Những dự án đưa loài người lên sao Hỏa sinh sống đình đám trong lịch sử

Kinh tếThứ Sáu, 02/10/2015 06:21:00 +07:00

Những dự án đưa loài người đưa sao Hỏa sinh sống đình đám trong lịch sử được thực hiện dù tốn kém, khó khăn và luôn bị hoài nghi về độ khả thi

(VTC News) - Có không ít những dự án đưa con người lên sao Hỏa sinh sống đã và đang được triển khai thực hiện trong hy vọng có thể tìm được ngôi nhà mới cho loài người, dù cực kỳ khó khăn, tốn kém và luôn bị hoài nghi về độ khả thi.

Từ ngày xửa ngày xưa, con người đã để ý tới ngôi sao duy nhất có màu đỏ trên bầu trời đêm, vì sắc đỏ như máu ấy nên người phương Tây lấy tên của thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã đặt tên cho nó - đó là sao Hỏa.


So với Trái đất, sao Hỏa có đường kính bằng 0,533, diện tích bằng 0,284. Nó quay một vòng quanh Mặt trời hết 687 ngày, cho nên cứ 2 năm 50 ngày mới có một lần ở gần Trái đất, 15 - 17 năm mới có một lần gần chúng ta nhất. Vì ở xa Mặt trời nên nhiệt độ bề mặt sao Hỏa bình quân là -63oC (nóng nhất 20oC, lạnh nhất -140oC). Sao Hỏa có nhiều điểm giống Trái đất, như có khí quyển, hơi nước, có các vùng đóng băng và lớp nham thạch bọc hành tinh.

Loài người có khả năng cải tạo sao Hỏa để nó có môi trường như Trái đất - quá trình này gọi là địa cầu hóa (Terraforming), như trồng thật nhiều cây để bắt CO2 nhả ra ô xy; đặt gương phản xạ lớn trên trời để phản xạ ánh Mặt trời xuống sao Hỏa làm khí hậu ấm lên, v.v...

Với những điều này cộng thêm áp lực về sự "xuống cấp" ngày càng nghiêm trọng của Trái đất, con người bắt đầu quan tâm hơn tới việc tìm một "ngôi nhà mới" và mục tiêu chính không ai khác chính là hành tinh đỏ băng giá này. Do đó, rất nhiều các cơ quan nghiên cứu về thiên văn hàng không vũ trụ đã và đang thực hiện rất nhiều các dự án tập trung vào việc có thể đưa con người lên sao Hỏa và sinh sống vĩnh viễn tại đó.

Trong số các dự án đưa loài người lên sao Hỏa sinh sống từ trước đến nay, dự án thu hút được nhiều sự quan tâm nhất có thể kể đến Mars One - dự án của một tổ chức phi lợi nhuận ở Hà Lan với 100% vốn tư nhân.

Mars One bắt đầu tuyển chọn những ứng cử viên sáng giá nhất để lên sao Hỏa sống vào năm 2013. Đến tháng 3/2015, đã có 100 người được chọn trên tổng số 200.000 người để tham gia vào chương trình huấn luyện cho việc lên sao Hỏa vào năm 2016 - trong đó có 1 ứng viên là người Việt Nam tên là Vũ Xuân Linh
Hình ảnh mô phỏng khu dân cư xây dựng trên sao Hỏa của dự án Mars One
Những người được chọn sẽ chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 người. Sau đó, họ được huấn luyện để thay đổi thói quen, học cách trồng lương thực và các hoạt động y tế ở một khu mô phỏng giống sao Hỏa. Sau đó, những người này sẽ được đưa tới huấn luyện ở môi trường khắc nghiệt như vùng Bắc cực.

Theo website chính thức của dự án, Mars-one.com, họ sẽ phóng tàu thăm dò đưa thiết bị xây nhà lên trên sao Hỏa từ năm 2020-2025. Những nhu yếu phẩm khác cũng sẽ được đưa lên trong đợt này gồm 3.000 lít nước, 240kg ô-xy, lương thực cũng như vật dụng để làm một nhà năng lượng mặt trời nhằm trồng cây trên sao Hỏa.

Dự kiến để đưa 4 người đầu tiên lên hành tinh đỏ sống vào năm 2026, Mars One sẽ phải vận động chi ra 6 tỷ USD, mở đường cho việc thiết lập một khu dân cư từ năm 2023.

Dù hiện tại còn rất rất nhiều nghi ngờ về tính thực tiễn của dự án đưa loài người lên sao Hỏa sinh sống Mars One nhưng không thể phủ nhận đây là dự án khá táo bạo và thu hút được rất nhiều sự quan tâm.


Trước đó, ngày vào cuối năm 2011, tại Moscow - Nga, dự án du hành thám hiểm sao Hỏa mang tên Mars 500 đã kết thúc sau 4 năm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và tâm sinh lý của một toán phi hành gia quốc tế 6 người trên một chuyến bay giả định dài 520 ngày lên sao Hỏa, sống và làm việc trong mô hình tàu vũ trụ hoàn toàn cách ly với bên ngoài và cuối cùng là đi bộ trên bề mặt của hành tinh đỏ.
Hình ảnh mô phỏng sự án Mars 500
Hình ảnh mô phỏng dự án Mars 500 
Đây là dự án quốc tế của Nga, EU (Liên hiệp châu Âu) và Trung Quốc với mục đích giúp các nhà chuyên môn lên kế hoạch các chuyến bay liên hành tinh, trước mắt là sao Hỏa. Dự án cũng nhằm xác định những vấn đề phát sinh và tìm ra giải pháp thích hợp.

Còn mới đây, vào tháng 8/2015, Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) đã tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ RS-25 sử dụng trong tên lửa đẩy siêu nặng SLS (Space Launch System) - là tên lửa sẽ được sử dụng để phóng tàu vũ trụ Orion, dự kiến sẽ được NASA dùng để đưa con người lên các tiểu hành tinh gần với Trái đất và đặc biệt là tới sao Hỏa, vào khoảng năm 2030.

Trước đó trung tuần tháng 7, NASA đã công bố tên 4 phi hành gia đầu tiên được chọn để bay trong chuyến bay thương mại vào không gian, với đích đến chính là sao Hỏa.

Charlie Bolden - nhà điều hành NASA cho biết “Chúng tôi đang trên một cuộc hành trình hướng tới sao Hỏa và để đáp ứng mục tiêu đưa phi hành gia Mỹ tới hành tinh Đỏ trong những năm 2030, chúng tôi cần tập trung cả vào không gian sâu thẳm và công việc có tính đột phá đang được thực hiện trên Trạm vũ trụ quốc tế”.

Hình ảnh mô phỏng về cách sinh tồn của loài người trên sao Hỏa
Hình ảnh mô phỏng về cách sinh tồn của loài người trên sao Hỏa 
Có vẻ như ước mơ đặt chân lên Sao Hỏa của loài người luôn là một lý do chính thúc đẩy mọi hoạt động khám phá hành tinh này, mặc dù vậy kể cả nếu chúng ta có thành công trong việc đưa con người lên Sao Hỏa sinh sống đi chăng nữa thì cái giá của nó cũng không hề rẻ.

Mới đây, Elon Musk, một nhà phát minh tỷ phú người Nam Phi đã tuyên bố rằng, trong vòng 10 năm tới, có khả năng Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian - SpaceX của ông sẽ tổ chức những chuyến du hành vũ trụ dành cho khoảng 1 triệu người với "giá vé" rơi vào khoảng 500 nghìn USD cho một người.

CEO của SpaceX cho biết chìa khóa để hướng tới giá vé tương đối "rẻ" như vậy không chỉ nằm ở việc các tàu vũ trụ có thể tiếp nhiên liệu tại Sao Hỏa mà còn liên quan đến việc những chiếc tàu chở khách này có thể sử dụng nhiều lần giống như những chiếc máy bay thông thường, điển hình như Boeing 747 chẳng hạn.

Trước đó, Elon Musk cũng đã từng tuyên bố rằng, công ty ông sẽ xây dựng "một thành phố tự duy trì" trên sao Hỏa để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và sẽ đưa người lên sinh sống trên sao Hỏa vào năm 2024.

Hiện nhiều người vẫn không khỏi nghi ngờ về các dự án đưa loài người lên sao Hỏa sinh sống, bởi họ cho rằng con người sẽ không bao giờ chịu được môi trường trên sao Hỏa với nhiệt độ -20 độ C, không có khí quyển, lại có độ phóng xạ nguy hiểm và cơn lốc bụi đỏ khổng lồ 5 năm một lần.

Nhưng trong ngày 28/9 vừa qua, NASA đã công bố một "khám phá quan trọng" mang tính đột phá trong lịch sử nhân loại, đó là trên hành tinh đỏ này có sự tồn tại của nước ở dạng lỏng. Điều này cho thấy một khả năng rất lớn là trên hành tinh này đã từng và thậm chí là vẫn đang tồn tại sự sống.

“Như chúng ta đã từng biết, bất kỳ sự sống nào trên Trái đất cũng tồn tại ở những nơi có nước dạng lỏng. Đó cũng chính là nơi chúng ta tìm thấy sự sống” - nhà khoa học Kevin Hand thuộc NASA đã từng khẳng định như vậy nên công bố sao Hỏa có nước lỏng đã làm tăng thêm hy vọng cho sự thành công của các dự án đưa con người lên hành tinh đỏ sinh sống.

Tất nhiên dự án lớn, táo bạo nào cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều, cần có thời gian đánh giá. Nhưng, trước sự gia tăng áp lực do bùng nổ dân số cùng một loạt vấn đề khác đang đè nặng lên Trái đất thì ý tưởng tìm kiếm thêm “ngôi nhà” cho loài người ở các hành tinh khác là không thừa.

Huyền Trân

Bình luận
vtcnews.vn