Những điểm đến không thể bỏ lỡ dịp đầu xuân

Thời sựThứ Ba, 28/01/2014 12:40:00 +07:00

(VTC News) - Việt Nam có hàng ngàn danh lam thắng cảnh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, trong đó có những địa danh du xuân không thể bỏ lỡ trong dịp đầu năm mới.


Chùa Bái Đính: Là quần thể chùa nằm ở khu vực Ninh Bình. Nơi đây đã xác lập nhiều kỷ lục như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam, tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á, chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam ...

Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ ngày mùng 1 tết, khai mạc vào ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đi cùng các phần lễ như truyền thống thì phần hội của chùa Bái Đính sẽ có nhiều trò chơi dân gian, hát Chèo, Xẩm, Ca trù ...

Yên Tử: Là khu di tích gồm nhiều chùa, am, tháp hòa quyện cùng cảnh vật thiên nhiên nằm trên địa bàn thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử ở độ cao 1.068 m từ lâu đã là địa điểm được nhiều du khách đến bái phật, cầu may mắn.

Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch với nhiều nghi lễ trang trọng, mang đậm màu sắc tâm linh.

Đền Bà Chúa Kho: Thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh, đền Bà Chúa Kho là điểm đến của hàng ngàn lượt du khách mỗi năm nhằm xin tài lộc và may mắn.

Chùa Hương: Là nơi tập hợp nhiều chùa, động xen kẽ với với tự nhiên thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dịp đầu năm, chùa Hương thu hút phật tử khắp nơi tới thăm và lễ bái.

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất và diễn ra dài nhất trong năm, khai  hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Đền Gióng: Nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, khu di tích đền Gióng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được xếp hạng từ năm 1962. Khu đền thờ thánh Gióng được xây dựng từ hơn nghìn năm trước với nhiều công trình lớn như đền Hạ, đền Mẫu, đền Thượng, nhà bia và văn bia, chùa Đại Bi...

Hội Gióng Sóc Sơn: được tổ chức hàng năm vào mồng 6 tháng Giêng, với sự góp mặt của 54 tổng, 124 xã với nhiều lễ, hội như lễ rước voi, tiễn ngà voi, tiễn hoa tre, khiển tướng… Ngoài dịp này, du khách còn đến trẩy hội khá đông trong 3 tháng mùa xuân và 3 tháng cuối năm.

Đền Hùng: Nằm trong địa bàn tỉnh Phú Thọ, đền Hùng là điểm đến không thể bỏ qua của du khách thập phương trên khắp mọi miền đất nước hành hương về "Đất Tổ", bái lễ, cầu an cho cả năm.

Lễ hội Đền Hùng: Các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. 

Chùa Keo: Thuộc địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.  Khu chùa vẫn giữ nguyên được 17 công trình với 128 gian phân bố trên 2.022m2.

Lễ hội Xuân ở Chùa Keo được bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết với nghi lễ dâng hương tại đền Thánh cùng nhiều trò chơi dân gian mang đậm màu sắc của cư dân đồng bằng sông Hồng như chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi, bắt vịt dưới hồ ...

Côn Sơn – Kiếp Bạc: Thuộc địa bàn thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm đến du lịch thu hút rất đông du khách mỗi dịp đầu xuân.

Lễ hội: Ở Côn Sơn, mỗi năm đều diễn ra hai lễ hội lớn: Hội Xuân và Hội Thu. Hội Xuân diễn ra vào ngày 16 cho đến ngày 22 tháng giêng, còn Hội Thu sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng tám âm lịch. Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch, ở Kiếp Bạc có diễn ra hội đền Kiếp Bạc. 

Đền Trần: Nằm trên địa bàn xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định, mỗi dịp đầu xuân nơi đây đã thu hút hàng chục ngàn du khách đổ về để xin ấn với mong muốn có nhiều may mắn trong năm, con cái học hành tấn tới.

Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch. Còn Lễ Khai ấn chính thức bắt đầu vào giờ tý (23g) đêm 14 tháng giêng âm lịch.

Hội Lim: Diễn ra tại địa bàn thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh với lễ hội này mang đậm màu sắc của vùng Quan họ. Chính bởi vậy cứ 12, 13 tháng Giêng hàng năm, người người nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội.

Tương tự như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần bên cạnh đó còn có các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Ngoài ra khách du xuân còn được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia ... 

Chợ Viềng: Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Bao quanh đây là cả một quần thể di tích như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng ... 

Ở chợ Viềng chủ yếu bán các sản phẩm bình dân như cây trồng, vật nuôi, thịt bò non, thịt bê ... đặc biệt ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả.

 
Bình luận
vtcnews.vn