Những giáo viên đặc biệt nhất ở Trường Sa

Giáo dụcThứ Tư, 14/05/2014 07:18:00 +07:00

(VTC News)- Mỗi giáo viên có một cách giáo dục riêng, nhưng cùng chung một điểm là dạy chữ, dạy người và truyền lửa tình yêu Tổ quốc đến với các em học sinh.

(VTC News)- Mỗi giáo viên có một cách giáo dục riêng, nhưng cùng chung một điểm là dạy chữ, dạy người và truyền lửa tình yêu Tổ quốc đến với các em học sinh.

Thầy giáo đa năng

Thầy giáo Phạm Trung Việt may mắn được chọn trong hàng nghìn người viết đơn tình nguyện làm việc trên quần đảo Trường Sa, mang cái chữ đến cho con em ngư dân. Thầy giáo trẻ được mọi người yêu mến, coi như thành viên trong gia đình có biệt danh "thầy giáo đa năng".
Thầy Phạm Trung Việt ở Trường Sa
Thầy Phạm Trung Việt chăm sóc cho các em học sinh
Thầy không chỉ giỏi trong công việc giảng dạy mà đảm việc nhà. Thầy Việt mới kết hôn được 1 tháng nhưng để bài học của các trò không bị gián đoạn, thầy đã ngay lập tức quay trở lại công việc.

Trong bức thư gửi vợ, thầy viết: “Vợ ơi, rảnh rỗi nên anh viết bức thư gửi vợ yêu. Em ở nhà có khỏe không? Hôm nay Trường Sa cũng vui lắm em ạ. Ở Trường Sa anh luôn nhớ về em nhiều lắm. Mỗi lúc nhớ, em có biết anh làm gì không? Anh lấy ảnh cưới của chúng mình ra ngắm đấy”.

Đáp lại những tình cảm của chồng, người vợ hiền của thầy Việt cũng động viên: “Anh cứ yên tâm công tác. Em mãi là niềm tin vững chắc cho anh”

Mẹ hiền “5 trong 1”

Cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa Lớn được biết đến như một tấm gương sáng vì sự nghiệp trồng người ở Trường Sa. Tốt nghiệp khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, sau hơn ba năm dạy học ở vùng núi Khánh Hòa rồi Trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, năm 2008, cô giáo Nhung xung phong ra Trường Sa dạy học.
Cô Bùi Thị Nhung ở Trường Sa
Cô giáo Bùi Thị Nhung giảng bài cho các em học sinh 
“Bạn bè nói tôi điên, họ không muốn tôi đến nơi gian khổ. Tôi nghĩ, các chiến sĩ Trường Sa kiên cường nơi gian khó, thì tôi cũng có thể là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận dạy chữ cho học sinh. Bây giờ gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định trên đảo. Vợ dạy học, chồng có công việc ổn định phục vụ bộ đội, chúng tôi càng gắn bó với mảnh đất nơi đây”, cô giáo Nhung tâm sự.

Cô Nhung vừa là hiệu trưởng, vừa là giáo viên chủ nhiệm của 5 lớp học. Vừa hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết, giao bài xong cô lại quay sang giảng toán cho nhóm học sinh lớp 2; rồi hướng dẫn các em lớp 3, lớp 5 làm bài tập.

Cô còn dạy tin học qua máy vi tính và hướng dẫn các em các môn học ngoại khoá như múa, hát ngoài trời. Qua các chương trình trên internet, cô Nhung đã dạy các em học hát và cập nhật nhiều chương trình hữu ích cho bọn trẻ. Nhung mong có thêm chiếc máy vi tính mới để các em được kết nối thông tin gần gũi với đất liền hơn.
Cô Bùi Thị Nhung ở Trường Sa
 
Ở Trường Sa, cô  giáo Nhung được coi như bảo mẫu của học sinh, bởi vừa là cô giáo, vừa thay cha mẹ các em lo từ bữa ăn, giấc ngủ trưa. Các em học sinh đều gọi cô giáo Nhung là mẹ. Ngoài dạy kiến thức cho các em nhỏ, cô giáo Nhung còn dạy các em tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc.

Tình cờ thành thầy giáo

Đối với các em học sinh xã đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ Trương Sứ Long không chỉ là người thầy giáo dạy cho các em kiến thức, học vấn mà còn như một người bạn, một người anh cả trong gia đình.
thầy trương sứ long ở trường sa
Thầy Trương Sứ Long giảng bài cho học sinh 
Từ miền quê xã Sơn Lâm, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, năm 2008, anh Trương Sứ Long đã tình nguyện xung phong ra công tác ở quần đảo Trường Sa với mong muốn được đóng góp công sức tuổi trẻ với đảo.

Anh được phân công phụ trách công tác Mặt trận Tổ quốc của xã đảo Song Tử Tây. Khi thấy các em nhỏ ở đây chưa có giáo viên dạy học, Long đề nghị được kiêm luôn công tác giảng dạy các em. Gần 4 năm sống ở đảo cũng là ngần ấy thời gian anh có thêm nghề “gõ đầu trẻ”.

Anh bảo: “Điều trăn trở nhất của tôi là làm sao để các em học được chữ, bên cạnh đó các em phải hiểu về Trường Sa và chiến sĩ ở đây nhiều nhất. Dạy ở đây đã khó vì quá ít học sinh, nhưng cũng có cái dễ, vì các em rất tập trung, không vướng bận hoặc bị chi phối bởi môi trường xung quanh. Tôi muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Các em học sinh và tình yêu biển đảo, tình quân dân đã níu bước chân tôi ở lại”.

Chính vì yêu quý các em học sinh, chính vì muốn đem con chữ cho bọn trẻ mà thầy giáo trẻ này đã quên đi bao ước mơ hoài bão ở đất liền. Song điều đem lại hạnh phúc nhất cho Long là được đứng trên bục giảng nơi tận cùng Tổ quốc.

Anh tâm sự: “Tôi chọn nghề dạy học cho trẻ ở Trường Sa, vì tôi yêu Trường Sa. Càng gắn bó với đảo, càng thấy Tổ quốc mình thiêng liêng và ý nghĩa. Lớp học ở Trường Sa, chính là nơi ươm mầm các chiến sĩ kiên cường. Rồi đây, các em sẽ trở thành anh bộ đội bảo vệ đảo. Nhìn các em học sinh khát chữ, tôi lại không muốn trở lại đất liền”.

Bảo mẫu đặc biệt

Phó Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn - Cao Văn Giáp luôn được các em nhỏ trên xã đảo Sinh Tồn yêu quý không chỉ bởi anh hàng ngày dạy dỗ các em mà chính từ tình cảm yêu thương, chăm sóc tận tình của anh đối với bọn trẻ.
Thầy Cao Văn Giáp
Thầy Cao Văn Giáp 
Đã hơn 3 năm trôi qua, anh Giáp làm “bảo mẫu” của đám trẻ: “Tôi không thể nào quên được những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Tuy đã xác định tốt tư tưởng là công tác ở đây lâu dài, những đêm đầu tiên tôi đã khóc vì quá nhớ đất liền. Những ngày sau đó tôi cứ thẩn thơ ngóng về phía chân trời tìm hình bóng một con tàu nào đó. Bây giờ đã quen lắm rồi. Có tụi nhỏ đảo như thêm niềm vui”.

Hiện trên đảo Sinh Tồn có 7 cháu đang độ tuổi đến trường, có 5 lớp học. Ngoài thời gian làm việc của một phó chủ tịch xã đảo là chăm lo, ổn định đời sống, sinh hoạt, lao động của bà con nhân dân, thời gian còn lại anh cùng các cán bộ đảo dạy học cho các cháu nhỏ.

Anh Giáp tâm sự chân thành: “Ở đây, chúng tôi cứ nói với nhau, mình là “bảo mẫu đặc biệt”. Dạy học các em cơ bản là tình thương trách nhiệm và hoàn toàn tự nguyện. Nhìn thấy các em vui, học chăm ngoan là niềm vui chứ cần gì đến phụ cấp. Ra đảo sinh sống đã là hi sinh rồi, nhưng vinh dự lớn lao hơn nhiều”.

2 năm chưa về thăm vợ

Thầy Hồ Bảo Ân (quê huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nhiều năm dạy học ở đảo Sinh Tồn đã tạm biệt người vợ trẻ chỉ một tuần sau ngày cưới để ra đảo tiếp tục công việc. Hơn 2 năm nay, thầy Ân chưa về thăm vợ nhưng nụ cười của chàng trai đất biển vẫn luôn nở trên môi. Để bớt nhớ thương người vợ trẻ, thầy Ân vẫn đều đặn gọi điện thoại về nhà. Ở đất liền, chị Nguyễn Thị Kim Loan, vợ thầy Ân, nén nỗi nhớ mong để động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
thầy hồ bảo ân
Thầy Hồ Bảo Ân hướng dẫn tận tình cho các em học sinh 
Khi được hỏi về nguyện vọng để đời sống cá nhân và gia đình được cải thiện hơn, thầy Ân không mong gì cho mình mà chỉ đề nghị ngành GD-ĐT và những nhà  hảo tâm giúp đỡ mua sắm thêm nhiều mô hình học tập, giáo cụ trực quan để học sinh dễ tiếp nhận kiến thức hơn.

Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều truyện tranh để bồi dưỡng kiến thức và bồi đắp trí tưởng tượng cho các em học sinh. Thầy Ân bộc bạch: “Tôi và một số đồng nghiệp rất mong được dự các lớp tập huấn kiến thức, cập nhật chương trình giảng dạy mới”. 


Minh Đức (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn