Những hòn đá bí ẩn bên thủy điện Sơn La

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 18/01/2013 06:37:00 +07:00

(VTC News) - Vị thần trên trời xuống tắm, rồi vẽ lại những hình thù trên tảng đá. Những hình vẽ đó sẽ mang lại những điều tốt lành cho người dân.

(VTC News) - Vị thần trên trời xuống tắm, rồi vẽ lại những hình thù trên tảng đá. Những hình vẽ đó sẽ mang lại những điều tốt lành cho người dân.

Công trình thủy điện Sơn La hùng vĩ đã khánh thành. Các tuốc-bin đã hoạt động, sản sinh ra dòng điện lớn cho đất nước. Rất nhiều du khách lên Sơn La, đều muốn chiêm ngưỡng công trình hoành tráng này.

Ngay con đường vào đập thủy điện, là khu nhà trưng bày những cổ vật khai quật dưới lòng hồ thủy điện. Giữa sân là những tảng đá lớn, mà phải quan sát kỹ, mới thấy những hình khắc.

Tác giả bên những tảng đá có hình khắc bí ẩn trưng bày ở thủy điện Sơn La 
Nhìn những khối đá cổ chuyển từ bãi đá Pá Màng (xã Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La) về đây, lòng tôi trào dâng cảm xúc. Cách đây gần 10 năm, tôi đã mất 2 ngày trời, vừa đi xe máy, đi bộ, đi thuyền, để được chiêm ngưỡng những tảng đá lúc chìm, lúc nổi bên sông Đà.

Hành trình vất vả đó, chỉ với mong muốn được tận mắt những hình vẽ trên khối đá, trước khi nó biến mất vĩnh viễn dưới lòng hồ.

Nhưng không ngờ, những tảng đá có hình khắc cổ xưa đã được khiêng về trưng bày ở ngay thủy điện Sơn La. Cảm giác được xem lại tác phẩm nghệ thuật của tổ tiên tưởng như sẽ biến mất thật khó tả.
Tác giả bên tảng đá có hình khắc ở bản Pá Màng gần 10 năm trước, khi chưa được đưa về thủy điện Sơn La 
10 năm trước, con đường từ xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) vào xã Liệp Muội quanh co, dốc ngược, khủng khiếp như đường… lên giời.

Từ Liệp Muội phải cuốc bộ suốt ngày trời mới vào được xã Nậm Ét. Con đường mòn bé xíu hun hút trong rừng thẳm. Cuốc bộ từ sáng sớm đến chiều tối mới ra đến bờ sông Đà.

Ngủ đêm ở bến sông, rồi hôm sau thuê thuyền xuôi sông Đà 2 tiếng nữa mới đến trung tâm xã Liệp Tè. Chỉ có 2 cách duy nhất vào xã Liệp Tè là cuốc bộ xuyên rừng hoặc cưỡi thuyền vượt thác.

Trung tâm xã Liệp Tè là chỉ có 3 ngôi nhà, gồm trụ sở ủy ban, trường học và ngôi nhà nghỉ chân của người lái đò cùng khách đi đò. Chủ tịch xã Tòng Xuân Sáng cùng các vị lãnh đạo chẳng có việc gì làm, nên ngồi uống rượu từ trưa đến xế chiều. Bao năm nay, các cán bộ và nhân dân sống trong cảnh phấp phỏng chờ nước ngập.
Mùa lũ, những tảng đá có hình khắc cổ lại chìm dưới lòng sông 
Ông Sáng bảo, ngoài cán bộ khảo sát, thì có thêm các nhà khảo cổ cất công tìm vào Liệp Tè nghiên cứu, đào bới. Lần đầu tiên các vị cán bộ xã được đón… nhà báo.

Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Lò Văn Sáy được phân công nhiệm vụ đưa nhà báo đi xem bãi đá cổ Pá Màng. Hóa ra, bãi đá Pá Màng nằm ngay mép sông, chỗ bến đò.

Ông Sáy bảo, ngay bãi sông, chỗ bến đò, các nhà khoa học đào được rất nhiều cổ vật. Năm 1996, người dân đào móng nhà, thu được vô số cổ vật bằng đá, bằng đồng, gốm. Những chiếc rìu, giáo, những lọ gốm cổ có đến hàng ngàn món. Dân đào đồ cổ thuê thuyền từ mãi Hòa Bình ngược lên đào bới, khuân đi vô số đồ cổ.
 
Hình khắc trên tảng đá Pá Màng 
Những món đồ cổ bằng đá, đồng hiện vẫn có nhiều trong nhà dân. Các thầy mo, thầy cúng giữ rất nhiều đồ đồng, đồ đá. Họ coi đó là những vật thiêng tổ tiên để lại, nên cứ truyền từ đời trước đến đời sau cất giữ.

Sau này, trao đổi với các nhà khoa học mới biết rằng, khu vực xã Pá Màng từng là một xưởng chế tác thủ công của người xưa.

Theo lời ông Sáy, năm 1997, nghe tin phát hiện nhiều cổ vật ở Pá Màng, các nhà khảo cổ từ Hà Nội cũng đã đi thuyền ngược sông Đà lên đây căng dây, khoanh vùng, đào bới nhiều chỗ, mang về vô số cổ vật.

Nhóm nhà khảo cổ đó đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam. Là người trực tiếp khai quật, nghiên cứu về di chỉ Pá Màng, TS. Nguyễn Khắc Sử đánh giá về di chỉ này như sau: “Di chỉ khảo cổ Pá Màng là một di chỉ cư trú thềm sông có hai mức phát triển khác nhau.
 
Mức sớm nhất là lớp văn hóa nằm dưới độ sâu 1m, chứa công cụ cuội ghè đẽo, có thể trước văn hóa Hòa Bình, nhưng không hẳn là văn hoá Sơn Vi. Mức muộn hơn nằm ở bề mặt xuống đến 1m sâu chứa rất nhiều đồ gốm có khắc gạch, hoa văn cùng với bàn mài, thổ hoàng và sỉ đồng. Vì vậy, lớp văn hóa này thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, cách ngày nay trên dưới 4.000 năm…”.

Cũng theo TS. Nguyễn Khắc Sử, việc phát hiện di chỉ Pá Màng đã chỉ ra sự phát triển sớm muộn của hai lớp cư dân trong cùng một di chỉ, trường hợp thật hiếm hoi ở miền Tây Bắc.

Ông Sáy dẫn tôi ra mép sông Đà. Chúng tôi sắn quần lội bì bõm ra giữa sông. Ông Sáy chỉ mấy hòn đá nhô lên khỏi mặt nước và bảo đó chính là những hòn đá có hình khắc.
Hình khắc trên những hòn đá cổ vẫn là bí ẩn chưa được giải mã 
Mùa lũ, nước sông Đà dâng cao, cuồn cuộn chảy, nhấn chìm những tảng đá này. Nhưng mùa khô, nước sông Đà cạn trơ đáy, tưởng như có thể lội qua sông được, thì những tảng đá có hình khắc nằm hẳn trên bãi sông. Những tảng đá đều sạch bong vì được nước sông rửa ráy mấy tháng trời.

Ông Sáy không biết ai khắc hình lên những tảng đá này. Tổ tiên ông Sáy cũng không biết. Nhưng đồng bào Thái nơi đây vẫn lưu giữ truyền thuyết về những tảng đá này.

Người kể lại truyền thuyết về những tảng đá có hình khắc là cụ Lò Văn Hâu, là thầy mo uy tín của bản. Ông Hâu bảo rằng, những tảng đá đó là vật thiêng từ trên trời rơi xuống.

Ngày xưa, bãi sông Pá Màng có tới 40 tảng đá có hình khắc đen bóng nằm cạnh nhau. Vị thần trên trời xuống tắm, rồi vẽ lại những hình thù trên tảng đá. Những hình vẽ đó sẽ mang lại những điều tốt lành cho người dân.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn