Những điều đặc biệt Chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Giáo dụcThứ Năm, 31/07/2014 07:48:00 +07:00

(VTC News) - Đường lên đỉnh Olympia đã đi được chặng đường 13 năm, cùng với đó là những điều đặc biệt khiến khán giả không thể nào quên.

(VTC News) - Đường lên đỉnh Olympia đã đi được chặng đường 13 năm, cùng với đó là những điều đặc biệt khiến khán giả không thể nào quên.

Olympia 9: Chung kết có sự góp mặt của 5 thí sinh


chung kết olympia
Chung kết Olympia năm thứ 9 

Ngày 17/5, lần đầu tiên vòng chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 9" có sự góp mặt của 5 nhà leo núi. Cơ hội giành suất học bổng du học Úc trị giá 35.000 USD sẽ chia đều cho cả 5 thí sinh.

Thí sinh tham dự buổi thi chung kết gồm: Đào Thị Hương, THPT Bỉm Sơn, Thanh Hoá (Nhất quý I - 265 điểm); Bùi Tứ Quí, Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM (Nhất quý II - 350 điểm); Hồ Ngọc Hân, THPT Quốc Học Huế, TP Huế (Nhất quý III - 275 điểm); Bạch Đình Thắng, THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Nhất quý III - 275 điểm) và Nguyễn Thị Thu Trang, THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng (Nhất quý IV - 190 điểm).

Theo Ban tổ chức, lý do dẫn tới quyết định có 5 thí sinh tham dự thi chung kết thay vì 4 như thường lệ là do câu hỏi về sáu hệ trong cơ thể con người (Thắng chọn trong phần thi Về đích) đã gây khá nhiều tranh luận. Sau khi cân nhắc, Ban tổ chức quyết định công nhận đồng giải Nhất quý 3 cho cả Hồ Ngọc Hân và Bạch Đình Thắng.

Chính vì điểm khác biệt này mà chương trình chung kết được truyền hình trực tiếp trên VTV3 vào 9h30 sáng Chủ nhật sẽ có 5 điểm cầu được đặt tại THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá), Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM, Quốc học Huế (TP Huế), THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) và THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Olympia 10: Nhà vô địch phát âm sai tiếng anh

Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 đã để lại nhiều ý kiến trái chiều trong lòng công chúng. Phan Minh Đức - người đoạt giải nhất đã dính tới câu chuyện phát âm sai tiếng anh trong câu hỏi cuối cùng.

chung kết olympia
Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 - Phan Minh Đức. 

Trong phần thi Về đích, người xem truyền hình đã hồi hộp chứng kiến giây phút mang tính quyết định khi Đức trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh. Dường như Đức khá lúng túng khi phát âm câu trả lời. Bởi vậy MC Tùng Chi đã phải hỏi đi hỏi lại để Đức phát âm cho chính xác.

Khán giả theo dõi qua truyền hình đã thấy Đức phát âm chữ “plumber” giống như phát âm chữ “plumper”. Một độc giả học chuyên tiếng Anh đã nói nếu phát âm đúng thì “plumber” có chữ “b” câm (nghĩa là phải đọc là pờ lăm mờ).

Ngay khi cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 kết thúc và nhận được ý kiến từ khán giả xem chương trình, bà Bùi Thu Thủy - Phó Trưởng ban Thể thao Giải trí và Thông tin kinh tế, đã cùng cố vấn tiếng Anh của chương trình, thầy Thomas William Billinge, quốc tịch Anh, giáo viên Tổ chức giáo dục và đào tạo Apollo Việt Nam xem lại băng của trận chung kết.

Thầy Thomas William Billinge, cũng chính là người đã đưa ra câu hỏi tiếng Anh trong chương trình, khẳng định: "Bạn thí sinh đã hiểu rõ câu hỏi và đã trả lời câu hỏi đúng ngay lần đầu tiên. Có một sự khác biệt nhỏ trong cách phát âm, bạn ấy đã nói ['plʌmbə] thay vì  ['plʌmə], nhưng đây là một điều rất thường thấy với người Châu Á...Với tư cách là một chuyên gia về tiếng Anh tại Apollo, tôi khẳng định là bạn thí sinh đã trả lời câu hỏi một cách chính xác".

Olympia 11: Tranh cãi đáp án "muối" và "muối ăn"

chung kết olympia
Phạm Thị Ngọc Oanh (thứ ba từ trái sang)_nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11

Vòng chung kết Olympia năm thứ 11 đã gây ra nhiều tranh cãi trong đáp án "muối" và "muối ăn" ở vòng thi tăng tốc.

Cuộc tranh cãi này thu hút nhiều người bởi nếu đáp án “muối ăn” của Phạm Thị Ngọc Oanh không được chấp nhận thì tổng số điểm Oanh có sẽ là 200 thay vì 230 điểm. Và như vậy kết quả cuối cùng có thể sẽ khác.

Cụ thể, trong vòng thi tăng tốc, ở câu hỏi cuối cùng, ban tổ chức đưa ra các dữ liệu: Đây là gì? Với các gợi ý theo thứ tự:

1 - Đây là hợp chất vô cơ

2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion

3- ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp)

4- Một loại gia vị

5- Salt

Và biên tập viên Tùng Chi - người dẫn chương trình đã tuyên bố đáp án là “muối”. Rõ ràng, chỉ có từ “muối” mới là đáp án  thỏa mãn tất cả các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thứ 3 - nói về tác phẩm “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp.

MC Tùng Chi đã tuyên bố điểm cho các thí sinh có đáp án là “muối” và tất nhiên, Ngọc Oanh không có điểm vì trả lời là “muối ăn”. Lúc này điểm số của Ngọc Oanh là 190 điểm. Vào thời điểm đó, Thái Ngọc Huy vượt lên dẫn đầu với 205 điểm.

Nhưng ngay sau đó, TS Nguyễn Đức Chuy - thành viên ban cố vấn tổ hóa học của chương trình ra hiệu có ý kiến. Ông nói bức ảnh trong dữ liệu cuối cùng là hình ảnh người dân làm muối trên biển và muối ăn là đáp án có thể chấp nhận được. TS Nguyễn Đức Chuy còn nói "đáp án chính xác phải là muối ăn".

Ngay lập tức, Ngọc Oanh được thêm 30 điểm, nâng số điểm từ 190 lên 220 điểm, trở thành thí sinh dẫn đầu.

Và khi TS Nguyễn Đức Chuy dứt lời thì MC cũng cho biết: “Quyết định của ban cố vấn là quyết định cuối cùng”.

Olympia 12: Sai câu hỏi

chung kết olympia
Đặng Thái Hoàng - nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12

Sau khi Đặng Thái Hoàng vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2012, cư dân mạng đã rộ lên nghi vấn lộ đề và ra câu hỏi sai trong trận chung kết.

Câu hỏi được ban tổ chức chương trình đưa ra như sau: Dữ liệu 1: 3 mặt trời = 2 ngôi sao; Dữ liệu 2: 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời; Dữ liệu 3: 4 ngôi sao + 2 mặt trăng = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời. Câu hỏi: “Cần có bao nhiêu mặt trời để cân thăng bằng?”

Đáp án chương trình coi ngôi sao có giá trị = 9; mặt trăng có giá trị = 7. Nếu thử vào tất cả các đáp án của chương trình là 4,5,6,7,8,9 đưa ra đều không chính xác.

Ở câu hỏi này, bạn Trần Lê Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam) và Đặng Thái Hoàng đều lựa chọn đáp án C. Thái Hoàng được 30 điểm.

PGS.TS Phan Doãn Thoại, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục NXBGDVN – cố vấn môn Toán của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2012 khẳng định, câu hỏi trên thuộc nhóm câu hỏi IQ, không phải do cố vấn của chương trình đưa ra. Tuy nhiên, trước buổi thi chung kết, các cố vấn chương trình có xem lại toàn bộ câu hỏi của cuộc thi nhưng rất tiếc đã không phát hiện ra sự nhầm lẫn này.

Olympia 13: Hoàng Thế Anh- huyền thoại  của THPT chuyên Bắc Giang

Với 285 điểm chung cuộc, Hoàng Thế Anh, học sinh lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã xuất sắc trở thành quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm 2013.

Hoàng Thế Anh_nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13

Tham gia cuộc thi chung kết có 04 thí sinh Hoàng Thế Anh (Nhất Quý I, đến từ Trường THPT Chuyên Bắc Giang), Vũ Hoàng Sơn (Nhất Quý II, đến từ Trường chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), Đào Nguyễn Thạnh Hưng (Nhất Quý III, đến từ Trường PT Năng khiếu - ĐHQG TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Văn Nam (Nhất Quý IV, đến từ Trường THPT Phan Đăng Lưu - Yên Thành, Nghệ An).

Hoàng Thế Anh, đại diện duy nhất học sinh của Trường THPT Chuyên Bắc Giang nói riêng, học sinh tỉnh Bắc Giang nói chung đã xuất sắc ghi tên mình trên đỉnh Olympia, thầy cô và bạn bè trước cuộc thi này đã từng nói “Thế Anh thế mới là Anh”.

Cái tên Hoàng Thế Anh đã trở thành một huyền thoại của Chuyên Bắc Giang. Hơn một năm sau khi đăng quang "Đường lên đỉnh Olympia", Hoàng Thế Anhlên đường đi du học tại trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) với chuyênngành Viễn thông.

Nhung Vũ (Tổng hợp)






Bình luận
vtcnews.vn