Những câu chuyện có thật quanh kho báu vàng ròng ở Quảng Bình

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 09/08/2016 06:35:00 +07:00

Đồng tiền màu vàng chóe, khá dày, như vàng mười, một bên khắc hình con rồng, bên kia hình con phượng, lại có thêm mấy chữ Tàu nho nhỏ.

Kỳ 2: Những câu chuyện có thật về kho báu khủng ở đại ngàn Trường Sơn

Hơn một thế kỷ qua, từ cuộc thoái lui của phe chủ chiến triều Nguyễn về các căn cứ giáp biên giới Việt Lào, sau trận đánh úp đồn Mang Cá (Huế) thất bại, đã xuất hiện nhiều thông tin, giai thoại về một kho vàng bí mật vua Hàm Nghi đã chôn giấu sau khi rời khỏi hoàng thành. Vậy câu chuyện đó thực hư như thế nào?

Bà Đinh Thị Cần ở thôn Đặng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, cha mẹ của bà thường kể lại, trước khi đức vua bị phản bội và bắt giữ, ngài đã cho quân và dân phu đi giấu vàng ở khắp nơi trong huyện Minh Hóa. Trước khi cất giấu, những người này được vua cho ăn ngon, mặc đẹp, rồi bịt mắt dẫn đến những địa điểm núi non hiểm trở.

Sau khi cất giấu vàng, vua lệnh cho giết hết nhằm bịt đầu mối về địa điểm kho báu. Tuy nhiên, trong đoàn vẫn có người bỏ trốn được, nên thông tin bắt đầu lan truyền ra ngoài. Có đợt dân kéo nhau lên rừng, vào hang đi tìm, nhưng địa điểm cụ thể như thế nào thì không ai có thể biết.

Một câu chuyện nữa vẫn được những cụ già ở Minh Hóa, vùng giáp với Khu bảo tồn Phong Nha Kẻ Bàng lưu truyền: Hồi những năm đầu của thế kỷ 20, bỗng xuất hiện hai vợ chồng người Hoa đến sinh sống ở vùng đất này. Vì không có con nên trước khi chết, họ có gửi lại cho người thân một cuốn gia phả có nói về một địa điểm cất giấu vàng ở vùng giáp Phong Nha.

Sau đó một thời gian, có nhiều người Hoa lấy danh nghĩa đi tham quan du lịch đã đến đây đào bới, nhưng vàng đâu chả thấy mà đã có vài người mất mạng, người sống thì về tay không, thần hồn nát thần tính. Sau này không thấy ai quay lại nữa.

IMG_20160731_084904

 Núi rừng Minh Hóa

IMG_5927

 Một trong những địa điểm được đồn thổi là có tồn tại kho báu vua Hàm Nghi

Các cụ khẳng định rằng, bằng cách nào đó mà những người Hoa này đã có được thông tin về kho báu vua Hàm Nghi. Rất có thể khi rút về những căn cứ kháng chiến, đại thần Tôn Thất Thuyết đã giao đức vua cho con trai và những tướng lĩnh thân cận khác bảo vệ rồi sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh và ở lại luôn bên đó, và thông tin về những địa điểm chôn giấu tài sản của nhà Nguyễn dọc những căn cứ miền núi giáp biên giới Việt Lào đã bị lộ.

Vào những năm 1930 – 1932, trong khi tiến hành khai thác thuộc địa để làm giàu cho chính quốc, không biết người Pháp có thông tin gì về cuốn gia phả của người Hoa kia không, hay là căn cứ vào những tấm họa đồ thu được trên người vua Hàm Nghi, nhưng họ đã tiến hành tìm kiếm, thăm dò, đào bới, khai quật trên diện rộng ở vùng đất Minh Hóa này.

t597603

 Báu kiếm và báu vật mà vua Hàm Nghi để lại. Ảnh tư liệu

Untitled

 Ba con voi bằng vàng và bằng đồng - Báu vật vua Hàm Nghi ban tặng cho người dân Hương Khê, Hà Tĩnh trong lần qua đây năm 1885. Ảnh tư liệu

Ông Đinh Hồng Nhâm (vẫn thường gọi là Người rừng Minh Hóa, người phát hiện ra hang động Tú Làn) kể lại rằng, hồi bố ông còn sống, người Pháp có phát hiện ra một số báu vật ở vùng đất này. Bằng chứng là khi phát xít Nhật tràn vào, quân Pháp bỏ chạy, một viên quan ba râu tóc xồm xoàm đã thuê mấy người dân ở thị trấn Quy Đạt khênh theo mấy cái hòm to tướng, khóa chặt, vượt qua dốc Cà Bời chạy vào trong khu vực núi non trùng điệp Hóa Sơn, nương nhờ một gia đình trong ấy.

Liên tiếp những ngày sau đó,  mỗi ngày ông quan ba Pháp lại thuê 4 thanh niên trong làng khênh mỗi hòm về một hướng. Cuối ngày trở về, người ta lại thấy những vật dụng mang theo như dao găm, cuốc xẻng mà cả nhóm mang theo bị toét hết cả. Họ bào rằng đó là dấu tích của việc khoét sâu vào trong vách đá.

Đến cái hòm cuối cùng sau khi cất giấu xong, thì dân Hóa Sơn thấy chỉ có mỗi viên quan ba trở vể, quả lựu đạn lúc nào cũng đeo kè kè bên người cũng biến mất. Quan Pháp trả tiền công cơm nước cho chủ nhà là một miếng vàng nhỏ, rồi nhanh chóng đi mất, sau cũng không thấy quay lại. Trong khi đó, 4 thanh niên được thuê khuân hòm lên núi không ai thấy xuất hiện nữa. Theo đồn đại thì họ đã bị giết để bịt đầu mối.

Không lâu sau đó, một đêm, giữa lúc tất cả đang yên giấc, thì mọi người bỗng choàng tỉnh bởi nghe thấy tiếng nổ, nhưng không ai xác định được tiếng nổ xuất phát từ đâu giữa những ngọn núi mênh mông chót vót xung quanh. Họ chỉ đoán là có con gấu hay con khỉ đã vô tình đi qua và vướng phải quả đạn.

Cũng từ đó, không ai nghe thấy tung tích hay những câu chuyện liên quan đến mấy cái thùng sắt mà quan ba Pháp cất giấu ở Hóa Sơn nữa. Mãi về sau, một người dân ở Hóa Tiến trong khi đi rừng đã nhặt được một khẩu súng kíp bên lèn đá ngay bờ suối, không thấy vàng đâu. Mang về làng hỏi thì các cụ già nhận ra ngay, đó là khẩu súng của viên quan ba hồi trước.

Ông Đinh Minh Đàn (Trung Hóa, Minh Hóa) kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật mà ông là người chứng kiến, khi chúng tôi tìm hiểu sự thật về kho báu vua Hàm Nghi. Hồi đấy, ông Đàn còn thanh niên trai trẻ, một lần mắc bệnh phải lên bệnh viện Minh Hóa nằm chữa trị. Ngay cạnh giường bệnh của mình có một người đàn ông tên Tấn làm giáo viên ở xã Hóa Hợp cũng nằm cùng. Những lúc rảnh rỗi, 2 người thường tâm sự với nhau, nên một thời gian sau thì khá thân thiết.

IMG_20160730_090620

 Ông Đinh Minh Đàn: "Kho báu vua Hàm Nghi là có thật" 

Lúc cả 2 xuất viện, thì ông Tấn hết sạch tiền, vợ con đi mượn ở xã Hóa Hợp cũng không có, đành quay sang mượn gia đình ông Đàn một lượng tiền khá lớn để chi trả. Ông Tấn bảo: “Giờ hết cách rồi, không giấu được nữa, thôi thì mọi người cứ cho em mượn tiền thanh toán viện phí, rồi em bán vàng em trả".

"Lúc ấy, không ai tin, nhưng khi ông giáo viên kéo chúng tôi về và moi trong cột nhà ra mấy đồng tiền, thì ai cũng há hốc. Đồng tiền màu vàng chóe, khá dày, cứ như là vàng mười ấy, một bên khắc hình con rồng, bên kia hình con phượng, lại có thêm mấy chữ Tàu nho nhỏ phía dưới, tôi không dịch được. Hôm sau đã thấy ông Tấn trả hết sạch nợ cho tôi rồi. Hỏi mãi thì ông Tấn mới bảo là vàng nhặt được dưới con suối ở Hóa Sơn trong một lần đi đánh cá cải thiện bữa ăn”, ông Đàn kể lại.

Ông Tấn còn kể cũng ở khu vực Hóa Hợp ấy, hồi chưa cải cách ruộng đất, có một người đàn ông tên Đạo làm nghề đánh cá. Một đêm ông ta âm thầm vác theo một tay nải chứa đầy vàng, lặn lội theo con suối vào sâu trong thung lũng, rồi âm thầm chôn giấu ở cái hang cua dưới suối, rồi đánh dấu ký hiệu, ghi nhớ địa điểm. Nhưng mới được mấy ngày thì mưa to như trút, nước lũ từ thượng ngồn đổ về lênh láng, cây cối cứ theo dòng nước bật gốc trôi lềnh bềnh xuống dưới xuôi. Ông Đạo hoảng hồn kéo người nhà quay lại vị trí cũ thì không còn cái gì nữa, nhưng lại xuất hiện thêm 5 cái hố đào mới, cái tay nải biến mất, như là có kẻ trong lúc mưa gió đã âm thầm đào trộm.

Ông Đạo ốm nằm bệt giường cả tuần lễ, rồi khóc rưng rức kể lại mọi chuyện với dân làng, mọi người mới vỡ lẽ ra mọi chuyện.

Còn tiếp…

Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn