Những chúa tể vũ trụ: Kỷ nguyên thứ 2 và cuộc chiến tranh không gian

Khám pháThứ Ba, 22/06/2021 06:43:00 +07:00
(VTC News) -

Kỷ nguyên vũ trụ thứ hai so với kỷ nguyên đầu tiên trở nên đa dạng và nguy hiểm hơn bao giờ hết vì vệ tinh đã phát triển vượt bậc để sử dụng phổ biến trong xung đột.

Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, thế cân bằng trong cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ giữa hai cường quốc Liên Xô và Mỹ trong suốt hơn 30 năm đã bị chấm dứt. Cùng thời gian đó, chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất xảy ra, lần đầu tiên trong lịch sử loài người các loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh đã thể hiện ưu thế áp đảo, khiến Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Không quân Mỹ phải thốt lên: “Đây là cuộc chiến tranh vũ trụ đầu tiên xảy ra”.

Những chúa tể vũ trụ: Kỷ nguyên thứ 2 và cuộc chiến tranh không gian - 1

Sơ đồ quỹ đạo của hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ và Bắc Đẩu của Trung Quốc.

Kỷ nguyên vũ trụ mới – nhiễu loạn và nguy hiểm

Kỷ nguyên vũ trụ thứ 2 so với kỷ nguyên đầu tiên trở nên đa dạng, nhiễu loạn và nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì đến lúc này, ứng dụng trinh sát, dẫn đường vũ khí bằng vệ tinh đã phát triển vượt bậc đến cấp độ có thể sử dụng phổ biến trong xung đột. Thêm nữa, năng lực vũ trụ lúc này không còn là đặc quyền của 2 đại siêu cường như xưa, mà đã nằm trong tay rất nhiều nước, cho dù Mỹ có cố sức chống lại xu thế đó.

Từ năm 1991 đến 2016, tổng cộng cả Mỹ và Nga chỉ còn chiếm 43% số vệ tinh và 39% số vụ phóng tên lửa. Phần lớn các vụ phóng vệ tinh thuộc về nhóm mới nổi bao gồm, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu và Ấn Độ.

Số lượng vệ tinh thương mại cũng tăng vọt, từ con số 4% trong giai đoạn 1957-1990 tăng lên đến mức 36% trong kỷ nguyên thứ 2. Không những thế, các vệ tinh thương mại cũng có năng lực hoạt động không kém, thậm chí còn vượt trội so với vệ tinh quân sự. Ví dụ vệ tinh thương mại ViaSat-2 do công ty tư nhân Viasat phóng bằng tên lửa Ariane-5 của châu Âu có băng thông đến 300 Gigabits/ giây, gần gấp 100lần so với vệ tinh thông tin băng thông rộng WG SATCOM của quân đội Mỹ.

Việc tham gia của giới tỷ phú và tư nhân hóa lĩnh vực phóng vệ tinh càng làm cho ngành này thêm sôi động. Các chương trình như SpaceX của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos hay Stratolaunch của Paul Allen đang cạnh tranh với nhau và với cả các chính phủ để giảm giá thành tiếp cận vũ trụ. Thậm chí có thể mở ra những ngành công nghiệp mới là du lịch vũ trụ hay khai thác khoáng sản từ thiên thạch. Tính đến năm 2020, tổng số vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất đã tăng đến con số 3.368 vệ tinh, hơn gấp đôi so với năm 2017 (1.459 vệ tinh) và gấp gần 7 lần so với năm 1991 (491 vệ tinh).

Con số vệ tinh khổng lồ và tăng với tốc độ chóng mặt này khiến việc điều chỉnh quỹ đạo, giám sát các vệ tinh trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Những chúa tể vũ trụ: Kỷ nguyên thứ 2 và cuộc chiến tranh không gian - 2

Số lượng vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất qua từng năm từ năm 1957 - 2020. (Ảnh: Statista)

Trong quân sự, nếu như năm 1991 chỉ có 8% số bom/tên lửa Mỹ được dẫn đường (bao gồm cả dẫn đường laser và dẫn đường vệ tinh), con số này đã tăng lên mức 60% khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 và 96% khi Mỹ xâm lược Syria năm 2014. Nhu cầu về băng thông liên lạc vệ tinh của Mỹ đã tăng đến mức chóng mặt, từ 100 Mbps năm 1991, lên mức 250 Mbps trong cuộc xâm lược Nam Tư năm 1999, 750 Mbps trong những tháng đầu xâm lược Afghanistan năm 2002 và 2.400 Mbps khi họ xâm lược Iraq năm 2003.

Các nước khác như Nga, Trung Quốc, các nước EU… tất nhiên cũng nhìn rõ những ưu thế của vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh khi Mỹ sử dụng và họ cũng đang nỗ lực để khai thác được ưu thế đó. Thay vì là một phần của hệ thống đáp trả hạt nhân như trong kỷ nguyên vũ trụ thứ nhất, vệ tinh ngày nay đã tham gia vào mọi công đoạn của cuộc chiến, đến những cuộc tấn công phẫu thuật quy mônhỏ nhất.

Tuy nhiên, điều này cũng đem lại nguy cơ là các vệ tinh sẽ không được “đối xử” như một phần của chiếc ô hạt nhân nữa. Và xác suất chúng bị tấn công tiêu diệt sẽ tăng cao hơn rất nhiều lần khi có xung đột nhằm triệt hạ khả năng chiếm ưu thế bằng vũ khí tấn công chính xác của đối phương.

Những chúa tể vũ trụ: Kỷ nguyên thứ 2 và cuộc chiến tranh không gian - 3

Đối đầu trên vũ trụ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Kỷ nguyên mới, người chơi mới, luật chơi mới 

Trong thời đại chỉ có 2 siêu cường cạnh tranh, cả Mỹ và Liên Xô đều đã rất nhanh chóng thống nhất để đưa ra những bộ quy tắc ứng xử nhất định trong việc sử dụng vũ lực. Tất cả các hệ thống hạt nhân và thiết bị vũ trụ đều được coi là “vùng cấm”, không thể đụng đến khi chiến tranh chưa bước sang giai đoạn chiến tranh hạt nhân toàn diện có tính triệt hạ lẫn nhau. Khi có quốc gia nào có ý định hay nỗ lực tấn công vào hệ thống vệ tinh của họ, quốc gia đó sẽ phải chịu sự đáp trả bằng đòn tấn công hạt nhân mạnh mẽ nhất.

Nền hòa bình trong kỷ nguyên vũ trụ thứ nhất không phải vì không gian là nơi không có tranh chấp, mà chính là vì cả Mỹ và Liên Xô đều nắm trong tay năng lực hủy diệt hoàn toàn năng lực vũ trụ của đối phương.

Tuy nhiên khi Trung Quốc, Pháp hay Nhật bước chân vào cuộc chơi, họ hoàn toàn không bị giới hạn bởi những quy tắc hay thỏa thuận đó. Kết cục là năm 2007, Trung Quốc đã thử vũ khí diệt vệ tinh, bắn hạ một vệ tinh đã ngừng sử dụng, đánh dấu lần đầu tiên sau chiến tranh lạnh, vũ khí diệt vệ tinh đã được sử dụng.

Những chúa tể vũ trụ: Kỷ nguyên thứ 2 và cuộc chiến tranh không gian - 4

Sơ đồ vụ bắn hạ vệ tinh trên độ cao 850 km của Trung Quốc năm 2007.

Nói chung, năng lực diệt vệ tinh hay năng lực tấn công trong vũ trụ ngày nay có thể coi tương đương với việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những năm đầu tiên của thời đại hạt nhân. Vì thế nó vẫn là một mục tiêu rất mời gọi với các nước nhỏ, kể cả mục đích họ sử dụng chỉ là để phòng thủ khi hữu sự, hoặc cầm đến bàn đàm phán, nơi vũ khí tốt có thể kiếm cho họ những ưu thế nhất định khi phải đối đầu với các cường quốc.

Tông Hùng(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp