Những chuyện thú vị ở vựa cá lớn nhất Đông Dương

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 11/06/2015 04:31:00 +07:00

Giữa mênh mông trời nước, nhìn mãi không thấy bờ ấy, Tonle Sap (Biển Hồ) có vô số chuyện thú vị.

Giữa mênh mông trời nước, nhìn mãi không thấy bờ ấy, Tonle Sap (Biển Hồ) có vô số chuyện thú vị.


Không chỉ có những thần tích, những ngôi đền huyền bí, nền văn minh Angkor rực rỡ, đất nước Chùa Tháp còn có một Tonle Sap (Biển Hồ) rộng đến 16 ngàn km2 vào mùa mưa, là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Giữa mênh mông trời nước, nhìn mãi không thấy bờ ấy, Tonle Sap có vô số chuyện thú vị...

Nằm trên địa bàn 6 tỉnh và thành phố của Vương quốc Campuchia và có hình dáng một như một con ốc sên đang bò trên vỏ Trái đất, Biển Hồ không chỉ là khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng toàn cầu, mà còn là một vựa cá khổng lồ, cung cấp 70% thức ăn thủy sinh và 60% lượng đạm cho cả đất nước Chùa Tháp, và nguồn mưu sinh cho hàng ngàn ngư dân khu vực ĐBSCL của Việt Nam.

Xuất phát từ trung tâm TP HCM lúc 6 giờ 30 phút sáng, vượt gần 300 km, tôi đến Phnom Penh, thủ đô Vương quốc Campuchia. Từ đây, tôi được anh bạn dẫn đường, đi tiếp gần 300 cây số nữa. Mãi đến khi màn đêm buông xuống, chúng tôi mới đến bến xe Xiêm Riệp.

“Mình nghỉ lại sáng mai đi sớm. Từ đây đến cửa ngõ ra Biển Hồ chỉ còn khoảng hơn chục cây số nữa thôi. Nhưng muốn ra ngoài đó phải đi thêm một chặng nữa bằng thuyền máy. Mà giờ chắc không có thuyền ra đâu”, anh bạn nói.

Cá ở Biển Hồ được gom cho thương lái 

Chúng tôi thuê một căn phòng trong khu nhà nghỉ tương đối sạch sẽ, có đủ máy lạnh, tủ lạnh gần bến xe với giá khá bình dân, 11 USD/phòng 3 giường.

Mờ sáng, chúng tôi bước ra khỏi phòng, đã thấy chiếc xe tuk tuk chờ sẵn. Bác tài xe tuk tuk là người Việt tên Hưng, 54 tuổi, “mối” quen của anh bạn tôi.

Anh Hưng cho biết, trước khi gắn với chiếc tuk tuk này, anh cũng là ngư dân, dãi dầu sương gió trên Biển Hồ, từng thấy nhiều loài thủy quái “khủng” ở Biển Hồ như cá sấu, trăn, rắn, các loài cá như chép vàng, tra dầu, cá hô khổng lồ, đặc biệt là loài cá quý huyết rồng.

“Tính đến tôi thì gia đình có 3 đời gắn bó với con thuyền, lênh đênh trên mặt nước. Riêng tôi, từ 5-6 tuổi đã bơi như rái cá, và là một người có thể nói là “sát cá”, nên tôi có thể kể tên chính xác các loài cá ở Biển Hồ.

Hồi xưa, Biển Hồ nhiều cá quý như cá hô, huyết rồng... Hồi còn sống, cha tôi từng bắt được những con cá tra nặng hơn 2 trăm ký”, anh Hưng kể.

Tôi hỏi: “Giờ những con cá lớn vậy còn nhiều không?”. Anh Hưng đáp: “Vẫn còn nhưng không nhiều như trước. Ở khu chợ cá Kompong Chnang lâu lâu người ta vẫn bán những con cá lớn cả trăm ký. Nếu các anh muốn đến khu chợ này, tôi sẽ dẫn đi”.

Đường xuống ghe ra Biển Hồ 

Theo anh Hưng, chợ cá Kompong Chnang bắt đầu nhóm họp từ 10 giờ đêm đến sáng hôm sau, là nơi tập trung sản vật được đánh bắt ở Biển Hồ, là chợ cá lớn nhất xứ Chùa Tháp.

Từ đây, các sản vật vùng lũ gồm tôm cá cua ốc các loại tươi sống lẫn cá được nhốt trong những phuy nước sủi khí ôxy được vận chuyển khắp Campuchia.

Sau khoảng 30 phút ngồi xe tuk tuk, chúng tôi đến cửa sông. Từ đây, chúng tôi được lão ngư tên Bảy Mạnh, 65 tuổi, đưa đi trên chiếc ghe máy của gia đình.

Ông Mạnh bảo: “Nếu đi theo cách phổ thông, các chú phải bỏ ra 20 USD mua vé ở Sở Du lịch Xiêm Riệp để đi thuyền máy thêm 10km trên luồng, mới đến Biển Hồ”.

Ông Mạnh cho biết, ông từng không ít lần bắt được cá khủng, nặng hàng trăm ký tên Biển Hồ. “Hồi trẻ, tôi còn bắt cả cá sấu nữa kia. Có lần theo con nước của dòng Mê Kông sang Thái Lan, tôi bắt được con cá hô nặng đến gần 300 ký”.

Bắt đầu vào mùa mưa, nước Biển Hồ cuộn dòng đỏ ngầu, lũ từ thượng nguồn đổ về kéo theo bạt ngàn bèo tây, chúng quấn chặt từng căn nhà nổi và bít kín lối đi, khiến chiếc ghe của ông Mạnh lâu lâu lại gầm lên, xả khói mịt mù.

Bên bờ dọc đường đi, là những dãy dài các nhà tạm bợ, ông Mạnh bảo, đó là “nhà cõng”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông Mạnh cười giải thích: “Vào mùa nước nổi, nước nổi đến đâu người ta phải “cõng” nhà lên cao đến đó để tránh ngập nên gọi là “nhà cõng”.

Cửa ngõ vào Biển Hồ, nơi có nhiều người Việt sinh sống 

Trên đường đi, lão ngư nhiều lần tấp vào những ghe đang rẽ nước. Trong khoang, đầy ắp cá các loại, từ vài ký đến chục ký, đang quẫy nước tung tóe. “Cỡ này thường thôi, loại vài ba chục ký cũng không hiếm”, anh ngư dân trẻ nói trong tiếng gió ngàn ngạt.

Nhưng không chỉ có những ghe thuyền đầy cá, trên đường vào khu người Việt ở Biển Hồ, còn rất nhiều những chiếc xuồng khác. Bên trên có những đứa trẻ, “choàng” trên vai một con trăn khá to, cái đầu con trăn ngoe nguẩy.

Ông Mạnh nói: "Đó là trăn Biển Hồ, một loài vật quý, thiêng, và cũng là niềm tự hào về đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO tôn vinh này.

Báo chí đưa tin, người Campuchia ven hồ từng tổ chức lễ cưới cho các nàng và chàng trăn Tonle Sap, mỗi vị hôn phu dài tới gần 5m, hiền khô. Những đứa trẻ này dùng con trăn để biểu diễn vài trò tiêu khiển cho khách rồi sau đó mời chào khách mua hàng".

Sau 2 giờ ngồi xuồng, chúng tôi ra đến cửa sông đổ ra Biển Hồ. Trước mắt tôi là một không gian rộng lớn, nước mênh mông ngút mắt. Chạy thêm ít phút, ghe đến làng người Việt trên Biển Hồ.

Ở đây, chúng tôi gặp và có cuộc trò chuyện khá thú vị với ông Võ Văn Đầy, Hội phó Hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Xiêm Riệp về các loài cá khổng lồ được mệnh danh là “vua”, là “ông hoàng”, "nữ hoàng" của các loài cá nước ngọt đến từ dòng Mê-kông hùng vĩ.

“Không chỉ ngon tuyệt đỉnh, thức ăn của cá hô chủ yếu là rong rêu, mổ bụng ra chẳng thấy cá con hay các loài tôm cua ốc nhỏ gì khác. Và mặc dù có con nặng hàng trăm ký, nhưng lại rất hiền. Chính vì thế, dân mình mới đặt cho nó tên là cá thầy chùa.

Ông Võ Văn Đầy (phải) và các ngư dân người Việt ở Biển Hồ 

Tại ngã ba sông Vàm Nao (An Giang), lâu lâu người ta cũng may mắn bắt được cụ cá hô khủng, đó đều là cá từ Biển Hồ theo dòng chảy về”, ông Đầy cho biết. “Nghe nói Biển Hồ có loại cá huyết rồng là quý nhất phải không chú?”. Nghe tôi hỏi, ông Đầy chỉ sang người đàn ông ngồi bên cạnh nói: “Đúng rồi! Đây, nhân chứng sống đang ngồi đây”.

Người ông Đầy giới thiệu là ông Lê Toài, 56 tuổi, một trong những thợ săn huyết rồng kỳ cựu, nay gần như đã “gác kiếm”.

Ông Toài cho biết, lúc trước ông là một trong những người chuyên săn cá khủng, trong đó có huyết rồng. Nhưng lâu nay, không thấy loài cá quý này xuất hiện, nhiều lần đi về tay không nên ông chán, không săn nó nữa.

“Nếu muốn thì tối nay tôi sẽ đưa các chú đi săn huyết rồng một buổi cho biết. Chỉ sợ về tay không. Nhưng Biển Hồ còn nhiều chuyện thú vị khác chứ đâu chỉ có cá huyết rồng”, ông Toài nói.

Không ăn cá "thiếu nhi"


 “Trước đây cá ở Biển Hồ rất nhiều, nhất là vào mùa khô, nước ở các nhánh sông đổ vào Biển Hồ rút đi để lại vô vàn các loài cá, ngư dân chỉ cần dụng cụ thô sơ cũng có thể đánh bắt được. Còn các loại cá quý như cá hô khổng lồ cũng rất nhiều, cá trên 100 ký như cá đuối gai, cá sấu, cá hô, cá tra dầu... đánh bắt được thường xuyên. Nhưng giờ cá cũng khan hiếm dần vì người ta đánh bắt tràn lan, tận diệt như nổ mìn, thả thuốc đã khiến Chính phủ Campuchia phải vào cuộc để có biện pháp bảo vệ”, ông Võ Văn Đầy.
Như đã hứa ban đầu, sau những ngày lang thang quanh Biển Hồ, chúng tôi được anh Hưng đưa đến thăm 2 ngôi chợ đầu mối thủy sản Biển Hồ là chợ Urussey, nằm giữa lòng Phnôm Pênh và chợ Chpaum ở khu Đồng Nhà Cháy ven sông Ba Sac, nơi tập trung khá đông người Campuchia gốc Việt và Hoa sinh sống.


Tôi ấn tượng với những đống tôm, cá, cua chất ngất. Và, con nào con nấy to tướng, đều nhau chứ không có loại “thiếu nhi”, những con cua được buộc bằng dây ni lông chứ không phải dây vải hay dây bằng vỏ cây, thấm nước. Thú vị là người bán hàng rất vui vẻ, không khó chịu khi khách đến xem, chụp hình thoải mái mà không mua.

Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 3 giờ đồng hồ đảo qua 2 ngôi chợ nằm cách nhau gần 10km, tuy thời gian khám phá chợ lạ ở Phnôm Pênh khá ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi nhận thấy điều ấn tượng nhất là trong hằng hà sa số sản vật sông nước Biển Hồ được bày bán ở 2 ngôi chợ này, nhưng tuyệt không thấy các loại cá con như rô bí, ròng ròng (cá lóc con).

Anh Nguyễn Tuấn, thầy giáo người Việt Nam sang khu Đồng Nhà Cháy ở sau chợ Chpaum mở lớp học tình thương cho con em kiều bào, cho biết, người bản xứ không có thói quen ăn cá con, vì họ tâm niệm cá ấy còn phải lớn, ăn cá con như thế là tận diệt: “Cá con mới tí tẹo đã lùng bắt ăn sạch, thì mai này còn có gì mà ăn, mà bắt”.

“Tôi từng về Việt Nam, từng đi các chợ quê ở miền Tây, chợ nào cũng thấy người ta bày bán những thau cá con đủ loại, loại cá ròng ròng còn được coi là đặc sản. Để bắt ròng ròng, họ bắt luôn cả con lẫn mẹ, hốt nguyên ổ, phương tiện đánh bắt cũng vô cùng phong phú và mang tính hủy diệt như lưới cào (cà sát đáy, bắt tôm cá lớn nhỏ không tha), đổ thuốc, xiệc điện... thì ở Biển Hồ, đó là chuyện không tưởng.

Chợ cá bên Biển Hồ 

Tôi sống ở Biển Hồ 10 năm trước khi về Phnôm Pênh nên biết chính quyền ở đó bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản kỹ lưỡng lắm. Anh đã gặp chú Sáu Đầy, Phó chủ tịch Hội người Việt tại Xiêm Riệp rồi, chắc anh rõ”, anh Tuấn nói.

Nói về quy định đánh bắt cá ở Biển Hồ, ông Võ Văn Đầy cho biết: “Ở đây, vào mùa mưa nước lên, chính quyền cho bà con đánh bắt thoải mái. Nhưng khi mực nước đứng, mưa tạnh, vào mùa cá đẻ, ai cố tình thả lưới, họ bắt được, họ phạt nặng lắm. Không chỉ tịch thu toàn bộ ngư cụ, từ lưới đến ghe, mà còn phạt rất nhiều tiền. Ai bị coi như hết đường sống”.

Ông Đầy kể, ở vùng lõi Biển Hồ, có khu vực đặc biệt là cánh rừng ngập nước mênh mông dành cho cá quần tụ về đẻ. Khu vực đó, chính quyền cấm mọi hành vi xâm nhập.

“Ở đâu không biết chứ ở khu vực đó, ý đồ câu trộm, thả lưới lén lút này nọ là chuyện không tưởng. Nếu thấy mình bén mảng đến, không biết là vì lý do gì, lực lượng bảo vệ sẽ nổ súng ngay, chết ráng chịu. Luật pháp của chính phủ rất nghiêm, ngoài mùa đánh bắt, ai vi phạm vào khu vực cấm đánh bắt tùy mức độ có thể bị xử phạt, đưa đi học luật bảo vệ môi trường hay tạm giam.

Nếu thấy bất kỳ ai lảng vảng ở khu vực cá đẻ đánh bắt bằng các phương pháp hủy diệt thì những người canh gác sẽ nổ súng không nương tay. Nhờ luật nghiêm như vậy mà đến nay Biển Hồ vẫn giữ được vị thế là vựa cá lớn nhất Đông Nam Á, nuôi sống hàng triệu người ở Campuchia và Việt Nam, nếu không bảo vệ nghiêm ngặt thì...”, ông Đầy cho biết.

Tôi hỏi: “Ở đây vào mùa đánh bắt, người ta có quy định mắt lưới rộng bao nhiêu không chú?”. Ông Đầy đáp: “Đương nhiên rồi, chú ra chợ thì thấy, các loại thủy sản có con nao nhỏ đâu. Mà cá nhỏ quá, chẳng ai mua, nên có bắt cũng chẳng có ích gì!”.
Bảng quy định về đánh bắt cá ở Biển Hồ 

Cá trên 20 kg không bắt

Tôi ngỏ ý muốn đến khu vực lõi nơi cá đẻ nhưng ông Đầy và những ngư dân bên cạnh đều từ chối thẳng thừng. Ông Sáu Đầy bảo, đó là vùng cấm, nhờ bảo quản kỹ theo kiểu “ngoại bất nhập” nên binh tôm tướng cá mới có nơi tá túc an toàn, rồi sinh sôi nảy nở để khi con nước lớn, cá theo dòng chảy mà lớn nhanh, rồi đổ khắp Biển Hồ, đổ ngược về Đồng bằng sông Cửu Long.

Không đưa tôi đến vùng rốn cá đẻ nhưng qua lời mô tả của những ngư dân, tôi có thể hình dung khu vực cá trú ngụ bất khả xâm phạm là khu rừng bán ngập nước cây cối um tùm.

“Khi cá mẹ trở mình, trứng sẽ bám vào cành cây, lá cây, rễ cây chứ không bị dòng nước cuốn đi. Chính vì thế, số lượng cá con sinh ra được bảo toàn khá cao. Bên cạnh nguồn thức ăn dồi dào, cá sinh sôi nhiều và lớn rất nhanh”, nhóm ngư dân trên phân tích.

Theo những ngư dân ở đây, quanh Biển Hồ có rất nhiều rừng cây ngập nước là nơi cá đẻ được người dân trong vùng hết sức gìn giữ, không bẻ chỉ một nhánh cây.

Ông Đầy cho hay, các loài cá mẹ khủng thường ẩn trong những cánh rừng ngập nước, nương náu dưới những lùm cây, hốc rễ cây dày đặc như ma trận. Anh ngư dân tên Út Đẹt, người chuyên hứng cá ở Biển Hồ cho biết, ngư dân bản xứ khi thả lưới, gặp cá hơn 20 kg trở lên là người ta không bắt mà thả ra.

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Út Đẹt giải thích: “Người bản xứ quan niệm cá lớn như thế là những vị linh thần của sông Mê-kông, nên gọi kính cẩn là “ông cá”. Một khi lưới dính ông cá bao giờ cũng dính nhiều cá nhỏ, nên phải cúng ông để tỏ lòng biết ơn. Bên cạnh đó, họ cũng nghĩ, cá lớn sẽ đẻ nhiều, ăn thịt nó thì sẽ mất nhiều cá”.

Để hiểu hơn về Biển Hồ, chúng tôi đến khu Preak Toal, một khu làng nổi của người Khơmer thuộc tỉnh BatTambang, khu rừng bán ngập, nơi có khu bảo tồn tràm chim tụ hội đông đảo của một số loài chim hiếm quý, đồng thời là vương quốc cá. Tại đây có văn phòng Sở Bảo tồn Biển Hồ. Một nhân viên ở đây cho biết, khu Bảo tồn Sinh thái Biển Hồ được chia ra làm 3 khu, khu trung tâm, khu đệm, và khu chuyển tiếp.

Khu Preak Toal chúng tôi đi qua là hệ sinh thái đa dạng bao gồm những con suối, những hồ, các cánh đồng lũ, các loại thảo mộc đất sũng. Tất cả kết hợp tạo thành một hệ thủy học duy nhất của Biển Hồ, nuôi dưỡng một quần thể sinh học phong phú bao gồm vô số loại cá, các loại chim nước, các loài bò sát, loài lưỡng cư, các động vật có vú, các rong tảo và vi sinh vật.


Nguồn: Phúc Lập(Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn