Những khoản tiền 'nợ' chưa kịp trả đã vội tăng

Kinh tếThứ Hai, 21/03/2016 07:02:00 +07:00

Xăng đã lại tăng giá, còn nợ công được đánh giá là tăng nhanh nhưng thu ngân sách còn không đủ chi thường xuyên và trả nợ.

(VTC News) - Đền bù thiệt hại cho người dân từ việc áp thuế sai quy định chưa đến đâu thì xăng đã lại tăng giá, còn nợ công được đánh giá là tăng nhanh nhưng thu ngân sách còn không đủ chi thường xuyên và trả nợ.

Xăng "gian thuế" chưa bù thiệt hại đã lại tăng giá

Theo thông tin cơ quan điều hành, giá xăng từ 16h30 ngày 21/3 sẽ tăng thêm 670 đồng mỗi lít. Một số nhiên liệu khác cũng tăng, cụ thể, dầu diesel tăng thêm 290 đồng. Chỉ dầu hỏa, mazut giữ nguyên giá bán.

Mức trích quỹ bình ổn cũng tăng mạnh, để giảm áp lực lên mức tăng trong lần điều chỉnh lần này. Trước khi có thông báo điều chỉnh chính thức của liên bộ, nhiều dự đoán cho rằng mức tăng lần này có thể lên đến 1.700 đồng/lít.

Trong khi đó, dư luận còn chưa hết bức xúc về việc chênh lệch thuế giữa đầu ra với đầu vào của xăng dầu, khiến doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi còn người dân chịu thiệt, dù mới đây Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh lại mức thuế đối với các mặt hàng này.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giảm thuế và cách tính giá bán lẻ của liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tạo ra một khoảng chênh lệch 5%-10% tiền thuế với diesel, 10% với xăng trong một thời gian dài.

Nói cách khác, các công ty xăng dầu nhập khẩu chịu mức thuế chỉ 0%-5% nhưng giá bán lẻ đến tay người mua vẫn được áp mức thuế 10%-20%.

Chính sự bất hợp lý này khiến người mua xăng dầu chịu thiệt rất lớn. Đơn cử, theo một chuyên gia tính toán, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ bình quân khoảng 438 triệu lít dầu diesel từ ASEAN.

Như vậy, người dân đã phải trả thêm trên 260 tỷ đồng cho các công ty xăng dầu dù đáng lẽ họ không phải nộp vì thuế nhập khẩu có khi chỉ 0%.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay trong năm ngoái, tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, nhưng đã phải hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu khoảng 3.500 tỷ đồng, chủ yếu hoàn cho mặt hàng dầu có xuất xứ từ ASEAN do được hưởng thuế ưu đãi, và số tiền chênh lệch này là vào trọn túi doanh nghiệp.

Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần thu hồi số tiền trên để trả lại cho người tiêu dùng do đây là tiền người tiêu dùng bị “móc túi” từ áp thuế sai quy định của cơ quan quản lý, mà một cách là có thể đưa vào Quỹ Bình ổn giá để bù đắp cho những thiệt hại của người tiêu dùng.

Nợ công tăng, thu ngân sách không đủ chi và trả nợ

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 sáng 21/3, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.

Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%...

Cũng theo Phó Thủ tướng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 2.106 nghìn tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 là 200.000 tỷ đồng).

Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%.

Với bản kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đầy hy vọng như vậy, nhưng khi nhìn lại 5 năm vừa qua mới thấy vẫn còn nhiều điều mà ta còn chưa làm được .

Về cơ cấu chi ngân sách vẫn chưa có sự phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh.

Đặc biệt, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tiết lộ về con số nợ công/GDP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nợ công tính tới cuối năm 2015 khoảng 62,2%.

Tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP và nợ nước ngoài của quốc gia/GDP chiếm tỷ trọng cao, lần lượt tương ứng 50,3% và 43,1%.

Thậm chí, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tuần trước cũng nêu rõ, tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn

Cùng quan điểm trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá: “Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí".

Tiệp Tiệp (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn