Những “cột mốc sống” nơi cửa ngõ Hoàng Sa

Tổng hợpThứ Năm, 28/03/2013 10:18:00 +07:00

Lý Sơn không chỉ được biết tới như “sân sau” của bản “Quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”.

Lý Sơn không chỉ được biết tới như “sân sau” của bản “Quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”. Nhìn trên bản đồ, hòn đảo tiền tiêu này là điểm gần nhất với quần đảo mang tên “bãi cát vàng”, với những đảo chìm đảo nổi luôn quặn đau, khắc khoải trong trái tim những con dân đất Việt. Mặc hiểm nguy luôn chực chờ, rình rập, những ngư dân Lý Sơn hôm nay vẫn kiên trung bám biển. Ðể mỗi con tàu đánh bắt trở thành một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền. Như lời khẳng định khắc cốt ghi xương của “sói biển” Mai Phụng Lưu: “Hoàng Sa là của ông bà tôi, nơi có xương máu tổ tiên tôi đổ xuống”.

Cánh đồng trồng tỏi của Huyện Lý Sơn

Đến với Lý Sơn là đến với miền đất linh, nơi bóng dáng những hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa còn hiển hiện khắp nơi nơi. Trong những đình - chùa miếu mạo, trên những thư tịch cổ, trong những cuốn gia phả lưu giữ tại các ngôi nhà thờ dòng họ… Âm Linh Tự ở xã An Vĩnh, miếu thành hoàng ở Ðình làng An Hải cùng thờ lính Hoàng Sa. Rồi đình làng An Vĩnh - nơi xưa kia tổ chức lễ khao lề thế lính. Nhà thờ họ Phạm và nhà thờ họ Võ (thôn Tây, xã An Vĩnh) lưu giữ nhiều tài liệu, gia phả liên quan đến cai đội Phạm Quang Ảnh cùng những người lính thú. Dinh ông Thắm thờ cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết…

Tấm bia đặt trên những nấm mộ chiêu hồn ghi khắc những cái tên đã đi vào sách sử như Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật, Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên, Suất đội thủy sư Phạm Văn Biện và những người dẫn đường nổi tiếng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Ðặng Văn Siểm... “Tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, ngang dọc chí nam nhi, phong ba dồn dập. Quyết bảo vệ biên cương bờ cõi, Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định….” (trích Văn tế Hải đội Hoàng Sa). Nhiều hòn đảo ở Hoàng Sa đã mang tên họ từ ngày ấy, như đảo Quang Ảnh, đảo Hữu Nhật… Sống giữa những trang sử quá khứ rất đỗi bi hùng ấy, thấy hiểu thêm tâm sự của những ngư dân Lý Sơn hôm nay: “chẳng lẽ cháu con lại thua các cụ”.

Nhắc tới Lý Sơn, người ta nghĩ ngay tới cụm từ “vương quốc tỏi”. Gạn lọc chút dưỡng chất ít ỏi từ lớp cát biển pha vôi, cây tỏi bé nhỏ nhọc nhằn lớn lên. Lá héo quắt vì nắng gió mặn mòi, vì thiếu nước ngọt tưới tắm. Bao nhiêu khốn khó, bao nhiêu tinh hoa chắt lọc từ lớp cát biển chát mặn đã dồn hết vào củ tỏi bé xíu, thơm dịu. Và dâng tặng cho đời một thương hiệu gia vị quý giá – tỏi Lý Sơn. Người Lý Sơn, đen sạm, khắc khổ giữa nắng gió mặn mòi, giữa ràn rạt cát trắng. Người Lý Sơn, lớp cha trước, lớp con sau bám trụ với hòn đảo khốn khó, thiếu thốn trăm bề.

Và người Lý Sơn không một lần nhen nhóm ý định bỏ mảnh đất ôm ấp trong mình bao ngôi mộ chiêu hồn, của nhiều thế hệ đã gửi thân xác vào sóng nước Hoàng Sa. Cho dù vào đất liền, cuộc mưu sinh của họ sẽ đỡ phần nhọc nhằn. Những người đàn bà Lý Sơn sẽ không còn thon thót cảm giác bất an, khi tin bão khẩn cấp cứ oang oang trên hệ thống loa truyền thanh mà tàu thuyền đánh cá của chồng con mình vẫn “bóng chim tăm cá”. Ông Lê Khuân – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh nói như đinh đóng cột: “Ở đây toàn dân gốc Lý Sơn nhiều đời, rất hiếm người từ nơi khác ra đây lập nghiệp. Nhiều người hỏi, cực khổ vậy sao không tìm cách chuyển vào đất liền sinh sống? Nói thật với nhà báo, sao bỏ mồ mả cha ông lại cho được”.

 Ông Phạm Thoại Tuyền bên cậy sộp mà ông đặt tên "Chinh phụ Hoàng Sa"

Trong mấy ngày lang thang trên đảo, giữa màn mưa trắng trời mờ mịt của cơn bão đang sầm sập tiến về, tôi đã ngồi trò chuyện rất lâu với ông Phạm Thoại Tuyền (thôn Ðông, xã An Vĩnh), hậu duệ đời thứ năm của Suất đội - Chánh Ðội trưởng thuỷ quân Phạm Hữu Nhật. Cụ được vua Minh Mạng sắc phong vào năm 1836, khi đưa những hùng binh của Ðội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đo đạc thuỷ trình, cắm mốc lãnh thổ. Như một pho sử sống về hòn đảo giàu truyền thống này, ông dắt tôi ra vườn cây cảnh trước nhà, chỉ cho tôi chậu cây sộp mang cái tên Chinh phụ Lý Sơn.

“Cô thấy không, dáng cây nhẫn nại, chịu đựng trong nỗi khắc khoải, đợi chờ. Tôi nhận ra hình ảnh ấy tương đồng với những người phụ nữ nơi đây, khi dõi mắt trong vô vọng đợi người đàn ông thân yêu nhất của mình trở về” – ông trầm ngâm. An toàn, khoẻ mạnh với khoang thuyền trĩu cá thì thở phào nhẹ nhõm. Ðen đủi hơn thì mất tàu, đắm thuyền, bị tịch thu ngư khí cụ, bị bắt cóc đòi tiền chuộc… những hiểm nguy luôn rình rập trên mỗi chặng hải trình. Và đỉnh điểm của bi kịch, có những người mãi mãi không bao giờ trở về. Vì bão tố, vì tàu lạ tấn công, vì vô vàn những bất trắc không thể lường hết giữa mênh mông biển cả.

Tôi nhớ mãi cảm giác nhói lòng khi được đọc những dòng ghi chép của nhà thơ Văn Công Hùng, khi ông phát hiện nỗi ảm ảnh ẩn chứa trong những đôi mắt đàn bà Lý Sơn. “Ðời này sang đời khác, trăm năm này qua trăm năm khác, khi chồng ra khơi chỉ còn biết ngóng ra biển và chờ… Cứ dõi mắt như thế, độc thoại như thế, mẹ truyền sang con, những đôi mắt trở nên thẳm sâu, thắc thỏm như chính lòng họ, nước mắt trong nước mắt”. Những “chinh phụ Lý Sơn” – như cách gọi của ông Tuyền gợi cho tôi nỗi cảm phục lớn lao. Tình yêu và sự chờ đợi bền bỉ của họ có lẽ chính là động lực lớn nhất giúp những ngư dân nơi đây kiên cường bám biển bao năm rồi.

 Mô hình thuyền dùng đi biển của Hải đội Hoàng Sa (trưng bày tại Bảo tàng)

 Trong câu chuyện với những ngư dân, thợ lặn Lý Sơn, tôi hay được nghe cụm từ “tụi tôi quen rồi, hiểm nguy riết rồi cũng thấy bình thường”. Tàu đắm, tàu chìm, tàu bị tịch thu – thì mua mới, đóng lại tàu khác. Người chết, người bị tai nạn – đau đớn đấy, đứt ruột đứt gan đấy rồi người còn sống, còn khoẻ mạnh lại tiếp tục ra với biển cả. Không hoa mỹ như những lời báo giới dành tặng, suy nghĩ của họ rất giản dị: “Tụi tôi chỉ có nghề đi biển, không đi lặn, không đánh bắt thuỷ hải sản thì biết sống bằng gì. Vả lại, bao thế hệ ông cha đã hi sinh tính mạng để cắm mốc chủ quyền ngoài đảo Hoàng Sa. Lớp con cháu chẳng lẽ lại thua các cụ?”

Nhìn vào danh sách chưa đầy đủ những ngư dân huyện Lý Sơn bị tai nạn, thiệt hại về người và của khi đánh bắt tại Hoàng Sa (do hai nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải và An Vĩnh thống kê), sơ sơ xã An Vĩnh có tới 12 người lặn bị liệt, 12 người chết vì tai nạn trên biển, một tàu chìm, một bị tịch thu ngư khí cụ. Với xã An Hải, sáu ngư dân chết và tám người bị thương vì tai nạn trên biển, bốn tàu bị chìm, bốn bị tàu nước ngoài bắt và tịch thu tàu. 

Hơn hai năm trước, 12/2010, tàu cá QNg  – 66192TS do thuyền trưởng Lê Minh Tân điều khiển cùng năm thuyền viên đã mất tích trên biển. Nhìn thấy họ lần cuối là những bạn nghề trên tàu QNg 9029TS, khi chạy qua khu vực đảo Bom Bay (Hoàng Sa). Trên đảo lại có thêm sáu ngôi mộ chiêu hồn mang những cái tên nhức nhối: Lê Minh Tân, Hồ Văn Lâm, Nguyễn Hoàng, Trần Văn Lành, Trương Văn Tiến và Nguyễn Ðảng. 

Nhưng những ngư dân can trường mà tôi đã gặp đều không cho phép mình nản chí. Anh Mai Văn Có, hiện là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải kể: “Năm 2001, tàu của tôi từng bị tàu Trung Quốc tấn công, ba người cùng con tàu bị giữ lại trên đảo Phú Lâm, bảy người được thả về để xoay xoả khoản tiền chuộc lên tới 6200 USD. Tôi nhớ, mỗi người phải lo hơn chục triệu đồng, số tiền ngày ấy lớn lắm. Lôi tàu về, sơn sửa lại rồi tiếp tục ra khơi. Mười người trên tàu ngày ấy, đến giờ vẫn chưa ai bỏ biển”.

Với anh Nguyễn Thanh Lâm (thôn Ðông, xã An Hải), những tháng ngày bám biển để lại trong anh nhiều ký ức buồn. Từng bị tàu nước ngoài đâm chìm, anh cùng 17 thuyền viên lênh đênh trên biển cả ngày trời mới được cứu thoát. Thế nhưng, chỉ một tháng sau, bạn nghề đã thấy Lâm giong chiếc tàu cũ mua lại với giá 950 triệu hướng ra phía biển.

Vậy mà trời không chiều người, mới đi được hai chuyến, trong một lần lòng vòng tránh bão, tàu trôi dạt vào hải phận Malaysia. Bị lực lượng cảnh sát biển bắt, tàu bị tịch thu, thuyền trưởng phải ngồi tù chín tháng, Lâm trở lại Lý Sơn với đôi bàn tay trắng, nợ nần ngập đầu. May mắn làm sao, Quỹ Tấm lòng vàng của báo Người lao động trợ giúp Nghiệp đoàn nghề cá ba tỷ đồng. Số tiền đó đã được hội nghề uỷ quyền cho Thanh Lâm, để anh lại có cơ hội tiếp tục ra khơi, trên một con tàu mới.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Khi tôi gặp Lê Văn Cương – Thuyền trưởng tàu QNg 96617, anh đang là học viên lớp đào tạo thuyền trưởng -  máy trưởng do Sở LÐTBXH Quảng Ngãi và UBND huyện Lý Sơn phối hợp tổ chức. Ðã 25 năm vươn khơi, bám biển nhưng ký ức vụ đắm tàu làm ba người thân trong gia đình thiệt mạng giữa năm 1992 vẫn khiến anh đau đớn.

Tàu có 11 người thì chỉ hai may mắn sống sót (trong đó có anh). Chín ngư dân (trong đó có bố đẻ, em rể cùng em vợ) đã vĩnh viễn nẳm lại giữa biển khơi. Anh bảo, phải mất hơn một năm, cả gia đình mới vượt qua được cú sốc đại tang quá lớn. Vợ anh, thậm chí từng kiên quyết bắt chồng chuyển nghề, vì sợ không chịu nổi áp lực tâm lý quá nặng nề. Vậy mà chỉ sáu tháng sau, Cương đã lại đóng mới con tàu 30 mã lực, bằng toàn bộ số tiền vay mượn được của bà con họ tộc.

Anh lại ra biển, lại lặn xuống dưới những rạn san hô bắt con vú (một loại hải sâm), như sáu đời cha truyền con nối giữ nghề. Cương nhớ những năm 1990 – 1991, anh cùng các ngư dân còn trèo lên những hòn đảo nổi ở Hoàng Sa để hái trái cây, kiếm đồ ăn. “Nơi ấy, cụ tổ của tôi đã từng đánh bắt, bố và các em tôi đã gửi thân xác, tôi đâu thể rời bỏ dễ dàng. Còn sức lực ngày nào, tôi còn ra với Hoàng Sa”.  

Ngay tại bến tàu xã An Hải, tôi bắt gặp hình ảnh hàng trăm tàu cá neo đậu san sát, với đỏ rực sắc cờ Tổ quốc. Tảu nhỏ treo một lá, tàu to tới hai ba lá. Bạc phếch vì nắng gió mặn mòi – có. Mới toanh, thắm đỏ còn nguyên nếp gấp cũng có. Chưa ở đâu, sắc Quốc kỳ lại trở thành ngọn lửa giúp ấm lòng ngư dân đến vậy. Tò mò hỏi vài lãnh đạo huyện đảo, rằng việc ngư dân treo cờ có phải do sự chỉ đạo từ trên? Tất cả đều lắc đầu và cười, câu trả lời là người dân nơi đây hoàn toàn tự nguyện.

Thuyền trưởng tàu QNg 96337 kiêm thợ lặn Phùng Văn Giỏi (thôn Tây, xã An Vĩnh) kể: “biết treo cờ Tổ quốc khi ra ngoài vùng biển đang tranh chấp là có thể nguy hiểm nhưng chúng tôi không sợ. Cùng lắm, khi thấy bóng tàu lạ từ xa là chúng tôi chọn cách cuốn lá cờ lại, ra đến chỗ an toàn là cờ lại phấp phới tung bay. Mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc chủ quyền, còn gì đẹp hơn khi trên mỗi cột mốc ấy lại có thêm sắc đỏ thắm như đất mẹ đang cận kề”. Cũng anh Giỏi, sau chuyến lặn biển đã kỳ công khuân một cái vỏ ốc to bằng cái chậu về đặt ở góc sân. “Nó nhắc tôi luôn nhớ đến Hoàng Sa, nhắc tôi không bao giờ được rời bỏ biển đảo quê hương” – anh nói.   

Như lời ông Phạm Thoại Tuyền: “Người Lý Sơn bám biển như một lẽ đương nhiên. Họ vừa đánh bắt, vừa là những người lính giữ đảo, giữ chủ quyền lãnh thổ với hai ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa. Cha ông hi sinh là thế, lớp sau thấy vất vả, hiểm nguy mà nhụt chí, không ra biển nữa là mất hết. Biển Ðông đang dậy sóng, những ngư dân của đảo càng phải ra khơi, với tinh thần của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Mãi mãi sẽ là như thế”. 

Bài: Huyền Nga - Ảnh: Hoàng Nguyên


Bình luận