Những chuyện đau thương rợn người ở 'vùng đất ma đói' Thái Bình

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 02/09/2016 06:30:00 +07:00

Vùng đất được coi là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng Thái Bình đã bị nạn đói năm 1945 cướp đi trên 28 vạn người.

Kỳ 1: Những con số kinh hoàng

Ở đời khi chết tất có nhiều kiểu chết, nhiều cách chết: Chết trong bom đạn, chết sập hầm, sập lò, chết khi bão biển sóng lớn… nhưng có lẽ đáng sợ nhất vẫn là chết đói, chết khát. Đó là một cái chết đến rất từ từ, từ từ cảm nhận thần chết đang “lôi” mình đi, mà không thể cưỡng lại được.

Đã 70 năm đã trôi qua, nhưng những ám ảnh về nạn chết đói, chết “no” vào những tháng cuối năm 1944 đến giữa năm 1945, vẫn chưa nguôi ở tỉnh Thái Bình!

Vùng đất được coi là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng đã bị nạn đói năm 1945 cướp đi trên 28 vạn người. Nhiều địa phương, nhiều gia đình, cả dòng họ chết không còn một ai.

Cuối năm 1944, vụ mùa gần như mất trắng, dân Thái Bình rơi vào cảnh đói kéo dài từ tháng 8, tháng 9 năm Giáp Thân (1944), lại thêm cảnh lụt lội, mưa to gió lớn, dẫn đến nạn đói triền miên kéo dài đến giữa năm Ất Dậu (1945). Trong khi đáng lẽ phải cứu đói khẩn cấp thì chính quyền phát xít Nhật – Pháp lại ráo riết thực hiện thu mua thóc tạ thời chiến. Từng đoàn quân thu mua tỏa về các làng xã, vơ vét thóc gạo của dân.

nhung-con-so-chet-choc-kinh-hoang-o-vung-dat-ma-doi-thai-binh-0

Nạn đói Ất Dậu ở Thái Bình. Ảnh tư liệu  

Tạp chí “Thanh Nghị” (số 119 ngày 24/5/1945) viết: “Chính sách thu mua thóc của người Pháp tàn ngược với dân quê vì giá mua của họ trả cho người nông dân thật tai hại: Như vụ vừa qua tiền vốn 1 tạ thóc tính ra mất 80 đồng mà giá bán cho nhà nước (chính quyền đô hộ) chỉ có 25 đồng/1 tạ. Trong khi giá thị trường lên đến 200 đồng/1tạ. Mà số thóc dân quê phải nộp thường là 3/4 số thóc thu hoạch, có khi quá cả số thóc gặt được. Nghĩa là có khi nông dân phải đong thóc thêm bằng giá 200 đồng để bán cho nhà nước và thu về 25 đồng”.

Để có đủ nhu yếu phẩm cung cấp cho bộ máy chiến tranh, chính quyền Nhật – Pháp đã thi hành chính sách kinh tế thời chiến gọi là “kinh tế chỉ huy”, độc quyền huy động toàn bộ nền kinh tế, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.

Tất cả các mặt hàng sản xuất đều phải bán cho chính quyền bảo hộ theo giá quy định. Chính quyền bảo hộ cấm thương nhân mua và bán sản phẩm do chính quyền quản lý.

nhung-con-so-chet-choc-kinh-hoang-o-vung-dat-ma-doi-thai-binh-1

 

Năm 1944, chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn quyết liệt. Ở Đông Dương thì Nhật – Pháp ngấm ngầm chuẩn bị hất cẳng nhau, vì thế chúng càng ráo riết tích trữ các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Ngoài việc không ngừng phái quân đi thu mua vơ vét lương thực của dân cho đến hạt gạo cuối cùng, phát xít Nhật còn bắt nhân dân phải nhổ lúa trồng đay, trồng bông.

Tạp chí Phổ thông 1951, trang 293, khi đó đã viết: “Giá gạo tăng lên vùn vụt, gạo nhảy từ 150 đồng/1 tạ vào tháng 12 năm 1944 tới 800 đồng vào trước tết, đầu tháng 2 năm 1945”; “Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra trên diện rộng. Từ Quảng Trị trở ra trên toàn miền Bắc có tới 2 triệu người bị chết đói”.

Tạp chí đưa tin tiếp: "Cảnh chết đói diễn ra khắp nơi trong tỉnh, nhất là các huyện phía Nam. Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi ăn xin rồi chết ở đầu đường, xó chợ. Nhiều gia đình chết hết không còn một ai”; "nhiều làng chết đói từ 50 – 80% dân số. Làng Sơn Thọ (Thái Thượng – Thái Thụy) có 1.205 người thì chết đói mất 965 người (trên 75% dân số); làng Thanh Nê (Tán Thuật – Kiến Xương) có 4.164 người thì số người chết đói lên tới 1.854 người. Chỉ trong vòng 5 – 7 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh Thái Bình lên tới 28 vạn người, khoảng 25% dân số lúc đó.

nhung-con-so-chet-choc-kinh-hoang-o-vung-dat-ma-doi-thai-binh-2

 

Xã Hòa Bình huyện Vũ Thư có 2 làng là Bình An và Từ Châu có khoảng 2.000 người thì số người bị chết đói chiếm non một nửa. Xã Hiệp Hòa - Vũ Thư có 1.358 người chết đói, trong đó làng Phương Cáp chết tới 479 người, làng An Để chết 690 người, làng Đức Hiệp chết 189 người. Đau đớn hơn có một số gia đình bị chết sạch cả nhà trong tổng số những người chết nói trên. Xóm Đoàn Kết (xóm Rống) có 81 hộ thì có 52 hộ chết cả nhà. Tính chung cả xã Hiệp Hòa lúc đó có 4.418 khẩu thì số người chết đói chiếm trên 30% dân số cả xã.

Nạn đói năm 1945 đã làm cho nhân dân xã Trà Giang (Kiến Xương) chết đói trên 1.000 người, chiếm 1/3 dân số trong xã. Ở thôn Lãng Đông, Dục Dương có số người chết đói đến non một nửa.

Xã Minh Tân (Kiến Xương) ở 3 làng Dương Liễu, Nguyệt Giám, Tân Ấp có hàng ngàn người chết đói. Chỉ riêng làng Dương Liễu đã có tới 1.050 người chết, nhiều gia đình chết không còn một người.

Xã Nam Cao (Kiến Xương), nơi có nghề dệt truyền thống hàng trăm năm, vốn nổi tiếng là giàu có nhất vùng, vậy mà nhân dân ở địa phương này vào năm Ất Dậu vẫn không thoát khỏi cảnh chết đói. Người chết nằm la liệt khắp nơi trong làng, trong xã. Trận đói cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mệnh của 1.247 người dân xã Nam Cao, trong đó có 108 gia đình chết không còn một người nào sống sót.

Nạn đói kéo dài, người dân không còn gì để ăn, họ đào từng củ chuối, gốc mía, vớt từng cánh bèo bồng, móc từ rễ cây khoai ngứa… để biến thành món ăn khi không có lương thực… Thậm chí, có nơi, theo một số người dân cho biết, người ta còn ăn cả thịt người đã chết.

“Xã Hoàng Diệu” (thuộc TP. Thái Bình bây giờ) – dân chết 1.285 người. Riêng thôn Sa Cát (công giáo) chết gần 500 người. Người dân Hoàng Diệu tận mắt thấy cảnh người sống ăn thịt người chết ở gầm cầu Bo.

Sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã Phú Sơn (Hưng Hà) viết: “Từ giữa năm 1944 đến giữa năm 1945, xã Phú Sơn có trên 400 người chết đói. Có gia đình chết đói cả nhà. Đặc biệt khu vực chợ Hưng Nhân người ăn xin ở thiên hạ về đây, bị chết đói nằm la liệt".

nhung-con-so-chet-choc-kinh-hoang-o-vung-dat-ma-doi-thai-binh-3

Xã Tây Lương, nơi chết 2/3 số dân trong nạn đói  

Sách lịch sử truyền thống xã Tây Lương (Tiền Hải): “Hậu quả của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu ở Tây Lương có 3.698 người chết, chiếm 2/3 dân số (theo thống kê của các dòng họ) – (vào năm 1945 xã Tây Lương có khoảng 6.000 nhân khẩu).

“Tháng 3 năm Ất Dậu nạn đói khủng khiếp đã cướp đi 498 người dân ở 195 gia đình trong xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ). Có 27 gia đình bị chết cả nhà” (Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Thọ).

Tính từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945 ở Thái Bình nạn đói đã cướp đi trên 28 vạn người. Hầu như làng nào, xã nào trong tỉnh cũng có người chết đói. Biết bao gia đình, dòng họ không còn một ai sống sót sau trận đói năm Ất Dậu.

Vì quá ám ảnh, nên một cụ già gần 90 tuổi ở chợ huyện xã An Ninh (Tiền Hải) nói với chúng tôi: “Nhà tôi ở gần chợ, nhiều đêm trở giời, tôi có cảm giác như có hàng trăm, hàng ngàn ma đói kéo nhau đi lũ lượt trên đường sát chợ huyện. Trước đây, dân làng đã xây miếu Bách Linh để thờ người chết ở ngay sát chợ. Tiếc rằng miếu đó đã bị phá. Giá như giờ xây lại một cái miếu hoặc dựng một tấm bia tưởng niệm để thờ vong hồn người chết đói năm 1945 thì thật là hay".

Còn tiếp... 

Đặng Hùng - Hải Bình

Bình luận
vtcnews.vn