Những chuyện kỳ lạ về tạo giống loài bạch mã ở Lạng Sơn

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 18/10/2010 06:08:00 +07:00

Đồng bào dân tộc ở xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn) có những "bí kíp" chăm ngựa bạch, tạo giống ngựa bạch, nấu cao ngựa bạch độc nhất vô nhị...

Xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn) là địa phương sở hữu nhiều ngựa bạch nhất Việt Nam với trên 130 con trong tổng số chừng 400-500 con ngựa bạch trên toàn quốc. Đặc biệt hơn, đồng bào dân tộc nơi đây còn có những "bí kíp" chăm ngựa bạch, tạo giống ngựa bạch, nấu cao ngựa bạch độc nhất vô nhị...


Chiều dần buông. Sương mù giăng mờ khắp các triền núi, một cảnh tượng lạ kỳ bỗng xuất hiện trên vùng cao Hữu Kiên. Hàng trăm con ngựa bạch ăn no cỏ sau một ngày vục mõm ở các bãi chăn thả trên rừng, chậm rãi tràn xuống núi. Chúng đi chật khắp các nẻo đường trong xã, thỉnh thoảng có con còn động cỡn, đuổi nhau, hí vang trời, tung vó như đá vào những làn mây trắng bồng bềnh, xôm xốp lúc này cũng sà thật thấp tưởng như chạm vào đá núi. Cảnh tựa chốn bồng lai. Theo sau lũ ngựa là đám mục đồng vừa đi vừa nhẩn nha từng quả sim chín hái trên triền đồi hồi chiều, nhét căng phồng túi áo, túi quần. Tiếng lục lạc rổn rảng khua trong gió. Cứ thế, lũ ngựa nhớ đường, nhớ ngõ tự động trở về chuồng.

Nghề nuôi ngựa từ lâu rất phát triển ở Hữu Kiên, hiện địa phương này có trên 700 con ngựa, đặc biệt hơn trong đó có khoảng trên 130 con là ngựa bạch - một giống ngựa quý mà giá một con khi bán có thể đánh đổ chục con ngựa thường. Vậy "tấm thẻ căn cước" của con bạch mã có gì đặc biệt? Ngựa bạch phải hội tụ các yếu tố sau: Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa. Các lỗ tự nhiên (lỗ ở bộ phận sinh dục, mũi, mõm) có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc.

Nghề nuôi bạch mã rất phát triển ở xã Hữu Kiên, Chi Lăng. 

Tôi còn nghe kể khá "hư hư thực thực" rằng vào giờ chính Tuất (20 giờ) dùng đèn chuyên dụng soi vào đồng tử ngựa bạch phải chuyển từ hình tròn sang hình dạng chữ nhật nằm ngang mới chính cống là ngựa bạch. Ngựa bạch nếu thiếu một trong những đặc điểm trên thì chỉ được gọi là ngựa kim, vì là sản phẩm F1 giữa ngựa bạch và ngựa màu, giá cả cũng theo đó mà giảm bớt đi rất nhiều. Những cặp ngựa bạch bố mẹ mua trong nước trị giá cỡ dăm ba chục triệu đồng nhưng với những giống ngựa bạch thuần chủng to khỏe, phải xỉa tiền ra mua ngót trăm triệu đồng. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện đã xuất hiện giống ngựa bạch Tây Tạng của Trung Quốc, hay cả loài ngựa bạch rất to lớn của Mông Cổ - giống từng có thời khua vó khắp thảo nguyên chinh chiến khắp đông tây nam bắc của Thành Cát Tư Hãn thuở nào.

Anh Nguyễn Văn Bờ, chủ nhân của 2 con ngựa bạch ở thôn Mạ A, xã Hữu Kiên kể với tôi rành rọt tập tính của ngựa bạch hệt như một nhà "ngựa học": "Tác phong của ngựa bạch chậm hơn ngựa thường nên mới nhìn tưởng chúng yếu sức nhưng thực ra không phải. Chúng đi lì hơn, tập tính cũng hiền hơn nên cũng ít xảy ra ẩu đả kể cả mùa động dục. Về đường ăn uống, ngựa bạch tuy quý hiếm nhưng cũng rất bỗ bã, chúng ăn tất cả những thứ cây cỏ mà ngựa thường có thể ăn được, thậm chí có người bảo tôi ngựa bạch không ăn được cây chuối như lợn nhưng tôi huấn luyện cho mấy con nhà tôi sau một tuần ăn ầm ầm chuối băm trộn lẫn cám".

Không chỉ thông thuộc tính cách của ngựa bạch, anh Bờ còn có những bí quyết cho ngựa thường sinh ra... ngựa bạch, rất độc đáo. "Ngựa bạch mẹ phối với ngựa bạch bố sinh ra ngựa bạch con là lẽ dĩ nhiên, không có gì để mà nói. Dân Hữu Kiên chúng tôi còn có cách cho ngựa thường sinh ra ngựa bạch nữa kia, ấy mới kỳ tài". Cách đó theo anh Bờ phải chọn những con ngựa cái hởi (màu vàng vàng), ngựa cái kim (màu đen trắng). Đấy mới chỉ là vòng sơ khảo, những con chọn được rồi ban đêm chủ nhân ra chuồng ngựa cầm đèn pin soi vào mắt ngựa, thấy mắt đỏ lừ như hòn than đang cháy mới giữ lại còn không phải đem loại. Những con ngựa hởi, ngựa kim có đặc điểm mắt đỏ ấy phối với ngựa bạch đực sẽ sinh ra ngựa bạch.

Ngựa bạch ở xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn. 

Còn một cách độc đáo nữa là cho ngựa bạch mẹ đem phối với ngựa đực thường cũng sinh ra ngựa bạch. Cách đó cũng là vạn bất đắc dĩ bởi dạo này nhiều tay săn ngựa nấu cao sục sạo vào tận Hữu Kiên lùng mua ráo riết ngựa bạch đực nên cả xã chỉ còn khoảng vài ba con ngựa bạch đực trưởng thành trên tổng số hàng trăm con ngựa bạch cái. Cán cân giới tính của đám bạch mã do đó chênh lệch nghiêm trọng nên ngựa bạch đực rất có giá. Những nhà có ngựa bạch cái vào thời kỳ động dục phải mất dăm ba trăm ngàn đồng mà cũng còn gãy lưỡi nài nỉ chủ ngựa đực để được "đặt gạch" xếp hàng, chờ đợi dài dặc hệt như cảnh mua thịt thời bao cấp.

Thế nên con ngựa bạch cái nhà anh Bờ chờ mãi, chờ mãi mà không được chủ ngựa bạch đực cho vào danh sách. Không được đực, nó bấn loạn, một lần động dục trên bãi chăn nó “quan hệ” bừa với một con ngựa đực thường. Anh Bờ, chủ nhân của con ngựa cái bất kham hoảng quá, chạy hộc tốc đến định can thiệp, "chia loan, rẽ thúy" nhưng quan sát kỹ thấy con ngựa đực thường đó có "cà" màu... bạch mới biết nó là con của một mẹ ngựa bạch lúc trước cũng phối với bố ngựa thường nên yên tâm hẳn. Quả thực trong tận huyết nản, tế bào của con ngựa bố thường ấy cứ trội trội, lặn lặn một đường gien kỳ diệu của ông bà, tổ tiên nên khi giao phối với con ngựa bạch cái nhà anh đã sinh ra một chú ngựa bạch rất đẹp. Nó đang gõ móng lốc cốc trong chuồng nhìn khách lạ là tôi.

Ngựa cứ trung bình khoảng năm rưỡi sinh một lứa, ngựa con 1 tuổi có giá khoảng 15 triệu đồng nhưng cũng chẳng mấy ai bán vì nuôi tiếp vài năm, khi nó trưởng thành là bán được 30-40 triệu ngay. Ngựa nấu cao phải từ 7-8 năm xương cốt phát triển mới lợi cao (được nhiều cao), cao mới tốt, đặc biệt là những con ngựa đực trên mười tuổi. Chúng có thể hình to cao, tích tụ đầy đủ những vi chất tinh túy trong từng tế bào, có giá đến 50-60 triệu. Thợ bình thường chẳng mấy khi dám mua loại ngựa cao tuổi dù biết nấu cao rất tốt nhưng dễ bị lỗ bởi giá mua cực đắt mà chỉ có những quan chức có máu mặt quen dùng tiền chùa hay doanh nghiệp ngoại tệ chật ví mới mua về nấu biếu khi muốn thắt chặt quan hệ.

Cổ nhân có câu "Khuyển mã chi tình" nghĩa là chó, ngựa rất có tình, bện hơi chủ. Chủ ngựa chải bờm, tắm rửa, bứt cỏ non cho chúng ăn hàng ngày nên chỉ cần nhìn thấy dáng chủ từ xa hay ngửi mùi mồ hôi quen thuộc là chúng hí, chúng vung vẩy đuôi, chúng rũ rũ bờm, mừng vui ra mặt. Thế nên có tục cổ ở Hữu Kiên là gần như chẳng bao giờ chủ tự tay thịt ngựa mà nếu có bán chỉ nhờ người khác đến dắt. Lúc thịt cũng kiêng không làm trong khuôn viên của nhà chủ mà phải xa tít ngoài bãi chăn thả, bởi hễ thấy cảnh cùm kẹp, chọc tiết con vật mình yêu quý đó, mấy ai cầm được nước mắt...

Nói về nghề nuôi ngựa bạch ở Hữu Kiên thật thiếu sót nếu không nhắc đến tay chăn ngựa có nghề Nguyễn Văn Mong cũng ở thôn Mạ A. Ông này có đàn ngựa bạch đông nhất xã, có lúc lên tới ngót chục con trong đó phần đa là ngựa cái. Lúc tôi ngược dốc lên nhà ông, trời đã xẩm tối, đàn ngựa bạch đang điềm nhiên vẫy đuôi, gõ vó trong mấy cái chuồng làm sơ sài bằng gỗ, lợp lá.

Cái duyên đến với nghề chăn bạch mã của ông cũng thật tình cờ. Số là cách đây chừng mươi năm, ông Mong tình cờ mua được một con ngựa bạch cái. Thấy ngựa quý, ông mới giữ rồi cho phối giống, lần lần ngựa mẹ đẻ ngựa con, ngựa con đẻ ngựa cháu, ngựa cháu đẻ ngựa chắt, sau khi bán trên 10 con ngựa bạch giờ ông Mong vẫn còn tới 9 con và là người có số lượng ngựa bạch nhiều nhất ở Hữu Kiên. Con ngựa bạch cái năm xưa gây nghiệp giờ đây đã già lắm nhưng vẫn sinh sản tốt.

Theo lời ông Mong, giống ngựa này đẻ đến tận lúc... chết mới thôi. Ngựa bạch trông tưởng yếu ớt, chậm chạm nhưng thực ra rất dẻo dai. Nó ít khi bị dịch bệnh, mùa mưa ăn cỏ đã đành, mùa khô thiếu thức ăn cái nết na của con nhà khó mới được dịp bộc lộ. Chúng ngốn cả thân ngô hay vỏ đậu xanh mà vẫn chẳng nề hà, chẳng bị bệnh tật. Tập tính sinh sản của ngựa không lung tung như trâu, bò, chúng không bao giờ phối giống với những con cùng huyết thống, kể cả sau khi bán xa vài năm nó cũng nhận được mặt, mùi của những con cùng chung máu mủ này. Vì thế mà nhà nào có ngựa đực ở Hữu Kiên không dùng được con ngựa đực nhà mình mà mỗi lần ngựa cái động dục phải đem sang nhà có ngựa đực khác để phối giống. Có lẽ vì thế mà ngựa chẳng bị cái hại của nạn đồng huyết tàn phá như một số loài động vật quý khác.

Ông Mong bảo: "Giờ các lái đến tận nhà gạ mua mỗi con ngựa bạch khoảng vài ba chục triệu đồng, trừ công xá tính ra thực lãi cỡ 20 triệu nhưng tôi cũng không muốn bán. Ngựa sinh sản đều, mỗi năm một lứa, tôi cứ giữ lại cả đàn ngựa bạch cái sang đến năm sau sẽ có trong tay chừng ấy ngựa bạch con". Nhờ nghề nuôi ngựa mà nhiều người dân tộc Tày ở xã vùng cao Hữu Kiên trở nên khá giả, thậm chí giàu có ví như đàn ngựa nhà ông Mong được định giá 350-400 triệu. Còn loại nhàng nhàng sở hữu dăm ba con ngựa bạch ở thôn Mạ A, Mạ B có tới khoảng trên 20 hộ. Họ chỉ cần đánh tiếng gọi lái đến là cầm trong tay cả trăm triệu dễ như bỡn.

Tiến sĩ Võ Văn Sự - Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học của Viện Chăn nuôi cho biết, thực chất ngựa bạch là ngựa bị bạch tạng chứ không có gì bí hiểm cả. Lý giải về chuyện tại sao ở Hữu Kiên lại có nhiều ngựa bạch thế, ông Sự cho rằng, nó là một điều kiện đặc biệt. Điều đặc biệt này chỉ có thể lý giải giống như kiểu tại Đông Tảo (Hưng Yên), tại Đông Hồ (Bắc Ninh) có giống gà to lộc ngộc cân tới 4-5kg, ngoại hình không thể trộn lẫn, thịt ngon nổi tiếng mà không nơi nào có được hay tại Phú Quốc (Kiên Giang) có giống chó xoáy trên lưng tinh khôn lừng danh cũng độc nhất vô nhị trên đất Việt.

Tiến sĩ còn thông tin thêm với tôi rằng theo nghiên cứu của các nhà động vật Mỹ, ngựa bạch tạng khi phối với ngựa bạch tạng thường gặp trường hợp thai bị chết lưu, đẻ non rất cao. Còn chuyện dùng đèn chuyên dụng để soi vào mắt ngựa đúng giờ Tuất đồng tử đang từ tròn biến thành hình chữ nhật ông chưa từng biết "mày nghiêng, mũi dọc" chiếc đèn này thế nào chứ đừng nói chuyện kiểm chứng tin đồn đó. "Xung quanh chuyện cao ngựa bạch tôi thấy dạo này bị thổi phồng công dụng một cách quá đáng. Khoa học khó có thể chứng minh cao ngựa bạch tốt hơn hẳn cao ngựa thường bởi nó cũng là ngựa, chỉ khác chút là ngựa bị rối loạn gien điều khiển sắc tố nên mới có màu lông, ngoại hình đặc biệt. Nôm na một cách dễ hiểu, hiện tượng ngựa bạch cũng như người bị bạch tạng, vậy thôi chứ có gì mà ầm ĩ".

Ông Nguyễn Ngọc Toan - Trưởng Trạm Thú y huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho chúng tôi biết thêm nhiều thông tin khá thú vị rằng kể từ khi cao ngựa bạch được xưng tụng, nghề nuôi ngựa bạch ở Hữu Kiên bỗng nhiên lên ngôi, con ngựa bạch trở thành con vật xóa đói, làm giàu. Ngựa bạch nổi tiếng đến nỗi Viện Thú y đang có dự án hỗ trợ cho 15 hộ dân ở đây để bảo tồn 50 cá thể ngựa bạch xuất sắc nhất. Dự án đã được triển khai một năm nay, do chính Trạm Thú y theo dõi, giám sát. Những hộ tham gia dự án bảo tồn được tập huấn phòng bệnh, được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc men khi ngựa ốm đau. Mọi cá thể bạch mã trong dự án được theo dõi rất sát sao. Ốm đau, sinh nở hay trao đổi mua bán nhất nhất chủ ngựa đều phải báo cáo.

Lý giải về cái nôi ngựa bạch ở Hữu Kiên, ông Toan cho rằng không có gì khó hiểu cả bởi chưng cỏ đồi nơi đây tốt bời bời, dân cư thưa thớt, nương rẫy ít nên có nghề chăn ngựa dạng cha truyền con nối nhiều đời là lẽ dĩ nhiên: "Trước đây giá trị một con ngựa bạch chỉ ngang ngựa thường vì người ta không biết nấu cao cũng chẳng dám ăn thịt chúng mà chỉ sử dụng để thồ hàng. Giờ cao ngựa bạch được ưa, người dân mới gây thêm giống cho đàn ngựa bạch trở nên đông đúc như vậy".

Cũng theo ông Toan, có thương lái đến Hữu Kiên không phải để mua ngựa bạch mà mua ngựa trắng, giá chỉ bằng cỡ 1/3 ngựa bạch về nấu cao. Bà con trên này hầu như không bao giờ dùng loại cao ngựa tạp nham ấy, họ chỉ nấu ngựa bạch và có nấu cũng không mấy khi bán ra ngoài mà để bồi bổ cho các thành viên trong gia đình là chính. Ông Toan bảo có khá nhiều ngộ nhận về ngựa bạch, ví dụ như buổi trưa ngựa bị quáng gà chẳng nhìn thấy lối đi nhưng thực tế không chỉ nhìn đường, chúng còn phân biệt rõ khóm cỏ nào non, khóm nào già để vục mõm vào. Ngộ nhận thứ hai là chẳng có chuyện ngựa bạch phối với ngựa bạch sinh ra con bị chết non mà chúng vẫn lớn ầm ầm...


Còn tiếp...


TheoXứ Đoài  - cand
Bình luận
vtcnews.vn