Những chàng trai bám dòng 3D Việt

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 03:04:00 +07:00

Những sản phẩm do nhóm Vitafilm tạo dựng đã thể hiện những bước phát triển và đột phá trong ứng dụng đồ họa 3D...

Dù được thưởng thức những bộ phim, những clip quảng cáo ứng dụng đồ họa 3D chất lượng tuyệt vời đến từ những nước có nền tảng công nghệ truyền hình cao trên thế giới, nhưng những sản phẩm gắn nhãn “Made in Vietnam” vẫn có một vị trí đặc biệt để công chúng chờ đợi và đón nhận. Những diễn đàn 3D, những quán café 3D đã lần lượt xuất hiện và học 3D trở thành trào lưu trong giới trẻ hay những người yêu thích công nghệ tại Việt Nam. Chưa tạo ra được sản phẩm thực sự nổi trội và hoàn hảo, nhưng có thể nói những sản phẩm do nhóm Vitafilm tạo dựng đã thể hiện những bước phát triển và đột phá trong ứng dụng đồ họa 3D vào quảng cáo, phim ảnh… ở Việt Nam từ ngày sơ khai đến nay…

 

 

Nếu vào studio để xem hậu trường một clip quảng cáo hay một bộ phim… ứng dụng đồ họa 3D, có lẽ bạn sẽ nghĩ, sẽ ví những họa sĩ, những người làm kĩ thuật …cho sản phẩm ấy như những… thầy phù thủy. Từ một khu chung cư cũ được quây bởi những tấm phông xanh khổng lồ trên con phố vắng người trở thành một tòa cao ốc hiện đại giữa thành phố đông đúc, chật người và xe ở thế kỉ 22; từ những đám cháy nhỏ với diễn viên quần chúng chạy qua chạy lại trở thành một cuộc chạy loạn thảm họa của đám đông người dân; từ một bầu trời trong veo trở thành một không gian đầy những con virut nguy hiểm; từ một trường quay với mấy chiếc bàn làm đạo cụ trở thành một trung tâm kĩ thuật với những bàn phím cảm ứng, máy móc kĩ thuật tối tân không khác gì những trạm điều khiển trên các con tàu vũ trụ không gian thời tương lai… Đoạn quảng cáo dài 30 giây nhưng khiến cho người xem có cảm giác không khác gì trailer giới thiệu một bộ phim giả tưởng hiện đại mà Hollywood từng làm…. Anh Đặng Hà (trưởng nhóm Vitafilm) cho biết đây là TVC cho công ty CMC IS do nhóm anh thực hiện, sẽ phát sóng truyền hình trong thời gian sắp tới. Chưa hoàn hảo như các sản phẩm của nước ngoài, nhưng nó là một bước phát triển mới trong việc ứng dụng đồ họa 3D vào quảng cáo và làm phim ở Việt Nam, đặc biệt khi so sánh nó với sản phẩm của những ngày đầu khi các anh mới biết thế nào là 3D…

 

 

Mối “duyên” với đồ họa 3D…

Xuất thân từ một người tư vấn mĩ thuật cho một công ty làm quảng cáo, anh Nguyễn Lương (thành viên của nhóm Vitafilm) có lẽ là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với đồ họa 3D. Tình cờ đọc được quyển sách viết về kĩ thuật máy tính làm về 3D, chàng trai sinh năm 1969 đã cảm thấy nó có một sức hấp dẫn đặc biệt. “Thời kì ấy (khoảng năm 1997), ở Việt Nam chủ yếu ứng dụng đồ họa 2D. Khi cài đĩa vào dùng thử, rồi mày mò thông tin trên các tạp chí tin học nói về 3D tôi thấy có rất nhiều điểm hay. Càng khai thác các ứng dụng lại càng thấy mình bị hấp dẫn bởi công nghệ mới này. Đúng lúc đó ngân hàng ACB đặt làm quảng cáo, và đó là cơ hội đầu tiên để tôi chạm ngõ với 3D…”, anh Lương chia sẻ.

Hồi ấy 3D mới chỉ ở mức thô sơ, phải chạy chương trình 3D S4 trên hệ điều hành MS - DOS (Cho đến khi cấu hình của Window 97 ra đời mới có thể đáp ứng chạy phần mềm 3D trên Window). Không có tài liệu nào ngoài một quyển sách rất mỏng dạy những vấn đề căn bản nhất của 3D, anh Lương đã gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện sản phẩm đầu tay. “Khó nhất là render ra file hình ảnh vì tính ổn định của chương trình chưa cao, thường xuyên xảy ra lỗi. Gần như file nào tôi cũng phải render đi lại nhiều lần mới xong. Hơn nữa máy móc chưa có nhiều, chương trình dựng nối các cảnh vào với nhau cũng không có. Mọi thứ đều làm thủ công lắm”, anh nhớ lại.

 

Gần một tháng mày mò, phần hiệu ứng 3D cho đoạn quảng cáo cũng hoàn thành. Chỉ là một cảnh đồng lua xào xạc bên dưới, chữ ACB xuất hiện phía trên và ánh sáng, trời mây ở phía sau, chính Nguyễn Lương cũng cảm thấy nó “cứng” và “ngô nghê”. Nhưng dù vậy nó cũng là điểm bắt đầu để anh được thỏa mãn sự tò mò và biết đâu là đam mê của mình…

Dần dần, anh gặp Đặng Hà, rồi Mạnh Tuấn…những người cùng đam mê công nghệ mới và thích làm 3D. Từ bỏ những chỗ làm ổn định, đáng mơ ước từ VNPT, Thông tấn xã Việt Nam… kèm theo không ít những hoài nghi từ người thân, bạn bè… họ vẫn quyết định tự tách ra ngoài,vừa nghiên cứu vừa phát triển đam mê của mình. Và rồi nhóm Vitafilm chính thức ra đời, với gần chục nhân sự cứng có xuất phát điểm rất khác nhau: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến Trúc, Đại học mĩ thuật …. “Chúng tôi hi vọng có thể tập hợp được những anh em có cùng đam mê để làm được điều mình yêu thích, làm được những sản phẩm công nghệ cao hơn sau từng ngày cố gắng, đạt được chất lượng tốt như nước ngoài làm trong tương lai gần”, anh Đặng Hà bộc bạch.

 

 

Và sự vượt khó để có thể cán đích…

Đồ họa 3D là công việc tạo nghệ thuật đồ họa bằng cách tạo ra các cảnh 3 chiều với sự trợ giúp của máy tính và các phần mềm 3D đặc biệt. Anh Đặng Hà cho biết, ở Việt Nam trước kia không có bất cứ một trường lớp nào đào tạo một cách bài bản về 3D. Những người trong nhóm anh gần như phải tự mò mẫm các kiến thức từ đầu. Hiện nay đã có một số trường đào tạo về đồ họa 3D, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc đào tạo những bước căn bản nhất. Khá nhiều nhân sự trong nhóm Vitafilm từng được học qua các khóa đào tạo về công nghệ này, nhưng khi bắt tay vào thực tế đều thấy rõ gần như không có gì, phải đầu tư thêm rất nhiều. “Bây giờ tài liệu trên internet rất nhiều. Nhiều nước họ cũng mở dịch vụ dạy online. Bọn mình thường bồi bổ kĩ năng bằng cách lên internet download tài liệu về rồi tự mày mò. Khi người nào tìm được hiệu ứng hay cách làm hay thì chia sẻ với cả nhóm để bàn bạc, trao đổi và tìm ra cách làm tốt nhất cho mỗi sản phẩm. Đôi khi bọn mình vẫn thường đùa nhau là cả nhóm đang được du học tại chỗ”, một thành viên trong nhóm hài hước chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Lương, trở ngại lớn nhất với nhiều người trong việc tạo hình 3D là họ khó hình dung được trong tâm trí họ về hình thể 3D trước khi đưa lên màn hình máy tính. “Việc hình dung sản phẩm cuối cùng khá dễ dàng với một số người, trong khi với một số khác thì rất khó, thậm chí là không thể hình dung. Trong khi, đó lại là điều mấu chốt để thiết kế 3D. Tuy nhiên, nếu chịu khó thực hành nhiều thì sự hình dung sẽ đến với người thiết kế một cách không quá khó”.

