Những nghi vấn lớn quanh vụ cháy chợ Phố Hiến

Thời sựThứ Năm, 20/03/2014 01:00:00 +07:00

(VTC News)- Có ý kiến cho rằng, dù một số hạng mục chưa được hoàn thiện, song chủ đầu tư chợ Phố Hiến đã vận động tiểu thương chuyển từ chợ tạm về để kinh doanh

(VTC News)- Có ý kiến cho rằng, dù một số hạng mục chưa được hoàn thiện, song chủ đầu tư chợ Phố Hiến đã vận động tiểu thương chuyển từ chợ tạm về để kinh doanh.

Hàng trăm tiểu thương trắng tay
Chợ Phố Hiến bị cháy mới được xây dựng lại, có tổng diện tích 4.800m2 gồm 1 nhà chợ 2 tầng và hạ tầng xung quanh, chia theo các khu kinh doanh ngành hàng tập trung. Chợ do công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hoàng Phát làm chủ đầu tư và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2014. 
 Chợ Phố Hiến bị thiêu trong đêm
 Các gian hàng cháy thành tro
Chợ có đủ các mặt hàng kinh doanh như vải sợi, quần áo, băng đĩa, giầy dép, mũ nón, hàng ăn, hàng khô, hàng mã, rau củ quả.
Vụ hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi hàng trăm ki ốt trong khu chợ, thiệt hại chưa có thống kê cụ thể, nhưng gian hàng nào ít cũng từ 100 đến 200 triệu đồng. 
Đứng nhìn khu chợ cháy rụi, tiểu thương Nguyễn Thị Loan mếu máo: "Ki ốt bán vải của tôi vừa nhập đợt hàng mới. Mấy ngày hôm nay ngày nào cũng chuyển về 3 đến 4 kiện hàng để chuẩn bị nhập cho khách. Xảy ra cháy thiêu rụi toàn bộ hàng hóa trị giá cả tỉ đồng, giờ thì trắng tay rồi. Giờ không biết làm gì để nuôi sống gia đình đây". 
 Tiểu thương Nguyễn Thị Loan (bán hàng vải) bật khóc khi số hàng hóa trị giá hơn 1 tỉ đồng bị thiêu cháy
Theo tiểu thương Loan, vì là ki ốt bán vải, hàng nhập về nhiều nên thiệt hại lớn. Khi tiểu thương này nhận tin có cháy, đến hiện trường thì không mở được cửa để vào bên trong cứu hàng. Đến khi tiếp cận được thì đám cháy quá lớn, nên đành bất lực đứng nhìn ngọn lửa thiêu rụi số hàng hóa trị giá cả tỉ đồng.
"Vay mượn tiền để thuê ki ốt ở chợ từ đợt Tết Nguyên đán, vừa buôn bán được mấy tháng, bao nhiêu vốn liếng dồn vào lấy hàng giờ đã cháy thành tro", chị Loan xót xa nói.
Nhiều tiểu thương cho hay, do mới vào tiếp nhận ki ốt tại khu chợ được mấy tháng, nên công việc kinh doanh cũng chưa ổn định. Đang trong giai đoạn làm quen địa điểm mới thì xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, khiến nhiều người rơi vào cảnh trắng tay.
 Bà Nguyễn Thị Huệ liều mình lao vào đám cháy cứu hàng hóa, sổ sách
Dù đã lao vào biển lửa cứu tài sản, nhưng tiểu thương Nguyễn Thị Huệ (58 tuổi), bán hàng vải ở ô số 203, tầng 1 chợ Phố Hiến cũng thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Bà Huệ cho hay, khi nhận được tin cháy đã vội vàng chạy tới lao vào đám lửa cứu lấy đống sổ sách, hóa đơn buôn bán, hàng hóa, nhưng do đám cháy quá lớn nên chỉ cứu được một vài kiện vải.
Các hộ dân xung quanh chợ Phố Hiến cho biết, khi xảy ra cháy, hàng trăm tiểu thương đã tập trung bên ngoài với hi vọng sẽ vào cứu được hàng hóa, nhưng do lửa bùng phát nhanh, khói bốc nhiều nên chỉ những gian hàng sát cửa ra vào cứu được một số ít, còn lại bị thiêu rụi hoàn toàn.
Kinh doanh khi chợ chưa hoàn thiện?
Hầu hết các tiểu thương tại đây đều đã buôn bán nhiều năm ở chợ Phố Hiến cũ. Sau khi khu chợ Phố Hiến được xây dựng lại, các tiểu thương đã thuê ki ốt để tiếp tục kinh doanh. 
Chợ Phố Hiến do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Hoàng Phát làm chủ đầu tư. Với mức đầu tư gần 300 tỉ đồng. 

Chợ được xây dựng xong khu nhà 2 tầng với diện tích gần 30.000 m2 từ cuối năm 2013, nhưng chủ đầu tư đã vận động tiểu thương chuyển từ chợ tạm vào chợ mới kinh doanh từ tháng 1/2014 dù một số hạng mục chưa được hoàn thiện. 

“Chúng tôi đã từng phản đối vào chợ, dù chợ được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng chỉ xây dựng trong vòng 2 năm. Thời điểm đó, tiểu thương chúng tôi đã cảm thấy không an toàn. Hệ thống chữa cháy của chợ chưa đảm bảo để dập lửa nên khi xảy ra cháy, các cột nước xung quanh đều không hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng cứu hỏa”, một chủ ki ốt trong chợ Phố Hiến cho biết.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hà cho biết, khi đưa vào hoạt động, đơn vị quản lý ra thông báo huy động vốn các tiểu thương. Để sở hữu gian hàng trong chợ, các tiểu thương phải đóng số tiền từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. 
"Đều là dân buôn bán nhỏ lẻ, nhiều người vay mượn cả trăm triệu đồng để có một chỗ bán trong chợ. Diện tích mỗi ki ốt loại lớn nhất chỉ gần 7 mét vuông. Hàng tháng các hộ kinh doanh phải đóng tiền phí, tiền vệ sinh theo mét vuông. Mới vào được 2 tháng thì xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, rơi vào cảnh trắng tay cả rồi" bà Hà nói.
Về thông tin cho rằng, khi xảy ra cháy, có hai xe cứu hỏa đến nhưng lại không có nước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: “Lúc chữa cháy, chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng. Những ý kiến, phát hiện của người dân về vấn đề cháy, lực lượng tham gia chữa cháy, chúng tôi sẽ tiếp nhận và cho kiểm tra để xác định nguyên nhân cháy và các vấn đề khác”.

Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn