Những người dối trá phi thường

Thể thaoThứ Năm, 21/02/2013 08:41:00 +07:00

Lance Armstrong chỉ là một trường hợp trong hàng chục vụ việc dối trá, dối trá rồi lại dối trá.


Nhà báo Stephen Glass, người đã dựng lên toàn bộ những bài báo trên tờ The New Republic ở thập niên 1990 với nhân vật giả, trích dẫn và sự kiện giả.

Glass có nhiều người hỗ trợ, những người muốn tin vào phóng viên này, rằng anh ta tài năng như anh ta thể hiện. Đấy không phải là điều hiếm có bởi không ai không một lần nói dối trong đời, và những người càng nổi tiếng thì lại càng có thói quen dối trá.


Tay đuaLance Armstrong

Càng nổi tiếng, càng lươn lẹo?


Nói dối là một phương pháp rất hữu hiệu trước thời kỳ bùng nổ thông tin đại chúng. Cơ hội qua mặt được mọi người trước khi điện thoại di động kèm tính năng quay phim và các thiết bị ghi âm tối tân xuất hiện là rất lớn.

Trong những ngày "tốt đẹp" đó, hầu như không ai phải thú nhận bất cứ điều gì trước giới truyền thông. Thậm chí, lời khuyên nổi tiếng cho các chính trị gia, vận động viên, ca sỹ và ngôi sao điện ảnh là: "Không bao giờ giải thích. Không bao giờ xin lỗi".

Nhưng ngày nay, bạn phải rất ngu ngốc mới tin rằng mình có thể vượt qua sự dò xét của dư luận, được trang bị những công nghệ tối tân nhất để tìm kiếm, lan truyền và bình luận về thông tin. Nhất là với những người nổi tiếng.

Cựu Tổng thống Bill Clinton từng đau đầu giấu diếm vụ ngoại tình với cô thực tập sinh Monica Lewinsky (trái)

Lance Armstrong chỉ là một trường hợp trong hàng chục vụ việc dối trá, dối trá rồi lại dối trá. Sự cương quyết và nhiệt tình mà cua-rơ người Mỹ đặt vào những lời nói dối cũng tương đương với lượng chất kích thích anh đưa vào cơ thể. Dẫu sao, Armstrong có thể tự an ủi rằng những người quyền lực hơn anh ta rất nhiều còn nói dối trơ trẽn hơn.

Bill Clinton, ngay khi còn làm tổng thống Mỹ (1993-2001), đã lên truyền hình quốc gia và nói như đinh đóng cột rằng ông không có quan hệ tình dục với Monica Lewinsky. Sau những vụ kiện tụng kéo dài làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, giờ đây thì dân Mỹ có câu chuyện đùa nổi tiếng. Bạn có biết điều gì vừa làm Bill Clinton sướng nhất, vừa làm ông ấy khổ nhất? Miệng của Monica Lewinsky quá... rộng!

Cố ca sỹ Whitney Houston, lúc sinh thời, cũng đã có một cuộc đời khá hoang dại với cuộc hôn nhân cùng nam ca sỹ "trai hư" Bobby Brown. Khi những tin đồn về việc bà dùng ma túy lan đi, Houston quyết định chấm dứt chúng một lần và mãi mãi với việc xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với Diane Sawyer trên truyền hình. Ở đó, cô tuyên bố ma túy là chất độc chết người. Rốt cuộc, cô lại chết chính vì sốc ma túy!

Tiger Woods là một ví dụ nữa. Anh được ca ngợi là người cứu tinh của môn thể thao golf, một VĐV thể thao mẫu mực, sự nghiệp hoàn hảo, cuộc đời hoàn hảo, người vợ hoàn hảo, hai đứa con hoàn hảo và tài khoản trong nhà băng hoàn hảo.

Nhưng Woods đã sống một cuộc đời đầy những lời dối trá. Những cuộc tình một đêm, những lần vào nhà nghỉ chớp nhoáng và các cô bạn gái qua đường mọc lên như nấm sau mưa chỉ vì một sự cố bị phanh phui.

Nhưng đáng khinh nhất có lẽ là ứng viên tổng thống Mỹ John Edwards. Ông này ra tranh cử khi vợ đang vật lộn với bệnh ung thư và nhanh chóng bác bỏ những tin đồn về việc ông ngoại tình với Rielle Hunter, một phụ nữ làm việc trong ban vận động của ông. Nhưng rồi Hunter có thai và một đứa bé chào đời. Hãy đoán xem nó nhìn giống ai?

Vì sao người ta nói dối?

Những ông chồng nói phải ở lại cơ quan họp trong khi đi gặp bồ nhí. Nhân viên xin nghỉ dài hạn vì bệnh mãn tính trong khi ở nhà xem ti vi. Đi làm trễ với lý do trễ họp. Chó ăn mất bài tập về nhà. Không ai là không nói dối, theo lời giáo sư Robert Feldman ở khoa tâm lý Đại học Massachusetts.

Nữ danh ca Whitney Houston

Dối trá là một phần gần như bản chất của con người, điều mà hầu như ai cũng làm mỗi ngày, từ việc Richard Nixon từ chối vụ Watergate cho tới những VĐV phủ nhận dùng doping, hay các giám đốc điều hành gian lận ở Phố Wall.

"Thế giới tràn ngập những kẻ dối trá", Feldman nói. "Trong vụ Lance Armstrong không có gì đáng ngạc nhiên. Chúng ta nói dối hàng ngày. Chúng ta thực ra đang sống trong một nền văn hóa mà sự dối trá được chấp nhận rộng rãi".

Người ta nói dối trước hết là để giữ thể diện, theo lời giáo sư Feldman. "Khi đã bắt đầu nói dối, họ không thể dừng lại và họ cứ phải tiếp tục vì không có lối thoát". Những người sống trong sự che đậy kéo dài nhiều năm như Armstrong có "lợi thế của kẻ nói dối" do họ biết mọi người muốn tin vào họ.

"Chúng ta muốn tin rằng Armstrong là một siêu anh hùng đã vượt qua bệnh ung thư và vô địch hết giải Tour de France này đến giải Tour de France khác", giáo sư Feldman nói. "Chúng ta luôn muốn tin tưởng vào một câu chuyện vượt khó, caua chuyện trở lại vĩ đại".

"Thật ra, khó mà hình dung thế giới có thể tồn tại mà không có những lời dối trá", David Livingstone Smith, giáo sư tâm lý học của Đại học New England ở Maine, bình luận. "Nó giúp bôi trơn các bánh xe của xã hội". Smith thậm chí tin rằng nói dối "là điều tự nhiên và vô thức như đổ mồ hôi vậy".

Giáo sư tâm lý và kinh tế học hành vi Dan Ariely từng có nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng con người nối dối và là tác giả cuốn sách "The Honest Truth About Dishonesty: How we lie to everyone, especially ourselves" (Sự thật về sự dối trá: Chúng ta nói dối tất cả mọi người, nhất là chúng ta, ra sao).

Ông cho rằng đó là hai mặt của một đồng xu: "Một mặt, chúng ta muốn nhìn vào trong gương và thấy mình là người tốt đẹp. Nên chúng không muốn đi lừa gạt, nhưng mặt khác, chúng ta có thể dối trá một chút nhưng vẫn thấy tốt về bản thân".

Ông không cho rằng Lance Armstrong có gì khác, hay tồi tệ hơn, bất cứ con người bình thường nào. Chỉ là anh ta gian dối ở tầm mức khác vì những lợi ích là quá lớn và hệ thống cho phép anh làm như vậy. Tất cả những kẻ dối trá, dù nhỏ bé hay vĩ đại, đều xuất phát từ việc hệ thống cho phép họ làm như thế.

Giáo sư Ariely nói. "Họ sẽ nói rằng mọi người đều làm thế hay vì mục đích tốt đẹp mà". Trong vụ Armstrong, giáo sư Ariely nói việc anh sống sót qua bệnh ung thư và vô địch Tour de France nhiều lần biến anh thành một hình mẫu với nhiều chiến dịch thiện nguyện và làm cua-rơ này tin tưởng rằng việc dối trá giúp anh làm được những điều tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, "những người bình thường có thể trở thành những kẻ nói dối phi thường", Bella DePaulo, giáo sư thỉnh giảng của Đại học California ở Santa Barbara, cho biết. Trong những năm 1990, bà và các đồng nghiệp đã theo dõi hơn 100 người tuổi từ 18 tới 71 để tìm hiểu về thói quen nói dối của họ. Hầu hết mọi người nói dối ít nhất 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.


Theo Bongdaplus

Bình luận
vtcnews.vn