Những câu chuyện thú vị về các nhà giáo nổi tiếng

Giáo dụcThứ Hai, 19/11/2018 11:25:00 +07:00

Sự giản dị đến mức luộm thuộm của GS. Lê Đình Kỵ, GS. Nguyễn Đổng Chi từng ngồi trong màn viết sách... là những câu chuyện thú vị về các nhà giáo nổi tiếng Việt Nam qua lời kể của PGS. Trần Hữu Tá.

Cuốn Từ bục giảng đến văn đàn của PGS. TS Trần Hữu Tá (NXB Trẻ) kể về 25 nhà giáo tiếng tăm, những người có nhiều môn đệ thuộc các thế hệ nối tiếp nhau.

Họ là những nhà giáo thuở sơ khai của nền tân học như Trương Vĩnh Ký, hay gây dựng nền giáo dục sư phạm mới của nước Việt Nam DCCH như Dương Quảng Hàm, Vũ Đình Hòe, các học giả uy tín như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi... cho đến những nhà sư phạm đầu ngành như Lê Trí Viễn, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh...

Những trang sách của PGS Trần Hữu Tá đưa người đọc ngược về lịch sử, ở thời kỳ khó khăn của đất nước. Với các thầy ở thế hệ trên, ít có điều kiện tiếp xúc, gần gũi, ông tập trung viết về đóng góp của các thầy với nền giáo dục nước nhà. Dù vậy, ông vẫn thể hiện những nét chấm phá vẽ nên chân dung đời thường rất gần gũi của những người thầy đáng quý.

Điển hình như ở GS Đào Duy Anh là tinh thần, thái độ lao động học thuật. Dù chỉ cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ, nhưng thầy đi đến hết tất cả các địa danh liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu để khảo sát thực địa.

daoduyanh1

GS Đào Duy Anh. (Ảnh: Wikipedia)

Chính sự miệt mài đó, GS Đào Duy Anh thu nhặt được khối lượng tài liệu đáng nể, như sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, thầy có tới 8 bản chép tay. Với sức làm việc phi thường cùng tinh thần lao động nghiêm túc, GS Đào Duy Anh đã trở thành nhà từ điển học và nhà sử học xuất sắc của nước ta.

Còn GS Nguyễn Đổng Chi, tác giả bộ sách 5 tập nổi tiếng Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cùng nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian giá trị khác, cũng phải vượt qua vô vàn khó khăn của cuộc sống trong thời kỳ chống Mỹ để làm việc.

"Nhiều đêm muỗi kêu vo ve, GS đặt cái bàn làm việc nhỏ vào trong màn trên chiếc giường cũ kỹ. Mà cái bàn có cao rộng, trắng trẻo đẹp đẽ gì đâu. Đình màn thấp lè tè, vải màn màu vàng khè. GS ngồi trong đó, dưới ánh đèn dầu hỏa, vẫn nghiên cứu và viết", tác giả kể lại.

nguyendongchi 3

GS Nguyễn Đổng Chi (Ảnh: Wikipedia)

Giản dị cũng là điều mà PGS Trần Hữu Tá nhận thấy ở GS Lê Đình Kỵ - nhà lý luận văn học hàng đầu, người thầy của các thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cho rằng trong giới trí thức, hiếm ai giản dị hơn GS Kỵ - giản dị đến mức hơi luộm thuộm.

GS Kỵ luôn quan niệm "Với mình, thế nào cũng xong, mình quen nếp sống ấy từ bé rồi". Toàn bộ thời gian của ông chỉ dành cho việc đọc, nghĩ và viết, và kết quả là đào tạo ra nhiều lớp học trò viết được nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc và những bài bình thơ tinh tế, giàu sức thuyết phục.

Với các đồng nghiệp cùng thời, nhờ mối quan hệ và cách "nhìn gần", PGS Tá mới nhận ra ở NGND. GS Nguyễn Đăng Mạnh - chuyên gia xuất sắc về văn học Việt Nam hiện đại - những nét cá tính độc đáo.

Đó là thời kỳ thầy Mạnh dạy ở Đại học sư phạm Vinh, vẻ ngoài của thầy "phong trần và bụi hơn các thầy khác", vì thầy luôn mang trên người: "Chiếc áo sơmi vải popeline màu cỏ úa như nhàu hơn, cái quần kaki Trung Quốc như sờn hơn, đôi dép lốp của anh khó có thể mòn hơn. Đặc biệt, thầy luôn kè kè với chiếc mũ lá bợt mép".

Thầy Trần Hữu Tá kể lại một câu chuyện cười ra nước mắt về việc GS Nguyễn Đăng Mạnh từng bị nghi là buôn lậu. Đó là lần "nhà Nguyễn Tuân học" đạp xe lên Thái Nguyên thăm vợ con đang sơ tán rồi trở về Hà Nội. Thấy bọc hành lý của ông khá kềnh càng, các cán bộ thuế nghi là buôn lậu chè Thái Nguyên, nhưng khi mở ra thì toàn sách với quần áo, khoai sắn.

Sau này, khi chuyển vào công tác tại miền Nam, PGS Trần Hữu Tá quen biết nhiều nhà giáo, nhà văn người miền Nam và ông đã kể về họ bằng những dòng văn đầy trân trọng trong cuốn sách của mình. Nhân vật của ông là học giả Giản Chi, người quê ở làng Cót, Hà Nội nhưng sống bằng nghề dạy học tại miền Nam qua các trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Sư phạm Sài Gòn, Đại học Huế.

Ông là đồng tác giả những cuốn sách về lịch sử và triết học nổi tiếng với học giả Nguyễn Hiến Lê như Đại cương triết học Trung Quốc, Hàn Phi Tử, Tuân Tử, Chiến quốc sách... Nhân vật của ông còn là nhà giáo Võ Hồng - một nhà văn có những tập truyện ngắn ấn tượng, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân - người được coi là "nhà Quảng học" uy tín, hay GS Thẩm Thệ Hà - cây bút tiểu thuyết có sức viết đáng nể.

Với mỗi nhân vật, PGS Trần Hữu Tá cố gắng giới thiệu khái quát những cống hiến của họ trong cả hai lĩnh vực trồng người cũng như sáng tác hoặc nghiên cứu, từ đó làm nổi bật lên những vinh dự của những người thầy nổi tiếng cả trên bục giảng và văn đàn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Hữu Tá sinh năm 1937 tại Hưng Yên, học Đại học sư phạm Hà Nội từ năm 1956 đến 1959. Ông nguyên là giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau năm 1975 ông chuyển vào làm Trưởng khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM. Khi về hưu, ông tiếp tục làm Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM.

PGS Trần Hữu Tá là chủ biên sách giáo khoa văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa văn lớp 12. Ông cũng là tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tờ báo của cả nước.

Tiên Long
Bình luận
vtcnews.vn