Thái Bình về việc bồi thường thiệt hại hơn 21,4 tỷ đồng cho ông Phi.

Sau đó, ông Phi làm đơn kháng cáo và ngày 10/8, TAND TP Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 23 tỷ đồng.

21 năm mang tiếng là tội phạm

Ông Phan Văn Lá (49 tuổi, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Khoảng 22h tối 21/7/1991, hai đứa em trai của ông là Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan Văn Châu (13 tuổi) rủ nhau dùng điện (ắc qui) rà cá ngoài đồng. Khi rà đến khu ruộng ở ấp 1, xã Hiệp Thành thì bất ngờ nghe tiếng “bắt trộm bà con ơi...” gần đó vọng về phía mình.

Sợ hãi, hai người cắm đầu cắm cổ chạy. Qua truy đuổi, Tân và Châu bị nhóm người này bắt giao cho công an xã với tội “cắt trộm dây điện”.

 Ông Phan Văn Lá. Ảnh: Tiền phong

Sáng hôm sau chính quyền sở tại mời ông Lá lên làm việc, họ cho rằng ông là người chủ mưu trong vụ trộm trên. Sau đó, ông Lá bị Công an huyện Châu Thành khởi tố, bắt giam về tội Hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Lá, mỗi lần bị hỏi cung, ông không thừa nhận tội và luôn kêu oan nhưng không được chấp nhận.

Điều đáng nói là 2 tháng bị tạm giam, Tân và Châu được cho tại ngoại, VKSND huyện có quyết định đình chỉ điều tra bị can, bởi không đủ cơ sở buộc tội hai người này. Tuy nhiên, ông Lá bị TAND huyện đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 28/12/1991.

Tại phiên tòa, Tân và Châu khai rằng, khi hai người đang rà cá dưới mương, bất ngờ người dân truy hô “bắt trộm” nên hoảng sợ bỏ chạy chứ không có việc hai anh em rủ nhau đi trộm.

Cả hai khai bừa anh mình chủ mưu vì bị điều tra viên bức cung, nhục hình, họ cũng phải khai theo hướng dẫn là “ba người cùng tham gia trộm”.

Còn ông Lá khẳng định mình bị oan, tối hôm đó ông ở nhà với vợ con... nhưng TAND huyện Châu Thành vẫn buộc tội, tuyên phạt ông 4 năm tù.

Gần 2 năm tạm giam, Tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả toàn bộ hồ sơ để điều tra. Điều đáng nói, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An tiếp tục có lệnh tạm giam ông thêm hai tháng, sau đó VKSND cùng cấp quyết định hủy bỏ việc tạm giam, cho ông được tại ngoại.

Sau 21 năm được tại ngoại, ông Lá đến gõ cữa, gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Ngày 23/9/2015, ông Lá được Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An bất ngờ tổ chức xin lỗi ông sau hơn 2 thập kỷ về tội “Hủy hoại tài sản XHCN”. Tại đây, ông được bồi thường gần 300 triệu đồng tiền tổn thất.

Bồi thường cho người bị bắt oan từ 34 năm trước

Hồi cuối tháng 4/2015, 4 người xác định bị oan sai tại Cần Thơ cũng VKSND TP Cần Thơ bồi thường 2,5 tỷ đồng. Trong đó, có người đã qua đời trước khi được bù đắp thiệt hại.

Vụ án xuất phát từ đầu 7/1981 khi kho vật tư của Công ty công trình 4.3 (đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, TP Cần Thơ, Hậu Giang (cũ) bị mất trộm 103 dây cu-roa và một lốc tủ lạnh.

Bốn nhân viên công trình là ông Phạm Văn Tâm (81 tuổi), Võ Thành Long (64 tuổi), Trần Công Thành (64 tuổi), Mã Lương Tình (59 tuổi) bị bắt giam. Sau hơn 9 tháng bị giam, những người này được tạm tha.

Sau thời gian dài điều tra nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội, tháng 5/2014, cơ quan chức năng đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với 4 người.

Thời điểm này, ông Long đã mất được gần 6 năm. Trách nhiệm bồi thường oan sai được xác định thuộc VKSND TP Cần Thơ.

Trong năm 2015, ông Đinh Quang Điền, ở TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk cũng được tuyên bồi thường 2,8 tỷ đồng.

Sáu năm trước, ông Điền vay ngân hàng hơn 13 tỷ để mở rộng kinh doanh. Hồ sơ thể hiện, đến tháng 6/2011, từ một lá đơn nặc danh VKSND TP Buôn Ma Thuột đã phê chuẩn lệnh bắt ông Điền để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án sau đó được chuyển lên công an tỉnh nhưng cơ quan này xác định không có cơ sở cấu thành tội đối với ông Điền.

Đầu năm 2013, sau 240 ngày ngồi tù oan, VKSND TP Buôn Ma Thuột xin lỗi công khai giám đốc này.

Về phần bồi thường tổn thất vật chất, tinh thần, hai bên không thương lượng được nên ông Điền kiện ra tòa, đòi bồi thường gần 7 tỷ đồng.

Trong phiên xử hôm 21/5/2015, ông chứng minh thiệt hại chủ yếu do ông bị bắt oan khiến những hợp đồng ký kết bị hủy, lãi suất nợ vay ngân hàng, cá nhân...

TAND TP Buôn Ma Thuột chỉ chấp nhận gần một nửa số tiền ông yêu cầu, buộc VKS bồi thường cho ông hơn 2,8 tỷ đồng. Sau phiên tòa, ông Điền cho biết sẽ kháng cáo bản án này.

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn