Những dịch vụ tranh thủ 'chặt chém' những ngày đầu năm

Kinh tếThứ Ba, 09/02/2016 06:58:00 +07:00

Những dịch vụ tranh thủ 'chặt chém' những ngày Tết Âm lịch

(VTC News) - Tranh thủ những ngày Tết với nhu cầu vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi của người dân tăng cao, không ít dịch vụ tranh thủ tăng giá lên gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ngày thường.

1. Dịch vụ trông giữ xe

Thông thường dịp Tết Âm lịch, các bãi trông giữ xe tại các khu vực hội chợ, công viên, hàng quán, khu vui chơi hay đền chùa lúc nào cũng đông đúc, thậm chí vào giờ cao điểm rất nhiều bãi còn không nhận thêm vì hết chỗ.
Dù có rất nhiều các bãi trông gửi xe tự phát mọc lên thêm, thậm chí một số nhà dân quanh khu vực đông người vui chơi cũng tự treo biển nhận trông xe ngày Tết mà người dân vẫn không đủ chỗ để gửi xe.

Trong khi đó, giá trông giữ xe ban ngày vào các ngày Tết có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp năm lần so với ngày thường, dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/xe máy, 100.000 - 120.000 đồng/ô tô.

2. Dịch vụ ăn uống

Những ngày Tết, rất ít cửa hàng ăn uống mở cửa nên một khi đã xuất hiện một quán ăn hay một nhà hàng mở hàng sớm, là đồng nghĩa với việc các thực khách sẽ rất dễ bị "chặt chém".
Các quán bánh cuốn, bún phở... đặc biệt là các quán nhậu sẽ tăng giá từ 20 - 30% so với những ngày trong năm để ép giá khách hàng.

Hơn nữa, sẽ có không ít quán lợi dụng lý do "Tết nhất" để tăng giá lên gấp đôi, song đắt đỏ như vậy nhưng chất lượng của món ăn lại không được ngon hoặc đầy đặn như ngày thường.

Chưa kể các quán ăn này còn thường xuyên tấp nập khách do người dân đi chơi Tết về tiện đường ghé vào ăn để thỏa cơn đói, hoặc để đổi vị thay cho món bánh chưng hay xôi thịt gà ở nhà.

3. Bán đồ thắp hương tại đền chùa

Những ngày đầu năm, nơi nhiều người đổ về nhất phải kể tới các khu đền chùa hoặc các khu di tích văn hóa.

Do đó, các quán hàng bán đồ thờ cúng như hoa quả, trà nước, hương nhang, vàng tiền... trước các cổng đền chùa cũng tăng giá bán.
Thậm chí dịch vụ tiền lẻ dù bị cấm nhưng vẫn xuất hiện một cách công khai tại một số hàng quán, với mức giá trao đổi phổ biến là 10 "ăn" 8 hoặc 10 đổi 9, tùy theo loại tiền đã qua tay hay tiền vẫn còn mới cứng, cùng dãy seri.

Một số dịch vụ khác cũng đua nhau "chặt chém" khách ở đền chùa là dịch vụ xem bói, gieo quẻ hoặc xin bùa, xin chữ... với mức giá cũng đắt hơn nhiều so với ngày thường.

4. Dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn

Giá nhà nghỉ, khách sạn trong dịp Tết cũng sẽ bị đội lên "kha khá" so với ngày thường, đặc biệt là tại những thành phố lớn hoặc các khu du lịch.
Theo ghi nhận tại một số nơi như thành phố Đà Lạt, giá khách sạn đã tăng khoảng 200%, thậm chí có nơi tăng 400%, tuy nhiên đã không còn phòng trống từ trước Tết gần một tháng.

Khảo sát tại những nhà nghỉ nằm xa khu vực nội thành hơn thì hầu hết giá phòng dịp tết cũng đã được thông báo tăng ít nhất 100 - 350% so với ngày thường.
Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn