Câu chuyện tình người ở tổ ấm của những người lính tâm thần

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 24/07/2017 07:10:00 +07:00

Những người đã dùng tất cả tuổi trẻ của mình để đánh đổi lấy tự do cho đất nước, để rồi những vết thương nhức nhối còn mãi đeo bám trên thân thể.

Chiến tranh, bom đạn với sự tàn khốc đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau, mất mát và cả những giá trị lớn lao về tình yêu, tình người thì còn mãi. Đến Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An), vào thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh một ngày giữa tháng Bảy, lòng thấy bồi hồi, ngập tràn xúc cảm nghẹn ngào như một nốt lặng giữa ngày bình yên.

Video: Người cựu chiến binh bán toàn bộ gia sản, xây nhà tưởng niệm Bác Hồ

Ngày ra trận tàn khốc bao nhiêu, thì hôm nay đây, sự bình yên dịu nhẹ trở về bấy nhiêu. Tuy nhiên, xúc cảm lâng lâng của bình yên chưa được gói trọn, thì cảm giác xót xa chợt ùa về mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Vì sao ư? Vì ánh mắt vô hồn của những người lính, những người từng quên mình hi sinh chiến đấu cho tự do của Tổ quốc. Để rồi, bỏ lại một phần cơ thể, bỏ lại tuổi trẻ và những xúc cảm tình yêu chân thành nhất của đời người nơi chiến trường, để rồi, giờ đây trong những người lính ấy chỉ còn là những ký ức vụn vặt không thể chắp vá.

Thương binh tâm thần

Thấm thoắt đã hơn 40 năm, kể từ ngày những tiếng gầm vang cuối cùng của đạn bom còn đọng lại trong chiến tranh. Sự tàn khốc khôn tả đã lùi xa, nhưng những mảnh ghép ký ức của chiến tranh vẫn còn là nỗi ẩn ức, vẫn ám ảnh hàng ngày trong trí nhớ mơ hồ của những thương binh tâm thần kinh.

IMG_4168 9

Nỗi căm giận chiến tranh và tội ác của kẻ thù toát lên trong ánh mắt người thương bệnh binh.

Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghi Phong hiện đang điều trị, chăm sóc và thực hiện các chế độ chính sách cho 100 thương bệnh binh, con liệt sỹ và các đối tượng khác bị bệnh tâm thần do di chứng chiến tranh.

Hầu hết các thương binh đều gặp những vấn đề về tâm lý, thần kinh, bị hạn chế khả năng hoạt động nên các cán bộ phải chăm sóc từng người một như chăm những đứa trẻ. Đa phần các thương bệnh binh ở đây không có vợ con nên trung tâm như ngôi nhà của họ. Nhiều người đã gắn bó với trung tâm hơn nửa đời người.

Video: Cựu binh ở Hải Phòng trở về sau hơn 40 năm mất tích

Ít ai biết, phía sau cánh cổng luôn rộng mở ở trung tâm là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của những người thương binh tâm thần nhưng xã hội vẫn quen gọi một cách đầy xót xa là “người điên”. Bước vào cổng trung tâm, những ánh mắt vô hồn, ngơ ngác tập trung nhìn và hoảng sợ bỏ chạy khi thấy người lạ.

Tuy nhiên, sau những khoảnh khắc hoảng loạn, cười rồi lại khóc, la hét rồi đập phá... khi tôi cố gắng bắt chuyện làm quen, họ lại trở nên hiền lành, hiền lành một cách ngờ nghệch. Những ánh mắt vô hồn, thờ thẫn ấy tạo cho người đối diện một cảm giác xót xa đến tột cùng.

Chiến tranh với di chứng trên thân thể đã mãi cướp đi đôi mắt có hồn của người lính, cướp đi những khát vọng thanh xuân.

IMG_4139 6

Khép lại chiến tranh, những người lính kiên cường ngày ấy sống cuộc đời "vô lo vô nghĩ".

Họ, những người đã dùng tất cả tuổi trẻ của mình để đánh đổi lấy sự ấm no hôm nay cho đất nước. Chua chát nghĩ về chiến tranh, tôi thầm nghĩ, mình đang sống trên xương máu của chính họ. Và tôi hiểu, ánh mắt cũng như tâm hồn họ, chẳng thể nào gọi về quá khứ oai hùng năm xưa.

Tất cả họ, trực tiếp và gián tiếp đã làm nên lịch sử. Đặc biệt, đã khắc vào tâm khảm thế hệ tiếp theo các giá trị nhân văn, về sự biết ơn đối với những người đi trước.

Chính vì thế, trong ký ức của những thương binh lúc mơ, lúc tỉnh này gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn. Đang yên bình nhưng tiếng hét “Xung phong” có thể vang lên bất cứ lúc nào.

IMG_4162 7

Dù lúc tỉnh lúc mê, tình đồng đội vẫn gắn chặt giữa những người lính.

Đưa tay chỉ về bệnh binh đang ngồi cười nói một mình tại góc sân, điều dưỡng Nguyễn Thị Thủy (SN 1971) cười nhẹ nhàng: “Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh mà, nên vậy là bình thường. Đối với các bệnh nhân tâm thần nặng còn khổ hơn nhiều. Nhiều lúc đang cho các bác ăn, các bác đập cả tô cơm vào mặt cũng là chuyện thường như cơm bữa”.

Theo chị Thủy, vì sống và gắn bó với những thương bệnh binh tâm thần nhiều năm, hiểu được họ là những người không được bình thường, không ý thức được hành động của mình nên mỗi khi bị đánh, các nhân viên ở trung tâm đều không hề trách cứ.

Đối với các nhân viên tại trung tâm, việc lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các thương bệnh binh tâm thần không chỉ là làm trách nhiệm công việc, mà đó là hành động của tấm lòng, của sự biết ơn báo đáp. Họ sẵn sàng chịu đựng những hành động dữ dằn mỗi khi bệnh binh lên cơn kích động đuổi đánh, dù rằng bản thân là những người chăm lo hằng ngày cho họ.

Những ký ức còn đọng lại

Dọc hành lang của trung tâm, hình ảnh các bệnh binh mỗi người một biểu cảm khiến tôi chợt rùng mình. Nhưng, ám ảnh nhất vẫn là hình ảnh đôi mắt sắc lẹm của bệnh binh Nguyễn Xuân Việt (SN 1958) sau song cửa sổ.

IMG_4119 8

Thương bệnh binh Trần Quốc Tế - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Trinh sát thời chống Mỹ.

Không phải là vẻ vô hồn như đôi mắt của nhiều bệnh binh khác, đôi mắt bác Việt hiện rõ hình các tia máu, nhìn chăm chăm khi thấy người lạ. Đến bắt chuyện với bác không phải là điều dễ dàng, dù cố gắng thân thiết bao nhiêu thì điều nhận được từ bác vẫn là ánh mắt “không bao giờ khuất phục”.

Tôi hiểu, ánh mắt ấy đã thay vạn lời nói về nỗi căm giận chiến tranh và tội ác của kẻ thù. Ánh mắt ấy vẫn kiên cường như chính con người bác trong trận chiến năm nào.

“Thông đường để những chuyến xe qua/ Nếu mà muốn thông đường/ Ta lại đào công sự cho trận chiến đấu năm nào…”, tiếng hát dõng dạc của bác Phạm Quang Tửu (SN 1952) “đánh thức” tôi thoát khỏi ánh mắt ám ảnh của bác Việt.

IMG_4132 5

Có những thương bệnh binh đã sống ở trung tâm từ những ngày đầu thành lập và xem đây như là nhà của mình.

65 tuổi, mang trong mình chứng tâm thần phân liệt nhưng bác Tửu vẫn rất linh hoạt, cử chỉ nhanh nhẹn, thể hiện rõ phong thái của một chiến sĩ lái xe chiến trường.

Như tìm được người tâm giao, gộp hết tất cả những ký ức mông lung cuối cùng còn đọng lại trong não bộ, bác Tửu khoác vai tôi, ánh mắt sáng quắc tựa như đang ngồi trước buồng lái, những trận “chết đi sống lại”  ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Sài Gòn đang trở về sống động trong ký ức của bác.

Đáng nhắc đến nhất trong trung tâm là vợ chồng ông Đào Xuân Tình (SN 1952) và bà Cao Thị Hải (SN 1952), chiến tranh đã lấy đi của vợ chồng ông bà những đôi mắt tinh anh, nhưng đổi lại cả hai người giờ đây vẫn còn một trí nhớ mẫn tiệp.

IMG_4062 3

Bữa cơm ấm tình đồng đội của những thương bệnh binh đặc biệt.

Theo lời kể của ông Tình, thời chiến, hai ông bà tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, trong một trận đánh đã bị bom đạn lấy đi cả hai đôi mắt. Riêng ông Tình không chỉ hỏng đôi mắt mà còn bị thương vùng đầu, cụt một cánh.

Chiến tranh đi qua, vượt qua những nỗi đau đớn thân thể, gặp lại nhau tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng, năm 1980, hai ông bà quyết định cùng nhau xây tổ ấm.

Hạnh phúc lần lượt đến với ông bà khi 3 người con (2 gái 1 trai) chào đời khỏe mạnh, đến nay cả 3 người đã lập gia đình, công việc ổn định. Riêng người con trai hiện đang là bác sỹ đang công tác tại trung tâm.

IMG_4085

Chăm lo cho đồng đội của mình trong từng bữa ăn.

Ngồi trên xe lăn với ánh mắt hiền từ, phong cách điềm đạm, bác Trần Quốc Tế (nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Trinh sát thời chống Mỹ) hoài niệm về những trận chiến thời oai liệt.

“Hồi đấy trai tráng nhiệt huyết lắm, đất nước cần là xung phong ngay. Lúc tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, đến khi tham gia chiến tranh khu vực Tây Nam thì bị thương trên đất Campuchia. Bị đứt 3 đốt sống, từ thắt lưng trở xuống bây giờ lấy dao chặt cũng không có cảm giác gì”, đưa đôi mắt nhìn xa xăm, bác Tế nhớ lại những ngày tháng đã qua.

IMG_4093 4

Những lúc tỉnh táo các thương bệnh binh đều hiền lành nhưng có những lúc cơn bệnh đến, họ chìm trong ký ức đau thương của chiến tranh và không làm chủ được bản thân.

Ông Phạm Thành Trụ - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghi Phong cho biết: “Để tạo được sự tốt nhất cho các thương bệnh binh, Trung tâm luôn đổi mới phương pháp điều trị, phục hồi chức năng trong điều trị bằng cách duy trì thường xuyên cho bệnh nhân tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đồng thời, cho bệnh nhân xem thông tin thời sự tại hội trường câu lạc bộ để tạo nên sự thoải mái về không gian và tinh thần.

Đặc biệt, bộ phận hậu cần đã có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ bữa ăn hàng ngày như tổ chức lên thực đơn theo chế độ bệnh lý, phù hợp với thời tiết, chế bến các món ăn hợp khẩu vị đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

An Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn