Những chiến binh thầm lặng mang lại sự sống cho trẻ sinh non

Sức khỏeChủ Nhật, 02/12/2018 10:43:00 +07:00

Hành trình đưa những em bé sinh non chưa đầy 1 kg từ lồng kính trở về với vòng tay cha mẹ của các bác sĩ, y tá tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) là cuộc chiến đầy cam go, thử thách.

 

Một ngày của bác sĩ Hằng ở Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung ương bắt đầu từ 7h. Chị nhận bàn giao của đồng nghiệp lúc 7h30 tại phòng điều trị tích cực giữa tiếng máy móc và nhịp thở mong manh của những em bé sinh non, có bé chỉ nặng 600-700 g. Với các em và bố mẹ, mỗi ngày ở đây là một ngày của lo âu và hy vọng, mong chờ khoảnh khắc có thể đón bé về vòng tay của mẹ an lành và trọn vẹn.

Đầu buổi sáng là thời điểm khu điều trị tích cực tại trung tâm bận rộn nhất, các bác sĩ, y tá sau ca trực căng thẳng có thể nghỉ ngơi, nhưng khi những em bé còn đang nằm trong lồng kính, họ vẫn chưa thể an tâm.

Bác sĩ Hằng cùng đồng nghiệp lại tất bật điều trị, chăm sóc cho các bé, mỗi trường hợp lại có phác đồ theo dõi và điều trị khác nhau, từ những bé sinh đôi nhỏ xíu tới các bé điều trị ở khu cách ly. Ở đây, mỗi giây phút, mỗi nhịp thở đều quý giá, đều phải níu kéo và đấu tranh tới cùng.

Những em bé nằm ở khu điều trị tích cực hầu hết đều là sinh non, có bé thân mình chỉ nhỏ như bàn tay người lớn. Để chăm sóc các em, bác sĩ và y tá không chỉ cần kỹ thuật và kinh nghiệm, mà còn cần sự khéo léo và một trái tim can đảm. Bởi lẽ những cơ thể non nớt mới chỉ 24-25 tuần tuổi của các bé thật sự mong manh và nhỏ đến khó tin, nếu không có can đảm, chắc không ai có thể cho các em ăn, dùng thuốc massage hay điều trị phổi, mắt...

Những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu ngọ nguậy như không ngừng nắm giữ lấy hi vọng, như cất tiếng nói: “Hãy giúp con, hãy giúp con có được cơ hội sống, chạy nhảy và chơi đùa”.

1

 

Sau 8 năm gắn bó với khoa sơ sinh, bác sĩ Hằng vẫn nhớ như in lần đầu tham gia một ca cấp cứu bé sinh non. Dù qua kỳ thực tập, việc trực tiếp làm việc với những em bé nhỏ xíu là trải nghiệm khó phai. Những giây cấp cứu đầu tiên khi một trẻ được sinh ra có thể quyết định sự sống của các em.

Theo bác sĩ Hằng, cứ sau 30 giây hồi sức, kíp hồi sức cần đánh giá nhanh tình trạng nhịp tim, nhịp thở, màu sắc da của bé để đưa ra quyết định tiếp theo. Mọi thao tác, hành động phải thật chuẩn xác, nhanh gọn để có thể giành lại các em từ tay tử thần.

Bác sĩ Hằng kể lại: “Trong ca cấp cứu đầu tiên tôi tham dự, do mẹ bé bị rau tiền đạo nên sinh non, người bé trắng bệch, không khóc được và nhịp tim chậm. Khi tôi còn đang run thì bác sĩ chính đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hồi sức, tôi thấy đó đúng là một điều kỳ diệu. Từ lau khô, kích thở tới đặt ống nội khí quản, ép tim... các bước được quyết định và thực hiện nhanh chóng để có thể giúp bé thở được, tim đập nhanh dần lên và hồng hào trở lại.

Lúc đó, tôi mới biết phép màu là có thật”.

Mỗi ngày là một cuộc chiến

Một em bé sinh non phải đối mặt với nhiều nguy cơ, từ suy hô hấp do phổi chưa phát triển đầy đủ đến vàng da, viêm ruột hoại tử. Trong một tuần đầu tiên, trẻ dễ gặp các biến chứng đe dọa tới tính mạng như xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng.

Khu điều trị tích cực của Trung tâm Chăm sóc được trang bị các lồng ấp theo công nghệ hiện đại, giúp tăng khả năng sống sót của trẻ sinh non. Lồng ấp tạo môi trường có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với từng bé, tạo cho bé môi trường thoải mái để tiếp tục phát triển.

2 3

 

Khi bác sĩ Hằng về làm việc tại trung tâm vào năm 2010, nơi đây mới chỉ có 60 giường bệnh và lượng máy móc hạn chế. Đến nay, trung tâm có 2 khu vực điều trị với 300 giường, cùng đầy đủ trang thiết bị y tế hỗ trợ các bé sinh non trong cuộc chiến đầy cam go, như 80 lồng ấp, 40 máy thở, 58 máy hỗ trợ áp lực dương CPAP, trên 100 máy theo dõi bão hòa ôxy, máy chụp X-quang, siêu âm tại giường, đèn điều trị vàng da, máy laser võng mạc...

Cô hồ hởi cho biết những tiến bộ về khoa học và công nghệ giúp cơ hội sống của những bé non tháng ngày càng cao hơn, điều mà trước đây thật khó hình dung.

Lúc mới bước chân vào trường y, cô chưa từng nghĩ mình sẽ gắn bó với những em bé non nớt và nhỏ đến mức khó tin. Đây vừa là lựa chọn, vừa là duyên nợ với những thiên thần bé bỏng. Với cô, sứ mệnh cao quý của nghề y hiển hiện rõ rệt trong từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim các em.

Bác sĩ Hằng kể về một bé, 7 năm sau khi bé ra viện, cứ đến dịp 27/2 - ngày Thầy thuốc Việt Nam - bố mẹ bé lại cùng con quay lại cảm ơn các bác sĩ. Năm nào cũng như năm nào, bé bận học thì bố mẹ vẫn đến. Hơn ai hết, những người sinh thành sẽ hiểu được sự quý giá của sự sống, của yêu thương.

Những chiến binh thầm lặng

Khi được hỏi về những vất vả trong nghề, bác sĩ Hằng cười bảo vất vả nhiều cũng thành quen, chỉ cần thấy các bé vượt qua cơn nguy hiểm, an ổn và khỏe mạnh về với vòng tay của gia đình, mọi thứ đều được xóa tan.

Một trẻ sơ sinh bình thường có cân nặng khoảng 3 kg, trong khi nhiều trẻ sinh non có trọng lượng dưới 1 kg. Các bé được nuôi dưỡng bằng hơn 20 loại thuốc, chất qua đường tĩnh mạch rốn và điều trị cho tới khi ổn định, có thể tự thở và ăn bằng đường miệng, đạt trọng lượng khoảng 1,7 kg. Đó là hành trình không hề dễ dàng, là nỗ lực không ngừng nghỉ của cha mẹ và các bác sĩ, y tá tại trung tâm.

Đó là những đêm thức trắng, những bữa cơm ăn vội, những lúc gấp rút cấp cứu hay những giây phút giành giật với tử thần... Chỉ ở khu điều trị tích cực một vài tiếng thôi, bạn sẽ cảm nhận được áp lực khổng lồ ở đây. Chính vì thế, sau 3 đến 6 tháng, các bác sĩ, y tá ở đây sẽ được luân chuyển sang khu chăm sóc trẻ ổn định để có thể cân bằng và làm việc hiệu quả hơn.

1 4

 

Ở trung tâm, bạn sẽ gặp một vị giám đốc đặc biệt. Đó là bác sĩ Lê Minh Trác. Thay vì hình ảnh một giám đốc đạo mạo, ông không khác gì một bác sĩ thường trực tại khu điều trị tích cực. Bỏ giày tây, đi đôi dép tổ ong cho thuận tiện, bác sĩ nhớ từng số bệnh nhi ở phòng nào, luôn chân luôn tay hiếm khi ngừng nghỉ.

Thấy một bé khóc, ông nhanh nhẹn sát trùng tay, đặt bé nằm nghiêng và vỗ về, cười bảo: “Không sao, không sao. Khóc to là tốt”. Thật kỳ lạ, em bé ngừng khóc và lại chìm vào giấc ngủ an lành, khuôn mặt nhỏ nhắn hồng hào và xinh đẹp.

Bác sĩ Trác cho biết điều tuyệt vời nhất là hiện tại trung tâm có đủ khả năng để điều trị và cứu sống trẻ non tháng, như trường hợp chỉ nặng có 500 g. Sau 5 tháng dài ở trung tâm, bé ổn định và phát triển bình thường, chỉ nhỏ hơn các bạn cùng tuổi.

Theo bác sĩ Trác, một trong những thành tựu lớn nhất của trung tâm là điều trị bệnh lý võng mạc - biến chứng nguy hiểm gây mù lòa cho trẻ sinh non. Năm 2003, trung tâm phối hợp với bệnh viện Mắt Trung ương để sàng lọc và điều trị bệnh lý võng mạc của trẻ sinh non, phòng tránh mù lòa.

Tuy nhiên, mỗi khi phẫu thuật laser, trẻ phải chuyển sang viện Mắt. Điều này rất khó thực hiện với những trẻ có cân nặng thấp hay bị suy hô hấp. Do đó, từ năm 2008, bệnh viện Phụ sản TW đầu tư máy phẫu thuật laser và thực hiện mổ ngay tại trung tâm sơ sinh, điều trị thành công cho hàng trăm trẻ.

Phép màu của y học và niềm tin

Ở khu điều trị tích cực, bố mẹ của hai bé sinh đôi rơm rớm nước mắt khi nhìn bàn tay nhỏ bé của con huơ lên. Với họ, trước mắt còn là một chặng đường dài bằng yêu thương, hy vọng và tin tưởng.

1 5

 

Ở khu chăm sóc trẻ ổn định, một bé trai được bác sĩ và y tá trao lại cho mẹ sau hơn một tháng điều trị và nuôi dưỡng. Em mở mắt ra nhìn thế giới trong vòng tay yêu thương của gia đình, nụ cười rạng rỡ của mẹ và lời dặn dò tỉ mỉ của bác sĩ Hằng.

Một đứa trẻ ra đời an lành, trọn vẹn là một phép màu. Một đứa trẻ được đưa từ lồng ấp qua bao gian nan tới tay cha mẹ còn hơn cả một điều kỳ diệu, đó còn là nỗ lực và yêu thương của rất nhiều người.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn