Những lầm tưởng nguy hiểm của cha mẹ khi trẻ sốt cao, co giật

Tư vấnThứ Bảy, 19/11/2022 07:55:03 +07:00

Khi trẻ sốt cao, co giật, nhiều người đặt đũa hoặc ngón tay vào miệng để giữ cho trẻ thở và ngăn cắn vào lưỡi, tuy nhiên điều này hoàn toàn không có tác dụng.

Bác sĩ Trần Văn Đồng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, trẻ sốt có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau như: Nhiễm trùng đường hô hấp (cảm/cúm, viêm tai giữa, viêm họng cấp, viêm phổi…), nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiểu hoặc bệnh lý hệ thống như lupus ban đỏ. Dù với nguyên nhân nào, phụ huynh trước hết phải xác định trẻ có sốt hay không bằng cách sờ cảm nhận, đo nhiệt độ bằng nhiệt kế.

Những lầm tưởng nguy hiểm của cha mẹ khi trẻ sốt cao, co giật - 1

Phụ huynh không nên đặt đũa hoặc ngón tay vào miệng trẻ khi trẻ bị sốt cao, co giật.

Cha mẹ thường lo lắng, mất bình tĩnh khi trẻ sốt cao, đặc biệt trẻ có co giật do sốt. Tuy nhiên cần nhận biết, đánh giá đúng tình trạng bệnh và xử lý đúng cách mới đảm bảo trẻ an toàn, được can thiệp kịp thời tránh biến chứng nặng.

Một số trẻ có co giật khi bị sốt, tuy vậy đa phần đều là các cơn co giật do sốt đơn thuần, các cơn co giật này thường lành tính, kéo dài một vài phút, ít nguy hiểm. Hết cơn co giật, trẻ tỉnh và không bị tổn thương não.

Trường hợp trẻ co giật, người chăm sóc cần cho trẻ nằm nghiêng để tránh đờm dãi sặc vào đường thở. Vị trí nằm có thể là giường hoặc nơi bằng phẳng và phụ huynh phải loại bỏ vật cứng, vật sắc nhọn có thể gây tổn thương xung quanh. Trong thời gian trẻ bị co giật, cha mẹ cố gắng theo dõi và ghi nhận đặc điểm của cơn ( thời gian co giật, một bên hay hai bên, toàn thân hay chỉ một bộ phận trên cơn thể)…Nếu có thể, nên quay video cơn giật để bác sĩ đánh giá chính xác hơn.

Trẻ cũng cần được nằm nơi thoáng mát, không mặc áo quần kín, không trùm chăn mền. Nếu bé chưa được uống hạ sốt, người chăm sóc cần nhét 1 viên hạ sốt phù hợp vào hậu môn của trẻ. Thuốc hạ sốt thường dùng là Paracetamol với hàm lượng 10 - 15mg/kg cân nặng.

Lưu ý, trong khi trẻ co giật không được nhét gì vào miệng trẻ, không xoa bóp cho trẻ, không bế gìm chặt ngăn cơn giật, không xúm lại làm mất thoáng khí,... 

Phụ huynh cũng tuyệt đối không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ. Nhiều người thường cho rằng nên đặt đũa hoặc ngón tay vào miệng vào trẻ co giật để giữ cho trẻ thở và ngăn trẻ cắn vào lưỡi. Thực tế điều này hoàn toàn không có tác dụng, hơn nữa nhét đồ vào miệng trẻ gây nguy hiểm cho trẻ vì có thể làm tắc đường thở của trẻ, chấn thương hàm mặt, gãy răng...

Khi bé hết co giật vẫn nới rộng quần áo, để nơi thoáng khí. Tuyệt đối không đổ bất cứ nước uống, thuốc vào miệng khi đang lên cơn co giật như vắt chanh vào miệng vì trẻ sẽ dễ hít sặc vào đường thở.

Cuối cùng điều quan trọng là nếu cơn co giật của trẻ kéo dài khoảng 5 phút không cắt, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu trẻ đã hết co giật tự nhiên cần đưa đi thăm khám để loại trừ bệnh nguy hiểm.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn