Những người dắt trẻ chuyên biệt vào cuộc sống

Tổng hợpThứ Sáu, 19/11/2010 12:09:00 +07:00

(VTC News) - Những hành động, sự tiến bộ vô cùng nhỏ nhoi của trẻ cũng đã là niềm vui vô bờ của những giáo viên dạy trẻ chuyên biệt.

(VTC News) - Những hành động, sự tiến bộ vô cùng nhỏ nhoi của trẻ cũng đã là niềm vui vô bờ của những giáo viên dạy trẻ chuyên biệt.

  Niềm hạnh phúc của cô giáo.

Bật khóc với những "trẻ không già"

Ngày ngày cô giáo Lê Thị Xuân Giới đến trường trong sự mong đợi nhỏ nhoi: Mong nhóc A sẽ biết đứng, nhóc B sẽ nhớ được số 3, nhóc C đã chịu chơi với các bạn... Tưởng không có gì khó với trẻ 6 - 10 tuổi, nhưng có khi, cô mất cả năm trời để giúp trẻ học được những điều ấy. 

Hơn 12 năm giảng dạy mầm non, thì có đến 7 năm cô Xuân Giới dạy dỗ những em nhỏ chuyên biệt. Trường Chuyên biệt Q.10, TP.HCM được nhiều người gọi với cái tên: Ngôi trường cho học trò trẻ mãi không già.

Qua những năm ấy, cô dạy dỗ, chăm sóc trẻ chậm phát triển trí não, trẻ tự kỷ... với đủ hành vi như co giật, la hét hay xa lánh mọi người... Trước khi trở thành giáo viên dạy trẻ chuyên biệt, cô Xuân Giới là giáo viên mầm non ở một trường mầm non dành cho trẻ bình thường. 

“Nếu một người đã có chuẩn bị tâm lý từ đầu khi vào làm nghề này không sao. Nhưng chuyển từ dạy trẻ bình thường sang trẻ chuyên biệt, thời gian ấy tôi thật sự bị hụt hẫng”, cô chia sẻ.

Hụt hẫng vì bình thường chỉ dạy 1, 2 lần trẻ đã nhớ. Còn ở đây, nói 10 lần, có khi cả năm trẻ vẫn quên. Thậm chí, trẻ không hợp tác, trẻ né tránh cô giáo... Cô Xuân Giới bao nhiêu lần tưởng mình đã không thể theo đuổi tiếp nghề nghiệp. “Nhưng có những cái níu chân vô hình mà mình không nhận ra”, cô nói thêm.

Cô và trò quây quần bên nhau. 

Dạy dỗ trẻ cô nhận ra, trẻ không học được chữ, được số, nhưng lại học được kỹ năng sống, học được cách kiểm soát hành vi... hay khi bỏ công 1 năm, 2 năm, trẻ đã có thể nhớ con số 1, 2, 3... cô cảm thấy mừng vô cùng.

Cô Xuân Giới tâm sự: “Chỉ một chút xíu trẻ học được thôi, tự dưng cảm thấy mình đã không uổng công dạy trẻ. Cảm giác lúc trẻ tự kỷ có thể bật thành tiếng, trẻ chậm phát triển biết tự đứng lên, biết hỏi cô con số 3 viết như thế nào... tôi vui đến bật khóc. Thế là gượm ở lại với nghề. Cái duyên, cái số, tôi gượm tới bây giờ. Có gần gũi, yêu thương mới thấy thật khó để xa các bé”.

Dạy trẻ chuyên biệt khó là vậy, cực là vậy, nhưng theo cô Xuân Giới, điều đầu tiên khi dạy trẻ ở đây, giúp trẻ chịu hợp tác, chịu lắng nghe là nụ cười ở người dạy.

“Điều đầu tiên cô giáo dạy trẻ là biểu lộ cảm xúc qua nụ cười . Nếu ngay từ đầu, không học cách chơi với trẻ, trở thành bạn thì khó lòng mà dạy dỗ trẻ được”, cô Giới cho biết.

Thế là, bao nhiêu lần, cô Giới cũng ngồi, nằm, lăn, la, khóc, hát, kể cả chui vào tủ áo... cùng trẻ để cô trò trở nên những người bạn thân.

Năm học này, cô Xuân Giới đã trở thành phó hiệu trưởng của trường, vừa lo công tác chuyên môn, vừa tư vấn cho phụ huynh... công việc bận rộn, nhưng cô và trò vẫn quây quần, vui vẻ như ngày nào.

Mỗi lần có giáo viên than thở, cô lại động viên: “Các chị đang dạy ở đâu? Trường chuyên biệt. Trẻ không phù hợp với phương pháp này thì đổi phương pháp khác. Kiên trì rồi trẻ sẽ tiến bộ”.

Tìm đến từng nhà

Khác với cô Xuân Giới, giáo viên trẻ Hoàng Thị Lương gắn liền với những ngày tháng rong ruổi trên đường đến từng nhà của trẻ.

Cô Hoàng Thị Lương hướng dẫn học trò nắm tay ca hát.

Vừa giảng dạy, chăm sóc trẻ khiếm thị, đa tật tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cô vừa nhận nhiệm vụ chăm sóc tại nhà trong chương trình can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển dưới 3 tuổi.

Có những bé ở tận Bình Chánh, Hóc Môn hay tận Long An... Cô Lương không ngần ngại gần xa. Cô chỉ sợ một điều: “Trẻ nhỏ quá mình không đành để bố mẹ bế đến trường. Trẻ mới có mấy tháng tuổi không chịu được nắng, được mưa. Vì thế, tôi lái xe tới nhà trẻ cho chắc”, cô Lương tâm sự.

Đôi khi đi xa quá, cô cũng cảm nắng, cảm mưa, rồi bệnh. Nhưng theo cô, người lớn uống thuốc rồi cũng khỏi. Vậy là mỗi tuần, vừa giảng dạy tại trường, cô Lương bỏ ra từ 2 - 3 ngày để đến tận nhà tập cho trẻ những vận động cơ bản nhất.

Từ một giáo viên mầm non dạy trẻ bình thường, cô Lương gắn bó với trẻ chuyên biệt. Cô cho biết từ thời còn sinh viên, do trường CĐ Sư phạm mẫu giáo trung ương kế trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, ngày nào cô cũng sang trường chơi với các em vì thế, sau khi ra trường, cô quyết định xin ở lại đây để được gần gũi với những người bạn nhỏ.  

Nếu như dạy trẻ bình thường cô có thể dạy trẻ bắt chước, nhìn theo hành động của cô giáo thì trẻ khiếm thị đòi hỏi những tiếp xúc của bàn tay, hơi ấm từ cô giáo. Nhờ những hoạt động sinh hoạt bên Đoàn, cô Lương giúp trẻ hòa nhập và cảm nhận qua những trò chơi bằng cách tay nắm tay, tay quàng vai...

Cô Lương kể: “Ban đầu mới về đây giảng dạy mình cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nghĩ làm sao tập cho trẻ hòa nhập, giao tiếp, có khả năng ngôn ngữ... Mình nghĩ ra nhiều trò chơi, giúp trẻ chơi, và kiên nhẫn chờ đợi những phản hồi từ trẻ”. Những bài học của trẻ, cô cũng lồng các trò chơi giúp trẻ dễ tiếp thu và hứng thú hơn.

Gần 6 năm làm việc tại ngôi trường này, với cô Lương, những cái nắm tay, câu nói hay những cử chỉ dù rất nhỏ... từ trẻ đủ để cô thấy ấm lòng và hạnh phúc với nghề nghiệp cô đã chọn.

Minh Quyên

Bình luận
vtcnews.vn