Những lễ hội nổi tiếng ở miền Trung không thể bỏ qua dịp đầu năm

Thời sựThứ Tư, 06/02/2019 13:07:00 +07:00

Những ngày đầu năm mới, dải đất miền Trung diễn ra những lễ hội độc đáo, đặc sắc là điểm đến lý tưởng để mọi người du xuân.

Những lễ hội ở miền Trung không nên bỏ diễn ra vào dịp đầu năm mới, kéo dài từ ngày mồng 4 tháng Giêng đến ngày 17 tháng Giêng với những nét đặc sắc riêng. 

Lễ hội Đống Đa (Bình Định): Lễ hội này được đánh giá là lễ hội lớn nhất ở miền Trung. Lễ hội là dịp để tưởng nhớ công ơn các thủ lĩnh trong phong trào Tây Sơn, đặc biệt là anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4-5 tháng Giêng, tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định).

Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng ở miền Trung, bên cạnh những nghi lễ truyền thống còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như trống trận Tây Sơn, võ thuật, trò chơi dân gian, đua thuyền, hát tuồng… thu hút đông đảo du khách. Tham dự lễ hội bạn như được sống lại một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với tinh thần thượng võ của người dân Bình Định.

Lễ hội làng Sình (Thừa Thiên - Huế): Đây là lễ hội nổi tiếng ở cố đô Huế nói riêng và cả miền Trung nói chung. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại khu vực đình làng Lại Ân còn gọi là làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế.

Vat lang Sinh

 Lễ hội làng Sình (Huế) là lễ hội có tuổi đời hằng trăm năm và thu hút rất nhiều người tham gia ngày đầu năm mới. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Tại lễ hội, những đô vật sẽ thi đấu theo hình thức vòng tròn.

Lễ hội Đền Vua Mai (Nghệ An): Đây là lễ hội được đánh giá là hấp dẫn du khách ở miền Trung được tổ chức trong 3 ngày từ 13 - 16 tháng Giêng hàng năm tại khu mộ vua xóm Hà Long (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) để tưởng nhớ công tích của Mai Thúc Loan.

Những hoạt động hấp dẫn diễn ra trong lễ hội có các trò chơi dân gian xưa như: Hát văn, hát đối, đấu vật, đánh đu, leo cột mỡ, đi cà kheo, đánh cờ…Trong đó đua thuyền là vui vẻ và độc đáo nhất. Trong đó, hát đối, đấu vật, đánh đu là kéo dài ngày nhất.

Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao như: Múa, hát, triển lãm, phim về các chuyên đề lưu động, bóng đá, bóng chuyền hoặc tổ chức những chuyến tham quan ở những khu vực lễ hội như di tích tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, mộ đồng chí Lê Hồng Phong, Bên Sa Nam…

Lễ hội Vía Bà (Bình Định): Đây là lễ hội được đánh giá là linh thiêng bậc nhất miền Trung diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng, tại thôn Liêm Định (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn).

Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân – người hành nghề đỡ đẻ đã giúp nhiều sản phụ trong vùng sinh con dễ dàng, được “mẹ tròn, con vuông”.

Năm 2006, Miếu Bà được UBND tỉnh Bình Định công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh và trở thành một hoạt động văn hóa của địa phương. Trong lễ hội có các nghi lễ nhi tế lễ, dâng hương, múa lân và các hoạt động văn hóa, thể thao… thu hút đông đảo người dân tới xem lễ.

Lễ hội cầu Ngư (Thừa Thiên - Huế): Cùng với lễ hội làng Sình thì lễ hội cầu Ngư là một lễ hội truyền thống, đặc sắc ở miền Trung. Lễ tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại làng Thái Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Cau Ngu Hue VTC

 Lễ hội Cầu ngư ở Thừa Thiên - Huế là một lễ hội truyền thống có quy mô lớn và nổi tiếng ở miền Trung. (Ảnh: VOV)

Để tưởng nhớ các vị thành hoàng của làng là Trương Qúy Công, người Thanh Hóa đã có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn