Những chiến binh số đình đám bại trận 2010

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 26/12/2010 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Năm 2010, có nhiều trò lố của những quả pháo xịt từng khiến dân mê công nghệ phẫn uất...

(VTC News) - Năm 2010,  bên cạnh những cải tiến thú vị và đầy tiềm năng, giới công nghệ và cả người tiêu dùng phải chứng kiến nhiều trò lố của những quả pháo xịt từng khiến dân mê công nghệ phẫn uất...

1. Microsoft Kin: Sản phẩm số đoản mệnh


Dòng Kin là một thử nghiệm không thành công của Microsoft. Đây là dòng điện thoại thông minh “giả tạo” được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội đang ngày càng phát triển và mục tiêu hướng đến các khách hàng trẻ tuổi.

 

Mất hai năm phát triển và chi ra một số tiền quảng cáo không nhỏ cho dòng điện thoại Kin. Nhưng chỉ 48 ngày sau khi tung ra dòng điện thoại thông minh này, Microsoft đã phải tuyên bố ngừng bán dòng Kin vì doanh số đáng thất vọng của nó.

“Đây là một thất bại tuyệt đối”, Charles S. Golvin, một chuyên gia phân tích tại Forrester Research khẳng định. Ông Golvin cho biết đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến Microsoft “khai tử” một sản phẩm quá nhanh, bởi người hùng phần mềm này vốn có truyền thống gắn bó lâu bền với các sản phẩm mới và không ngừng cải tiến chúng theo thời gian.

2. iPhone 4 trắng: Im lặng là vàng

iPhone màu trắng đã bị trì hoãn nhiều lần với các lý do mơ hồ. Apple lại tiếp tục trì hoãn iPhone 4 trắng với lý do lỗi ăng-ten trong phiên bản iPhone 4 của mình. Hãng phải tạm ngừng phát triển cho đến khi lỗi ăng-ten được khắc phục.

 

Khi iPhone 4 màu đen lần đầu tiên ra mắt vào tháng 6, phiên bản màu trắng bị trì hoãn đến cuối năm. Nhưng mới đây, bà Trudy Muller - phát ngôn viên Apple đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng về việc họ sẽ tiếp tục phải chờ đợi bản màu trắng cho tời mùa xuân 2011.

3. Ăng-ten của iPhone 4: Chuyện mỉa mai

Lỗi mất sóng ở iPhone 4 là chủ đề “hot” nhất vào giữa năm nay, sau khi tạp chí tiêu dùng danh tiếng Consumer Reports từ chối tiến cử chiếc điện thoại đình đám này. Khách hàng liên tục phàn nàn còn Apple thì tìm đủ cách chữa cháy.

 

CEO của Apple đã “khẳng khái” tuyên bố đây là vấn đề chung của mọi sản phẩm di động thông minh, thậm chí lãnh đạo của hãng còn mang cả các mẫu dế BlackBerry, HTC, Samsung ra làm bằng chứng.

Chưa hết, CEO Apple trước đó còn đổ lỗi cho người tiêu dùng cầm điện thoại sai cách, khiến iPhone 4 mất sóng. Tuyên bố này đã bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí một số hãng đối thủ như Motorola, Nokia còn đăng hướng dẫn cách cầm máy cho đúng đầy mỉa mai.

Vụ việc chỉ lắng dịu sau khi Apple quyết định tặng vỏ miễn phí cho sản phẩm này và chỉnh sửa firmware cho phép hiển thị các cột sóng nhiều hơn.

4. Google Wave rút lui

Từng được thử nghiệm rầm rộ với hơn 100.000 tài khoản may mắn tham gia, cũng vừa mở cửa rộng rãi cho người dùng toàn thế giới cách đây 3 tháng, vậy mà chỉ sau 1 năm, những người hâm mộ Google Wave phải ngậm ngùi “dọn nhà”.

 

Về bản chất, Google Wave là một dịch vụ hỗn hợp bao gồm quá nhiều chức năng, cho phép người dùng kết hợp giữa e-mail với công nghệ mạng xã hội. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những ý đồ này, Google Wave nhanh chóng thất bại bởi có quá ít tính năng nổi trội nhưng lại nhiều sự nhàm chán. Sau hơn 1 năm, mạng xã hội này hầu như không thêm được thành viên mới.

5. Microsoft Courier Tablet bị huỷ!

Trước khi iPad được bán trên thị trường, Microsoft gây ồn ào với những video "rò rỉ" về chiếc máy tính bảng hai màn hình trong những tháng đầu năm, thu hút vô số người hâm mộ nhưng sau đó lại tuyên bố họ không định sản xuất một thiết bị như thế vào thời gian này.

 

Các tạp chí kỹ thuật số đã tiếp nhận theo hướng tích cực khác nhau với máy tính bảng như là một iPad phân cực mà nhiều kẻ thù của iPad coi là một sự khác biệt thú vị và mong chờ. Nhưng sự mong chờ này đã không được thỏa mãn.

Microsoft Courier Tablet được giới thiệu có hình dạng một cuốn sách với 2 màn hình 7 inch, tích hợp camera và có khả năng kết nối Wi-Fi, thiết bị hỗ trợ một loạt các cách nhập liệu đầu vào cho người sử dụng như, viết tay và vẽ...

6. Nexus One: Chiến binh bại trận

Google đã tuyên bố ngừng bán điện thoại đầu tiên mình sản xuất - Nexus One. Trước đó, do doanh số thấp thảm hại, Google đã đóng cửa trang web bán Nexus One. Tại Mỹ, Nexus One được mở khóa, bán trực tiếp tới tay người dùng, không thông qua các nhà phân phối. Nexus One không được chào đón tại Mỹ bởi người tiêu dùng nước này không quen với khái niệm điện thoại mở khóa.

 

Đó là lý do tại sao đến thời điểm Google tuyên bố ngừng bán, mới có 135.000 chiếc Nexus One được bán ra tại Mỹ, trong khi Apple đã tiêu thụ hơn 1 triệu iPhone 4 dù mẫu điện thoại này phát hành sau điện thoại nền tảng Android của Google gần nửa năm.

Lê Linh (theo Pcworld)

Bình luận
vtcnews.vn