Những loại xe tăng bay đình đám nhất thế giới

Thế giớiThứ Ba, 09/01/2018 07:37:00 +07:00

Một số quốc gia trên thế giới có lực lượng nhảy dù hùng hậu và một số lực lượng sở hữu những cỗ xe tăng bay với hỏa lực mạnh.

Ngày 5/1/1973, quân đội Liên Xô thả dù thành công xe chiến đấu bộ binh BMD-1 từ máy bay vận tải Antonov An-12 từ độ cao 800 m với 2 thành viên tổ lái trên xe trong cuộc tập trận ở vùng trung tâm đất nước. Đây là chiếc xe chiến đấu đầu tiên được thả dù cùng với tổ lái trong lịch sử quân sự thế giới.

Các tướng lĩnh Liên Xô xây dựng kế hoạch tấn công tổng lực với sự tham gia của cả sư đoàn đổ bộ đường không. Mặc dù Liên Xô tan rã và Nga không phải quốc gia duy nhất sở hữu những chiếc xe tăng bay, song xét trên nhiều phương diện, Nga vẫn giữ vị thế đứng đầu ở lĩnh vực này.

1060575423

Xe chiến đấu bộ binh BMD-1 trong tập trận  Zapad-81. (Ảnh: Sputnik)

Nga

Theo chuyên gia quân sự Andrei Kotz, quân đội Nga sở hữu lượng thiết giáp đổ bộ đường không lớn nhất thế giới. “Không một quốc gia nào có lượng thiết giáp đổ bộ đường không nhiều đến như vậy”, chuyên gia này nhận định.

Xe chiến đấu bộ binh lội nước BMD-4M là thiết giáp đổ bộ đường không lớn nhất của Nga và hiện đang được tiếp tục biên chế trong quân đội Nga nhằm thay thế thiết giáp BMD-1 huyền thoại và thiết giáp BMD-2.

Video: Xe tăng bay BMD-4M nhảy dù

BMD-4M được trang bị pháo 100 mm và pháo tự động 30 mm, cùng với súng máy 7,62 mm và một loạt các tính năng khác. Tháp pháo của BMD-4M có thể lắp trên thân của nhiều loại thiết giáp chở quân dòng BMP hay BTR. Pháo 100 mm của BMD-4M có thể phóng tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) Bastion với tầm bắn lên đến 5,5 km.

Xe tăng bay BMD-4M có tổ lái 3 người và có thể mang theo đến 6 người khi hạ cánh. Thiết giáo này còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động và hệ thống cân bằng 2 trục để có thể vừa di chuyển vừa bắn.

1057875394

Pháo chống tăng tự hành Sprut-SD tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2015. (Ảnh: Sputnik)

Trên chiến trường, BMD-4M còn được hỗ trợ bởi Sprut-SD, pháo chống tăng/xe tăng hạng nhẹ với pháo nòng trơn 125 mm – cùng loại pháo được sử dụng bởi xe tăng chủ lực T-72 và T-90. Pháo của Sprut-SD cho phép tiêu diệt những thiết giáp hạng nặng nhất của đổi phương.

Lực lượng đổ bộ đường không của Nga còn sở hữu pháo tự hành Nona-S với pháo cối 120 mm có tầm bắn khoảng 13 km. Ngoài ra, lực lượng này còn sở hữu thiết giáp chở quân BTR-MDM Rakushka được chế tạo trên cơ sở thân xe BMD-4. Chuyên gia Kotz cho biết thiết giáp này cũng có khả năng lội nước, chở được 13 lính đổ bộ đường không, có vận tốc tối đa 70 km và di chuyển được 500 km không cần tiếp nhiên liệu.

1053409878 3

Thiết giáp chở quân BTR-MDM Rakushka trong lẽ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva. (Ảnh: Sputnik)

Toàn bộ những thiết giáp này đều có khả năng thả dù từ độ cao 400 m đến 1.500 m từ máy bay vận tải bay với vận tốc 300 đến 350 km/h. Sau khi tiếp đất, những thiết giáp này sẵn sàng chiến đấu trong vài phút nhờ vào khả năng có thể chở theo kíp lái.

Trung Quốc

Lực lượng nhảy dù của quân đội Trung Quốc được cho là sở hữu một số thiết giáp có thể thả dù được. “Các nguồn tin mở cho thấy chỉ có duy nhất 1 chiếc thiết giáp đổ bộ đường không 8 tấn ZBD-03, được đưa vào biên chế năm 2003”, chuyên gia Kotz cho biết.

1060576353 4

 Thiết giáp ZBD-03 của quân đội Trung Quốc. (Ảnh: AP)

ZBD-03 được trang bị pháo 25 mm - bản sao của pháo M242 Bushmaster do Mỹ sản xuất, súng máy 7,62 mm và hệ thống tên lửa chống tăng HJ-73C của Trung Quốc. Giáp của ZBD-03 được thiết kế để chống lại hỏa lực của vũ khí hạng nhẹ và các mảnh đạn.

Máy bay vận tải hạng nặng IL-76MD thực hiện nhiệm vụ chuyên chở loại thiết giáp này, mỗi chiếc máy bay vận tài kể trên có khả năng chở 3 chiếc thiết giáp ZBD-03 cùng kíp lái. Theo một số nguồn tin, quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu để trang bị cho ZBD-03 pháo 100 – 150 mm để biến chiếc thiết giáp này thành pháo chống tăng tự hành tương tự Sprut-SD của Nga.

Mỹ

Mặc dù Mỹ tham gia nhiều cuộc chiến tranh trong thập kỷ vừa rồi, điều khá ngạc nhiên là quân đội nước này sở hữu một lượng khiêm tốn các loại thiết giáp có khả năng nhảy dù.

Hiện tại, quân đội Mỹ chỉ có thể thả dù được một số loại phương tiện như xe Humvee, LSV, L-ATV cùng pháo kéo M119 105 m do Anh sản xuất, chúng cần phải được thả bằng pallet đặc biệt từ máy bay vận tải C-130 hay C-17.

1060576239 5

 Xe tăng hạng nhẹ M551 Sheridan của quân đội Mỹ. (Ảnh: CCO)

Theo các chuyên gia quân sự, nước Mỹ không có hệ thống thiết giáp có khả năng thả dù từ năm 1997 khi xe tăng hạng nhẹ M551 Sheridan bị loại biên.

Xe tăng M551 Sheridan được sản xuất vào cuối những năm 1960 với nhiều tiến bộ ở thời kỳ ấy, bao gồm thân hợp kim nhôm, pháo 152 mm có khả năng phóng tên lửa chống tăng Shillelagh. Tuy nhiên, thông thường trực thăng đảm nhận việc chuyên chở xe tăng M551 Sheridan.

1060577786 6

Bản thử nghiệm xe tăng hạng nhẹ Griffin của General Dynamics. (Ảnh: BD)

Lầu Năm Góc coi Hệ thống Pháo Di động Stryker là phương án thay thế cho xe tăng Sheridan, hệ thống này nặng 18 tấn với pháo 105 mm và có thể thả dù được.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Kotz, “hệ thống này không hẳn là câu trả lời của Mỹ cho BMD-4. Năm 2016, General Dynamics giới thiệu bản mẫu xe tăng hạng nhẹ Griffin, cơ sở mới cho hệ thống [vũ khí] thả dù”.

Đức

Đức là một trong số ít quốc gia sở hữu công nghệ chế thạo thiết giáp đổ bộ đường không, Lữ đoàn Cơ động Đường không Số 1 của nước này sử dụng thiết giáp bánh xích độ bộ đường không nhẹ nhất thế giới: Xe thiết giáp Wiesel với trọng lượng 2,7 tấn.

1060576446 7

 Thiết giáp chở quân siêu nhỏ Wiesel 1 với  pháo MK 20 của quân đội Đức.(Ảnh: Billy Hill)

Thiết giáp Wiesel có khả năng chống lại đạn từ súng cỡ nhỏ và các mảnh đạn, với kích thước bằng 1 chiếc xe tải và có thể được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có pháo tự động 20 mm MK 20 Rh202, tên lửa chống tăng TOW, pháo cối, thiết bị trinh sát, hệ thống tên lửa phòng không… Wiesel có thể đạt vận tốc lên đến 80 km/h.

Chuyên gia Kotz nhận định: "Người ta phải ngạc nhiên trước sự tháo vát của người Đức, những người có thể đạt được nhiều tùy chọn cho nền tảng nhỏ bé đến vậy". Thiết giáp Wiesel có thể thả dù hoặc được vận chuyển bằng trực thăng, trong đó có trực thăng CH-53 và CH-47 của Luftwaffe (Không quân Đức).

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn