Những hình ảnh không thể nào quên trong Quốc tang Đại tướng

Thời sựThứ Hai, 14/10/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News)- Nghẹn ngào, thương tiếc, thành kính là những cảm xúc có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam trong những ngày lễ Quốc tang Đại tướng.

(VTC News) - Nghẹn ngào, thương tiếc, thành kính là những cảm xúc có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam trong lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày Quốc tang đầu tiên (12/10), hàng trăm nghìn người dân từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về Hà Nội, Quảng Bình và TP.HCM chờ đợi giây phút được cúi đầu trước người con ưu tú của dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Lần đầu tiên trong thời bình, lịch sử lại chứng kiến những dòng người dài như bất tận, những trái tim chung nhịp đập, những hàng nước mắt lã chã rơi đến hồn nhiên trên mảnh đất hùng thiêng này.
lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp, dòng người, nghẹn ngào, đại tướng nhân dân, thiên tài quân sự
Dòng người vào viếng Đại tướng nối dài, cong cong như dải đất hình chữ S thân thuộc. Ảnh: Quang Minh

Từ 3 giờ sáng, nhóm phóng viên VTC News đã chứng kiến nhiều cụ già như cụ Sơn Mai Nguyễn Như Miến, 78 tuổi, ở phố Tương Mai (Hà Nội) lọ mọ đi xe đạp từ sáng sớm, chở theo món quà dâng lên vị Đại tướng kính yêu. 
Không thua kém cụ Miến, cụ bà Nguyễn Thị Mão, 77 tuổi đứng trước Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) từ lúc 3 giờ kém 15 để sớm được “gặp” Đại tướng.

Hay cụ Nguyễn Khắc Phúc, 83 tuổi, cựu chiến binh ở Hà Nội đã có mặt từ rất sớm để khóc thương, vái lạy lần cuối người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, dù biết thời gian cả buổi sáng được dành cho các đoàn viếng của nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước...
Cụ bà Nguyễn Thị Mão, 77 tuổi, chào Đại tướng trước Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Phạm Thịnh
Cụ bà Nguyễn Thị Mão, 77 tuổi, chào Đại tướng trước Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Phạm Thịnh
Đến đầu giờ chiều, lượng người đổ về mỗi lúc một đông hơn, tiết trời oi ả hơn, song không làm nản chí những người con lòng bồi hồi hướng về phía Đại tướng. Ai cũng chung một suy nghĩ, qua đêm nay thôi, vị Đại tướng kính yêu của dân tộc sẽ trở về với Quảng Bình, miền đất gió Lào cát trắng đã sản sinh ra người anh hùng của thời đại. Những bàn chân bước trên các con phố thủ đô chầm chậm như để níu kéo người xưa thêm chút nữa trước giờ phút ly biệt.

Tất cả, dù ở nhiều thế hệ khác nhau, từ các cháu còn thơ ngây trong vòng tay cha mẹ, những em học sinh tiểu học, thanh niên, người trưởng thành, các cựu chiến binh và cả những cụ già chân chậm mắt mờ đều có chung một nỗi đau như mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời mình.
xúc động, viếng đại tướng
 Xót xa ôm chặt di ảnh Đại tướng vào lòng. Ảnh: Quang Minh

Không riêng gì những con lạc cháu hồng, rất nhiều người nước ngoài biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đầy lòng ngưỡng mộ cũng buồn bã khi biết tin Đại tướng ra đi. Michael Abadi, người Mỹ nói rằng, mặc dù không phải người Việt Nam nhưng anh cảm thấy rất buồn. Nhờ có Đại tướng mới có nền độc lập ngày hôm nay.  

Ông Tim Page, cựu phóng viên ảnh chiến trường tại Việt Nam hồi đầu thập niên 60 xúc động đến nghẹn ngào khi chứng kiến dòng người đổ về trước nhà tang lễ Quốc gia viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lúc một đông.

“Không phải quốc gia nào cũng có được điều đáng quý này. Điều đó chứng tỏ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một anh hùng cách mạng thực sự", ông Tim Page, người có vinh hạnh được nhiều lần tiếp xúc với Đại tướng chia sẻ.
Cựu phóng viên ảnh chiến trường lặng người trước sự ra đi của Đại tướng.
Cựu phóng viên ảnh chiến trường lặng người trước sự ra đi của Đại tướng. Ảnh: Phạm Thịnh 
Tại quê nhà Quảng Bình của Đại tướng, từ hôm hay tin Đại tướng mất đến nay, từ đầu làng đến ngõ xóm, một bầu không khí im lặng đến lạ thường. Trong ngày Quốc tang đầu tiên, mọi người vẫn lặng thinh như thế. Những dòng nước mắt cứ chan hòa cùng nước mưa trong niềm tiếc thương vô hạn dành cho Đại tướng.

Thiệt thòi hơn người dân thủ đô và những người con đất Quảng Bình, có lẽ là bà con các tỉnh phía Nam do khoảng cách địa lý xa xôi không có điều kiện đến bái trước anh linh Đại tướng. Dù vậy, tại Hội trường Thống nhất, hàng ngàn bà con đã về đây tham dự nghi lễ viếng vị tướng tài của dân tộc. Những tình cảm dồn nén bấy lâu đã tuôn trào trên má, làm nhòe đi những nét chữ chân thành viết ra từ trái tim lưu lại trên sổ tang.
Người lính vinh dự hai lần được bắt tay Đại tướng
 Người lính vinh dự hai lần được bắt tay Đại tướng, lần đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi ông mới 20 tuổi. Lần hai là trong dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Hiếu Cao

Trong buổi lễ viếng tại dinh Thống Nhất có không ít những người lính năm xưa, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng cùng tề tựu. Nhiều cụ già không quản khó khăn, mệt nhọc đến viếng Đại tướng trên những chiếc xe lăn.
Người con Quảng Bình trước nỗi đau mất "Bác Giáp" yêu kính. Ảnh: N.D

 UBND tỉnh Quảng Bình mở cửa thâu đêm để đón người dân vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: N.D
Đêm đầu tiên trong lễ Quốc tang, cả thủ đô Hà Nội và Quảng Bình, hàng ngàn người con đã thức thâu đêm thực hiện nguyện vọng cuối cùng đến viếng Đại tướng trước khi nhân dân Quảng Bình đón ông trở lại quê mẹ.

Ngày Quốc tang cuối cùng (13/10), hàng chục ngàn người đã đến dự lễ và tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng với đó là hàng triệu triệu trái tim đồng bào cả nước hướng về thủ đô, nơi thiên tài quân sự thế giới, vị tướng kiệt xuất của đất nước, Đại tướng của nhân dân bước vào hành trình trở về quê nhà.
tiễn đại tướng
Hình ảnh người dân thủ đô đổ ra hai bên đường cúi đầu tiễn biệt Đại tướng lần cuối đã đi vào lịch sử.
Khi đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng diễu qua các con phố của thủ đô, hàng ngàn người dân đã đứng hai bên đường từ buổi sáng sớm. Khi xe Đại tướng đi qua, cả ngàn người chắp tay vái lạy và òa khóc, bày tỏ niềm thương tiếc và nỗi đau vô hạn đối với Đại tướng.

Đoàn hộ tống linh cữu Đại tướng vào đến Quảng Bình, một cảnh tượng tương tự được lặp lại. Không chỉ trong ngày đón người con ưu tú của quê hương trở về, mà trong tất cả những lần ông về thăm quê, mọi người, từ già trẻ lớn bé đều bỏ dở hết công việc để chạy theo ông.
Người dân Quảng Bình đứng dọc hai bên đường đón Đại tướng trở về.
Người dân Quảng Bình đứng dọc hai bên đường đón Đại tướng trở về. 

Giữa buổi trưa nắng chang chang, khu vực quốc lộ 1A rẽ vào sân bay Đồng Hới đã chật kín người. Các ngả đường từ các huyện trở về quốc lộ 1A ra Vũng Chùa - Đảo Yến, lượng người tham gia giao thông đã tăng lên đột biến. Một lý do hết sức đơn giản, họ mong một lần được đến, được tận mắt chứng kiến và tiễn đưa thi hài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa - Đảo Yến nằm tựa dãy Hoành Sơn của Đèo Ngang hùng vĩ.

3 giờ chiều, đoàn xe tang chở thi hài của Đại tướng trở về đến Vũng Chùa - Đảo Yến. Con đường rộng 9 mét mới được làm đã trở lên quá bé nhỏ, chật chội so với lượng người có mặt tại đây, khoảng cách giữa chiếc linh xa nơi thi hài Đại tướng nằm trở nên gần hơn với người dân đứng hai bên đường.
tiễn Đại tướng
Biển người đưa tiễn Đại tướng ở Vũng Chùa - Đảo Yến. 
Tuy nhiên, trở về quê hương lần này, người dân đã không còn được thân mật bắt tay Đại tướng, những cháu nhỏ đã không còn được ông ôm, xoa đầu, nhắc nhở học cho giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ nữa. Bởi một lẽ, vị Tướng nhân hậu, vị Tướng của lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về, nằm trong lòng đất mẹ Quảng Bình yêu thương.

Hàng triệu trái tim như thắt lại, tiếng khóc vang vọng trời xanh. Nhiều người khóc ngất bên di ảnh Đại tướng đã được nhân viên y tế chăm sóc.

đại tướng võ nguyên giáp
Đại tướng đã yên giấc ngàn thu.

Bên sườn núi Rồng trầm mặc, linh thiêng là nơi Đại tướng an giấc ngàn thu, cả chục ngàn người thành kính tiễn đưa người con ưu tú của cả dân tộc được cả thế giới ngưỡng mộ. Khi dàn quân nhạc cất lên bài hát "Hồn sĩ tử", cả biển người đã xúc động nghẹn ngào.

Còn nhớ trong một lần trở về Vũng Chùa - Đảo Yến năm nào, ngắm nhìn hình ảnh phút thư giãn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cánh võng, có người nói rằng, trông ông thư thái như "bác nông dân cày xong thửa ruộng".
đại tướng, vũng chùa đảo yến
Đại tướng trong một lần trở về mãi mãi...(Ảnh tư liệu)
Trong một lần trả lời báo giới, ông nói rằng: "Chiến thắng này là của Nhân dân. Tôi chỉ là người lính đã hoàn thành nhiệm vụ". Vâng, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Dân tộc giao phó.

Vĩnh biệt người thầy giáo dạy sử ngày nào, vĩnh biệt anh Văn, vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp đức độ, tài cao của dân tộc.



Bài: Diệp Vy
Ảnh: Nhóm phóng viên
Bình luận
vtcnews.vn