Những câu nói truyền cảm hứng của Chủ tịch Viettel Nguyễn Mạnh Hùng

Kinh tếThứ Hai, 23/07/2018 19:20:00 +07:00

Chủ tịch Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng là thuyền trưởng, là người truyền cảm hứng với nhiều câu nói ấn tượng.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel vừa được Ban Bí thư chỉ định làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 - 2009).

Ông cũng được xem là thuyền trưởng của Viettel. Trong chặng đồng hành cùng với Viettel, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hùng để lại nhiều câu nói truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.

2

  (Ảnh: Cafebiz)

Phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng trước người Viettel vào năm 2011 về kế hoạch của tập đoàn từng gây sốt trong thời gian dài.

Ông Hùng chia sẻ: Viettel sợ nhất là thành công, vì sau thành công sẽ là sự đi xuống. Ngày trước khi chúng tôi đi chọn số cũng chọn đầu số 8 (098) là vì nỗi sợ hãi đó. Chúng tôi sợ số 9 vì sau số 9 sẽ đi về số 0, chọn số 8 để tiếp tục phát triển... Ngày hôm nay, Viettel đang đứng số 1 chiếm tới 48,5%, và đối thủ đứng thứ 2 kém khoảng 10%. Chúng tôi đang phải giải nỗi sợ hãi đó.

“Chúng ta không có ông chủ và người làm thuê. Chúng ta là những người lao động trong chính ngôi nhà của mình, trên mảnh đất của mình. Chúng ta là những người làm chủ” - Đây là thông điệp ông Nguyễn Mạnh Hùng gửi đến toàn nhân viên Viettel tại Đại hội công đoàn lần thứ 5 vào đầu tháng 4/2018 cũng khiến người Viettel thêm nức lòng.

1

  (Ảnh: Cafebiz)

Trong câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng với các nhà lãnh đạo Tập đoàn FPT - tập đoàn đối thủ của Viettel trên nhiều lĩnh vực, ông nói: "Nếu có người hỏi vì sao ông không lập một công ty để đánh lại FPT", ông sẽ trả lời rằng: “Tôi nghĩ lại thấy nếu bây giờ làm một công ty để đánh lại FPT chắc tôi cũng đủ tiền làm, nhưng làm để làm giỏi như FPT thì chắc là không có cửa. Viettel chỉ có một cửa duy nhất để hơn được FPT là làm cái khác đi.”

“Muốn thay đổi hãy thắt lại dây giày và tiến bước”. Đó là thông điệp ông Nguyễn Mạnh Hùng gửi đi trong đại hội Đoàn Thanh niên của Tập đoàn Viettel năm 2017 để kêu gọi cùng xây dựng một Viettel mới.

Ông Hùng cho rằng: “Mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và chỉ có một quãng tuổi trẻ. Tuổi trẻ nói chung và thanh niên Viettel nói riêng đang có trong tay tài sản quý giá nhất chính là thời gian. Người trẻ, đừng để thời gian trôi đi vô nghĩa”.

Trong cuộc gặp mặt với các thành viên của Hiệp hội Internet Việt Nam tại trụ sở của Tập đoàn Viettel tháng 4/2016, ông Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu câu chuyện với nhận xét về cách người trẻ khởi nghiệp: “Từ ngày đầu đã được bơm tiền, vũ trang đến tận răng thì khó xả thân và làm việc quên mình lắm. Tôi nghĩ khởi nghiệp đầu tiên là phải bán chiếc xe máy của mình đi, chỉ khi đó mới có thể thành công”

1 3

 

Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 28 năm ngày thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), khi đó ông Nguyễn Mạnh Hùng là Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel có bức "tâm thư" gửi đến đại gia đình Viettel. Bức thư dù ngắn nhưng lại có sức lay động và truyền cảm hứng mãnh mẽ đối với nhiều nhân viên Viettel.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nêu thông điệp: "Ngày mai sẽ luôn khó khăn hơn ngày hôm nay" và "nếu hiểu quy luật ấy thì sẽ biết ơn những mục tiêu cao, sức ép lớn, thay đổi liên tục mà mỗi người Viettel luôn phải đối diện hàng ngày".

“Đừng bao giờ cho không ai cái gì. Cho không là tự hạ mình và còn làm hỏng cả chính người sử dụng”. Đây cũng là một câu nói gây sốt của thuyền trưởng Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, đó là bài học Viettel rút ra từ câu chuyện đưa điện thoại về nông thôn.

1 4

 (Ảnh: Cafebiz)

Trong bức thư cảm ơn tới các gia đình của cán bộ nhân viên Viettel trong Ngày gia đình 28/6/2016, ông Hùng viết: "Tôi muốn chúng ta sẽ cùng nhau kết thúc công việc trong ngày và trở về với gia đình sớm hơn thường lệ. Và dù chỉ là một tiếng đồng hồ, chúng ta vẫn có thể biến một tiếng đồng hồ ấy trở nên thật sự có ý nghĩa với gia đình, với tổ ấm của mình. Đưa con đi mua một cuốn sách, cùng nhau chuẩn bị một bữa cơm, trở về với cha mẹ,... hay bất cứ điều gì để thêm một lần nữa cảm nhận những giá trị thiêng liêng mà gia đình mang lại cho mỗi chúng ta".

Minh Vân
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn