Những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Sức khỏeThứ Ba, 15/01/2019 08:29:00 +07:00

Ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đang có những biến chuyển tích cực.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ban hành và hiệu lực từ 01/5/2013 và được sự quan tâm của quốc hội, chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá. Quỹ PCTH của thuốc lá do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo thực hiện, chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành và tổ chức chính trị xã hội.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tích cực và hiệu quả. 

Mạng lưới về phòng chống tác hại của thuốc lá được thành lập và duy trì toàn quốc 

20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội và 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá. Ở các tỉnh, thành phố Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; lãnh đạo Sở Y tế làm phó trưởng ban, thành viên gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

TNP_1734 copy 3

 

Công tác truyền thông và xây dựng môi trường không khói thuốc lá

Công tác truyền thông triển khai rất đa dạng và phong phú qua các hình thức như thông điệp truyền hình, chuyên mục Cuộc sống không khói thuốc trong chương trình thời sự “Chào buổi sáng” và chương trình “Cuộc sống thường ngày”, đồng thời cập nhật các tin tức trong nước, quốc tế trong bản tin, phóng sự, chạy tin chân màn hình để cập nhật tình hình phòng chống tác hại của thuốc lá trên thế giới và Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bộ ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện các hoạt động truyền thông trên truyền hình  về các hoạt động PCTH thuốc lá trên các kênh truyền hình địa phương và chương trình truyền hình ngành. Theo Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và quản lý Quỹ sau 3 năm có tới 90,8% người dân và 73,2% lãnh đạo đã nhận được các thông tin về PCTH thuốc lá trên tivi.

Tại các tỉnh, thành phố, trong năm 2015, đã có hơn 1.000 buổi truyền thông trực tiếp cho 22.673 người. 400 trường Trung học phổ thông, 457 trường trung học cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên tại các tỉnh, thành phố được đẩy mạnh. Trong 3 năm qua, hơn 15.000 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động PCTH thuốc lá được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc;

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật. Bên cạnh đó có 4 thành phố (Hạ Long, Huế, Nha Trang và Hội An) triển khai hoạt động xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động và treo biển báo cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị.

am thanh ngoai QT (2)

 

Để hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật PCTH của thuốc lá, Quỹ đã hỗ trợ cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức 1.272 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn

Đến nay, ít nhất 1.200 trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học. Ít nhất 129 trường cao đẳng và đại học trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà. Điển hình, các thành phố du lịch đang xây dựng du lịch không khói thuốc gồm: Hạ Long, Hội An, Huế, Nha Trang, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng... với 236 nhà hàng và 51 khách sạn thực hiện môi trường không khói thuốc.

Một số cơ quan đơn vị thực thi rất nghiêm túc như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Cơ quan Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nội Vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ... Nhằm tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc đến người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, Quỹ đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tập huấn và tuyên truyền về PCTH của thuốc lá tại 30 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và 05 công đoàn bộ ngành trung ương. Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì năm 2016 có thêm 51.749 CNVCLĐ bỏ thuốc lá; trên 70% số Công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá. 

Tổ chức cai nghiện thuốc lá

Năm 2016, Quỹ tiếp tục hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai số 1800 – 6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh số 1800 – 1214, đồng thời hỗ trợ 08 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá.

TNP_1598

 

Các hoạt động tập trung vào việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sỹ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Như vậy, tính đến 3/2017, tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (1800-6606) đã trả lời 7.128 cuộc gọi, tư vấn cai nghiện thuốc lá cho 4.462 khách hàng qua điện thoại, thực hiện gọi lại cho khách hàng được 520 cuộc để kiểm tra quá trình cai thuốc. Tư vấn trực tiếp cho 193 ca tới Phòng tư vấn và 187 ca là bệnh nhân tại Trung tâm hô hấp.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2016, trên 1.648 đầu số, có 469 người trả lời (28,4%), tỷ lệ bỏ thuốc tại thời điểm phỏng vấn là 8,9% (31,3% trên 469 người). Kết quả điều tra GATS cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá đến cơ sở y tế được nhân viên y tế tư vấn bỏ thuốc tăng 10,8% (từ 29,7% lên 40,5%).

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Quỹ đã hỗ trợ 09 bệnh viện trong toàn quốc thí điểm triển khai mô hình phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá để hỗ trợ cho người bệnh và người nhà người bệnh bỏ thuốc và người hút thuốc trong khu vực. Các bệnh viện này được lựa chọn để đại diện cho các miền và các tuyến bệnh viện. Các mô hình tư vấn cai nghiện sẽ được theo dõi và đánh giá hiệu quả để nhân rộng ra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong toàn quốc. Riêng năm 2016, đã có tới 8.464 người bệnh được tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá, 821 người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá chuyên sâu tại 9 bệnh viện.

Thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá

Năm 2015, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 191 triệu đồng do thanh tra Bộ Y tế, công an và đoàn kiểm tra liên ngành các tỉnh thực hiện.  

Năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế), xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2017, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ kiểm tra tại 171 nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị với số tiền phạt gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng. Bộ Công an phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phạt tính đến nay là 430 triệu đồng.

Xử phạt về buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Theo báo cáo tổng kết hoạt động PCTH của thuốc lá từ năm 2014 - 2016 của Bộ Công an (do Cục Y tế làm đầu mối), tổng số các vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt và xử lý: 1.532 vụ, phạt tiền: 19,44 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bày bán các sản phẩm thuốc lá lậu vẫn diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn. 

Nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá

Việc triển khai các nghiên cứu, đánh giá có vai trò ưu tiên trong các hoạt động của Quỹ PCTH của thuốc lá nhằm cung cấp bằng chứng khoa học về kết quả can thiệp và đề xuất những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Năm 2014, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) thực hiện Điều tra nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi.

Tháng 9 năm 2016, Quỹ phối hợp với Tổng Cục thống kê và một số đối tác quốc tế (CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới) để hoàn thành và công bố kết quả điều tra lần thứ hai “Tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam”. Nghiên cứu không chỉ theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam một cách toàn diện và hệ thống, mà còn đánh giá tình hình thực thi các quy định của Luật PCTH của thuốc lá về môi trường không khói thuốc, tác động của in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá, thực thi quy định cấm quảng cáo khuyến mại, tài trợ thuốc lá, kinh tế, truyền thông và cai nghiện thuốc lá.

Đánh dấu những kết quả đạt được của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá được thể hiện qua Điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá ở người trưởng thành. Điều tra được thực hiện bởi Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ. Điều tra toàn cầu năm 2015 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5%  ăm 2014.

Kết quả Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%), trong đó tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%.

Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2% (giảm từ 47,4 xuống 45,3); Tỷ lệ hút thuốc thụ động nơi làm việc giảm 13,3% (55,9 xuống 42,6); Hút thuốc thụ động trong nhà giảm 13,2% (73,1 xuống 59,9); Hút thuốc thụ động trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (giảm từ 43,4 xuống 19,4); Hút thuốc thụ động trong trường đại học giảm 16,4% (54,3 xuống 37,9).

Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đang có những biến chuyển tích cực. 

Đây là những chỉ số quan trọng đảm bảo hiệu quả bền vững của các hoạt động PCTH thuốc lá trong thời gian tới tại nước ta.Với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc, ngăn ngừa thanh thiếu niên không hút thuốc, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.

Cùng với sự nỗ lực của các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và trong công tác giám sát, đánh giá hoạt động nói riêng, năm 2018, tại Hội nghị Thế giới về “Thuốc lá hay sức khoẻ” tổ chức tại Nam Phi vào tháng 3/2018, Bộ Y tế Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng vì những thành tựu nổi bật trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Đây là Hội nghị quốc tế được tổ chức 3 năm một lần với sự tham gia của các đại biểu đến từ các quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, y tế, đại diện của các tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội dân sự. Hội nghị có sự tham gia của trên 100 quốc gia với hơn 2000 đại biểu.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá dẫn đầu cùng với ông Vũ Văn Dũng, Đại sứ ĐMTQ nước CHXHCN Việt Nam tai Nam Phi, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cùng  đại diện Bộ Tài chính và các tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã tham dự Hội nghị.

Tại Lễ trao giải, Đại sứ Toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về các bệnh không lây nhiễm, cựu Thị trưởng thành phố New York Mayor Michael R. Bloomberg đã chúc mừng Việt Nam vì những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chính sách theo dõi, giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong thời gian tới Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ phát động cuộc thi Vẽ tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sự kiện tổ chức cuộc thi Vẽ tranh cổ động về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2019 là một trong những sự kiện quan trọng tiếp nối và đồng hành cùng chuỗi các hoạt động truyền thông rộng khắp trên toàn quốc hiện nay.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn