Những điểm sáng tại Cục Quản lý thị trường Bình Thuận

Thị trườngThứ Ba, 28/12/2021 14:58:00 +07:00
(VTC News) -

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những thành tựu đã đạt được giúp lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại địa phương... từng bước nhận được đánh giá tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Một trong những điểm sáng trong đó là nâng cao hiệu quả xử lý đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Bình Thuận đã tiếp nhận 5 đơn yêu cầu về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận sau đó đã có văn bản chuyển giao thông tin cho các đội quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật theo đơn yêu cầu, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Những điểm sáng tại Cục Quản lý thị trường Bình Thuận - 1

Lực lượng quản lý thị trường kiểm đếm số thuốc lá điếu nhập lậu tại điểm kinh doanh. (Ảnh: DMS)

Trong quá trình kiểm tra, xử lý, các đội QLT đã phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước là 150 triệu đồng, tịch thu 2.718 cái nón bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn, 850 phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu.

Bên cạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, Cục QLTT Bình Thuận còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật có liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở và tổ chức cho trên 3.300 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tái phạm.

Theo nhận định, trong thời gian tới, tình trạng kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dự báo sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhất là hình thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử như thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng cho người tiêu dùng; các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví, mũ bảo hiểm...

Nhằm tiếp nhận và xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp được kết quả, Cục QLTT Bình Thuận đề nghị chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để tích cực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là việc phân biệt hàng thật và hàng giả nhãn hiệu, nhận diện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ.

Hơn 3,5 tỷ đồng xử phạt vi phạm

Theo báo cáo Cục QLTT Bình Thuận, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.131 vụ (giảm 414 vụ so với cùng kỳ năm 2020), phát hiện 351 vụ vi phạm (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm 2020); tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu là 3.528,11 triệu đồng (tăng 659 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020).

Riêng tháng 10, lực lượng QLTT Bình Thuận đã kiểm tra 111 vụ, phát hiện 61 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu là 593,15 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 212,4 triệu đồng.

Cơ quan QLTT cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc lớn như vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa, phạt tiền 55.000.000 đồng ở Hàm Thuận Nam; vụ kinh doanh thực phẩm nhập lậu có giá trị 47.518.000 đồng, phạt tiền 40.000.000 đồng và vụ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 300 bao phạt tiền 20.000.000 đồng ở TP Phan Thiết.

Theo ông Nguyễn Tiến Sơn, Cục trưởng Cục QLTT Bình Thuận, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, việc triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường gặp nhiều khó khăn hơn vì vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia công tác phòng chống dịch.

Ông Sơn cho rằng, thời gian tới, các đội QLTT sẽ chú trọng công tác quản lý địa bàn, việc triển khai áp dụng Hệ thống INS, làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương theo đúng thẩm quyền, chức năng được giao.

Đặc biệt nâng cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

Tiêu hủy hơn 19.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Tháng 11/2021, Cục QLTT Bình Thuận cho biết, vừa tiến hành tiêu hủy 19.116 bao thuốc lá điếu nhập lậu (loại 20 điếu/bao) các loại như JET, HERO, CRAVEN A…

Toàn bộ số thuốc lá điếu nhập lậu trên được các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy tại nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Môi trường xanh Pedaco có trụ sở tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Trong số thuốc lá bị tiêu hủy, nhiều nhất là các loại thuốc nhãn hiệu Jet với hơn 6.500 gói, Scott với hơn 5.800 gói, Hero với hơn 2.800 gói, ngoài ra còn nhiều loại thuốc lá khác như Craven A, Dunhill, 555, …

Việc kiểm kê, tiêu hủy số thuốc lá điếu vi phạm trên nhằm đảm bảo cho công tác xử lý tang vật theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh chân chính.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn