Những mốc son lịch sử qua các kỳ đại hội Đảng (III)

Chính trịThứ Năm, 06/01/2011 02:10:00 +07:00

Các kỳ đại hội là những mốc son lịch sử quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các kỳ đại hội là những mốc son lịch sử quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đưa Việt Nam vượt qua thử thách, đi dần vào thể ổn định và phát triển năng động, vững chắc. 
 Ảnh: Tư liệu
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế, bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dân chủ xã hội ngày càng được phát huy, đời sống nhân dân bước đầu ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được đảm bảo, quan hệ quốc tế được mở rộng... 
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém và khó khăn. Nhiều vẫn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết. Tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhất là những biến động xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu... 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII từ ngày 24 đến 27/6/1991, tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 2,1 triệu đảng viên trong cả nước. Đến dự Đại hội có đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô, đoàn Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đoàn đại biểu của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Nhật Bản... 
Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và tổng kết kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới. Đó là phải giữ vững định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong quá trình đổi mới; phải đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phải đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế-xã hội. 
Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi bổ sung một số điểm trong Điều lệ Đảng. Cương lĩnh chính trị nêu rõ những đặc trưng của xã hội Xã hội Chủ nghĩa mà nhân dân xây dựng và những phương hướng cơ bản để xây dựng thành công Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam. 
Đại hội khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện Việt Nam. 
Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1991-1995 với mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo là vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa Việt Nam cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng. 
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 146 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
 Ảnh: TL
Đại hội lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.196 đại biểu đại diện cho 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng và hơn 40 đoàn quốc tế.
Đại hội tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, rút ra một số bài học chủ yếu và xác định rõ giai đoạn 1996-2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000, đó là tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau. 
Đồng thời, kiên quyết giữ vững ổn định chính trị và định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong quá trình phát triển; tạo chuyển biến căn bản trong sự nghiệp xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước, trọng tâm là cải cách nền hành chính, mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ 4 khóa VIII (từ ngày 23 đến 29/12/1997), Ban Chấp hành Trung ương Đảng chấp nhận đề nghị của Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư; bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương suy tôn ba đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội IX: Trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới

Ảnh: TL 
Đại hội diễn ra trong bối cảnh loài người đã kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, dân tộc ta đứng trước những thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức lớn.
Đại hội họp tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22/4/2001, với sự tham gia của 1.168 đại biểu, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng

Đại hội IX đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và Phương hướng nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005. Đại hội cũng thông qua toàn văn Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá IX gồm 150 uỷ viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại hội X: Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững

 Ảnh: TL

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã trải qua 20 năm. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, cũng là 5 năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Đại hội họp từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X gồm 160 Uỷ viên chính thức và 21 Uỷ viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 chỉ rõ mục tiêu giai đoạn 2006-2010 là: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thành công của Đại hội X của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.


Theo TTXVN/Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn