Những mũi tiêm đầu đời

Tổng hợpThứ Hai, 30/05/2011 10:32:00 +07:00

Thằng bé vẫn mỉm cười với đôi mắt trong veo đầy tin tưởng rằng chẳng có gì nguy hiểm khi mẹ nó vẫn đang ở đây bên nó...

Sau khi sinh được hai tháng, tôi đưa con đi tiêm phòng lần đầu. Tôi không ủng hộ việc tiêm cho bé lắm nhưng chẳng có cách nào khác vì nó sẽ giúp con tôi có thể tránh được những nỗi đau và bệnh tật sau này.

 
Vị bác sĩ hỏi tôi xem đã sẵn sàng chưa và tôi “vâng” một cách chắc nịch rồi cởi áo con cho nằm lên chiếc bàn inox. Tiếng kim tiêm cùng ống thuỷ tinh va vào nhau lanh canh đến lạnh người. Thằng bé vẫn mỉm cười với đôi mắt trong veo đầy tin tưởng rằng chẳng có gì nguy hiểm khi mẹ nó vẫn đang ở đây bên nó.

Cô y tá vô cùng lóng ngóng như thể còn đang thực tập khiến tôi bỗng thấy lo lắng cho con mình. Quả thực, tôi phải gọi cô y tá đó là “quỷ thần” mới đúng. Tôi quay mặt đi, bặm chặt môi. Con trai tôi hét ré lên. Trước khi mũi kim thứ hai được tiêm, thằng bé im bặt. Tôi quay lại nhìn con và bắt gặp ánh mắt nháo nhác còn đọng nước của nó. 1…2…3... rõ ràng là việc đếm những giây phút im lặng này khiến lòng tôi quặn thắt không kém vì tôi có thể ước chừng tiếng thét của nó to tới mức nào với mũi tiêm lần thứ hai. 4…5... Nó lại ré lên, ngằn ngặt. Nước mắt tôi bỗng trào xuống nóng ran cổ và mặt.

Cánh cửa đóng lại, tôi ôm con ra về mà lòng rối bời. Thằng bé bị sốc, còn tôi thì mang cảm giác tội lỗi vì thấy con đau lần thứ nhất, rồi lần thứ hai mà không thể làm được gì cho nó.

Khi bước qua quầy lễ tân, một cô bé kéo tay mẹ và thì thầm hỏi: “Mẹ ơi sao cô kia lại khóc?”. “Con yêu, vì cô ấy là một người mẹ” - mẹ cô bé trả lời. Với sự ngây thơ hết đỗi, cô bé lập tức phản ứng: “Nhưng làm mẹ thì ai lại khóc bao giờ!”.

Trên đường về nhà, câu nói cuối cùng ấy cứ vảng vất trong tâm trí tôi. Chẳng lẽ làm mẹ thì không bao giờ được khóc sao? Tôi đã khóc, không chỉ một lần mà rất, rất nhiều lần rồi. Kể từ khi tôi mang thai, dường như có ai đó đã mở khoá van nước mắt của tôi và để cho nó tuôn chảy không ngừng. Tôi khóc vì khi sống cho hai người, tôi đã phải từ bỏ nhiều điều tôi mơ ước; tôi trở nên dễ xúc động hơn với những bản tin về trẻ em bị ngược đãi. Chồng tôi đôi lúc cũng không thể hiểu được những giọt nước mắt vô cớ của tôi. Tôi có thể khóc khi hãng điện thoại hoặc hãng bưu thiếp điện tử gửi cho tôi những món đồ chơi mà con tôi yêu thích (dù biết rằng họ dùng biện pháp tâm lý này để tôi trung thành với dịch vụ của họ). Thậm chí, một trận đấu bóng cũng có thể làm tôi lã chã khi một cầu thủ bị chấn thương nằm lê lết trên sân cỏ. Lúc ấy tôi biết rằng mẹ cậu ta cũng đang chứng kiến cảnh đó trên TV. Và khi cậu ta đứng dậy, bước tiếp vào sân cỏ trong sự cổ vũ của khán giả, tôi cũng biết bà ấy còn khóc nhiều hơn vì tự hào về con.

Tôi không cố tình mà tự nhiên tôi khóc. Nhưng liệu việc tôi khóc có ảnh hưởng gì không tốt tới con tôi sau này hay không? Tôi nhớ khi mình còn ở tuổi thiếu niên, tôi thường rất bối rối khi thấy mẹ khóc. Tôi càng không biết xử sự thế nào khi bà lại khóc ngay cạnh tôi, trước mặt mọi người.

Liệu con trai tôi sau này có cảm thấy giống tôi ngày bé - bối rối khi thấy mẹ khóc trước những bước đi đầu tiên của con, trước vòng xe đạp đầu tiên nó tự mình lái đi trên đường? Có thể lắm! Mặt nó hẳn sẽ đỏ ửng lên, tròn mắt, thở dài: “Kìa mẹ…!” Có thể, nó sẽ cho rằng tôi thái quá, nhưng vậy thì sao? Tôi là mẹ nó và đó là một phần cuộc sống của tôi.

 Hồng Đào, ảnh: hts


Bình luận
vtcnews.vn