Từ một phần mềm sơ khai 3D S4 anh Lương dùng trước kia, đến giờ các thành viên của VitaFilm đã có thể cập nhật, ứng dụng và sử dụng thành thạo nhiều phần mềm mới, hiện đại vào các sản phẩm của mình: Autodesk 3DMAX, Maya, Motion Buider, Zbrush… Cùng với đó, chất lượng các sản phẩm cũng ngày một cao hơn, tinh hơn và được đánh giá cao hơn. Nhóm đã thực hiện được nhiều clips quảng cáo cho các doanh nghiệp lớn như VinGroup, CMC IS,  Tổng công ty Sông Đà… “Mục đích của Vitafilm là có thể ứng dụng đồ họa 3D nhiều trên phim điện ảnh. Tuy nhiên với điều kiện còn nhiều hạn chế về mặt kĩ thuật và kinh tế như bây giờ thì trước mắt nhóm vẫn tập trung vào ứng dụng 3D cho các quảng cáo. Gọi là lấy ngắn nuôi dài”, anh Hà bộc bạch. . .

 

Đến thời điểm này, thay vì chỉ tập trung vào ứng dụng đồ họa 3D trong quảng cáo, Vitafilm bắt đầu kết hợp làm cả phần nội dung, tiền kì và hậu kì, tham gia vào nhiều hơn việc ứng dụng đồ họa 3D cho các dự án phim điện ảnh, hướng dần tới mục đích chính của mình. Dự án ứng dụng đồ họa 3D cho phim hài Táo quân 2010 của Đài VTC đã đánh dấu bước ngoặt của Vitafilm cũng như ngành đồ họa 3D ở Việt Nam khi đưa vào sự tương tác giữa nhân vật thật, cảnh quay thật và 3D. Lần đầu tiên khán giả truyền hình cả nước được chứng kiến các Táo báo cáo Ngọc Hoàng trong một không gian thiên đình rất “thật”, với cung điện, mây bay khói tỏa… thay vì một sân khấu với duy nhất một bối cảnh.

Theo thỏa thuận với VTC, Vitafilm sẽ đảm nhận toàn bộ phần đồ họa 3D cho phim Táo quân kéo dài khoảng 15 phút. Tuy nhiên, khi bộ phim quay xong thì thời lượng phải xử lý 3D lên tới… 30 phút. “Nghĩ lại cũng thấy nhóm mình liều. 29 Tết phim lên sóng, vậy còn chưa tới 10 ngày để xử lý 30 phút đồ họa 3D. Toàn bộ ứng dụng lúc đó đều là ứng dụng mới. Phải trộn cảnh quay thật với không gian 3D. Máy quay thật quay như thế nào, camera thật chuyển động ra sao thì mình phải lấy đúng nguyên chuyển động đó đưa vào máy tính, tưởng tượng và dựng khung cảnh trong máy tính sao cho phù hợp, sau đó mới ghép người vào. Việc thì nhiều, trong khi chỉ có bốn người làm, lại là làm lần đầu tiên. Đó là một áp lực kinh khủng”, anh Hà nhớ lại. Hai người làm đồ họa 3D, hai người dựng phim, làm màu cho phim, trộn các kĩ xảo… gần như cả nhóm phải làm cả ngày lẫn đêm trong suốt thời gian đó. Và cũng may, phim lên sóng đúng thời hạn, bối cảnh 3D của phim cũng nhận được những phản hồi tốt từ khán giả.

Sau thành công của phim Táo, Vitafilm đã mạnh dạn triển khai những dự án trọn gói, kết hợp cả phần tiền kì, đồ họa 3D và hậu kì. Gần đây nhất nhóm đã thực hiện clips TVC cho công ty CMC theo thể loại hành động.

Ý tưởng về một quảng cáo mang màu sắc giả tưởng, hành động, cả nhóm đã phải ngồi lại với nhau để có thể cụ thể hóa câu chuyện bằng hình ảnh. Tiếp đó là tìm những bối cảnh tương đồng để quay, hình dung khi chuyển từ hình ảnh tĩnh sang động sẽ như thế nào. Tất cả đã phải hình thành một video nháp…. “Dù làm quảng cáo nhưng chúng tôi nhìn theo hướng phim truyện nhiều hơn. Phải mất đến 6 tháng Vitafilm mới có thể hoàn thiện sản phẩm của mình”, đạo diễn Mạnh Tuấn chia sẻ. Anh cũng cho biết, làm đạo diễn 3D không khác nhiều về mặt chuyên môn so với đạo diễn phim ảnh thông thường, tuy nhiên phải tìm hiểu được bản chất hình ảnh mình sẽ quay. Khi có sự kết hợp giữa người thật, việc thật, không gian thật với đồ họa 3D thì phải tư duy từ 3D sang không gian thật, phải hình dung con người 3D, không gian 3D.. sẽ như thế nào sau đó mới đặt vào trong không gian thật để ghi hình.

Trên thế giới, ứng dụng tương tác giữa người thật, cảnh quay thật với 3D đã đạt đến trình độ cao và được ứng dụng nhiều trong các bom tấn: Avatar, Sự nổi dậy của loài khỉ, Transformer… Nhưng ở Việt Nam, nó mới ở bước khởi đầu, đòi hỏi những người làm phải tự mày mò vượt qua rất nhiều rào cản kĩ năng và kĩ thuật. Một khó khăn cho Vitafilm cũng như những người làm phim ảnh ứng dụng đồ họa 3D ở Việt Nam nói chung là hệ thống để làm ra độ phân giải lớn đạt chất lượng in tráng phim được đòi hỏi hệ thống máy móc hiện đại; các máy móc kĩ thuật dùng để bắt các chuyển động thật để ghép vào 3D cũng đều đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao. Hiện nay ở Việt Nam cũng xuất hiện một vài thiết bị nhưng chất lượng chỉ đáp ứng được cho chuyển động trong game chứ chưa ở mức độ dành cho phim truyện được. Chính vì thế, phần lớn các công đoạn kĩ thuật nhóm đều phải thực hiện theo cách thủ công và cố gắng tạo ra hiệu ứng hình ảnh tốt nhất.

Bên cạnh đó, thiếu nhân lực là một trong những cái khó của việc làm phim ảnh ứng dụng 3D ở Việt Nam. Với ekip khoảng 10 người như của Vitafilm, các thành viên trong nhóm đều phải nỗ lực hết mình, một người phải kiêm nhiệm 2-3 việc khác nhau để có thể hoàn thiện sản phẩm. “Nhiều người vẫn nói làm 3D là một mốt thời thượng, kiếm thu nhập cao. Nhưng để có thể theo đuổi công việc này thì cần phải có một sự kiên trì và thực sự đam mê, bởi mọi thứ đều là khởi đầu và đều phải tự mình mò mẫm, tự mình vượt qua những rào cản. Cho đến thời điểm này thu nhập bọn mình có được chỉ đủ duy trì cuộc sống chứ chưa thể gọi là cao. Nhưng quan trọng nhất cả nhóm được làm những gì mình đam mê, đó là ngọn lửa giúp duy trì Vitafilm suốt những năm qua và mình cũng sẽ cùng mọi người giữ lửa cho nó luôn tỏa sáng”, anh Hà bộc bạch.

Dù chưa thực sự hoàn thiện, nhưng ít nhiều những sản phẩm của Vitafilm đã nhận được những phản hồi tốt từ phía người xem. Nó phần nào cho thấy sự tiến bộ từng bước trong việc ứng dụng đồ họa 3D ở Việt Nam và là tín hiệu đáng mừng để khán giả trong nước có thể tin tưởng vào tương lai sáng  hơn.


MT


Bình luận
vtcnews.vn