Những 'canh bạc lớn' của Thế Giới Di Động

Kinh tếThứ Hai, 02/11/2015 07:48:00 +07:00

Sự thành công của chuỗi điện máy Thế Giới Di Động là một canh bạc lớn: Canh bạc của những nỗ lực không ngừng đổi mới.

(VTC News) - Thành lập từ năm 2004, 11 năm phát triển, con đường thành công của chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam Thế Giới Di Động, người sáng lập - ông Nguyễn Đức Tài - và những người đồng sáng lập là một canh bạc lớn: Canh bạc của những nỗ lực không ngừng đổi mới.

Với việc phát triển quy mô ngày càng lớn và doanh thu năm 2014 đạt 15.800 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2013, không có gì lạ khi Thế Giới Đi Động tiếp tục lần thứ 6 liên tiếp có mặt trong danh sách 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á do tạp chí Retail Asia Magazine bình chọn và xuất sắc trở thành nhà bán lẻ công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Đặc biệt, năm nay ở vị trí 274 trong top 500, Thế Giới Di Động (MWG) đã tăng 135 bậc so với năm ngoái, ở vị trí 409. Xét riêng trong top 10 các nhà bán lẻ ở thị trường Việt Nam, Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ xếp ở vị trí thứ hai sau Saigon Coop ở lĩnh vực siêu thị (Supermarket), như vậy MWG đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu ở lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ (Hardline).
Thế Giới Di Động đã vượt đích 500 cửa hàng vào tháng 11 này
Thế Giới Di Động đã vượt đích 500 cửa hàng vào tháng 11 này 

Như mọi năm, giải thưởng được vinh danh bởi tạp chí Retail Asia dựa trên thông tin của Euromonitor, nhà nghiên cứu và phân tích thông tin thị trường hàng đầu thế giới. Bảng xếp hạng năm nay dựa trên những số liệu từ năm 2014, năm Thế Giới Di Động có tổng cộng 319 siêu thị với doanh thu hơn 15 ngàn tỷ đồng. Hiện số lượng siêu thị của công ty đã tăng lên nhanh chóng và cán mốc 500 cửa hàng thegioididong.com và hơn 50 siêu thị Điện máy Xanh, đồng thời doanh thu năm dự kiến sẽ đạt hơn 23.000 tỷ đồng.

Trong danh sách 10 nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, Thế Giới Di Động cũng là nhà bán lẻ có mức tăng doanh thu cao nhất, từ 9.800 tỷ đồng lên hơn 15.000 tỷ đồng. Như vậy, công ty hoàn toàn có thể hy vọng vào sự thăng hạng đột phá trong năm tiếp theo.

Việc Thế Giới Di Động tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong năm 2015 khiến thị trường ngạc nhiên, thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế ở Hà Nội không thường xuyên theo dõi còn vô cùng bất ngờ vì sự bứt phá ngoạn mục này.

Sau nhiều năm ăn nên làm ra với chuỗi cửa hàng bán hàng công nghệ cao (di động, điện thoại, máy tính bảng,…), hầu hết các chuyên gia đều đánh giá trong thời gian tới, doanh thu của Thế giới di động sẽ khó tăng nhanh như trước vì thị trường đã đạt tới điểm bão hòa. Lập luận này dựa trên việc chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động đã mở ra quá nhiều điểm, và ngày càng khó tìm thấy vị trí đẹp để mở nhanh như trước nữa.  

Đầu năm 2015, tập đoàn này bất ngờ chuyển hướng, quay trở lại tập trung cho mảng điện máy truyền thống với việc đổi tên chuỗi dienmay.com sang Điện máy Xanh và mở rộng với tốc độ chóng mặt, dự kiến sẽ có hơn 70 trung tâm vào cuối năm nay. Quyết tâm “lội ngược dòng” và bức tốc mạnh mẽ về cả lượng và chất của Điện máy Xanh trong khi thị trường đang ở giai đoạn khốc liệt nhất khiến cho nhiều người không khỏi lo lắng thay cho sự “can đảm” của tập đoàn này.

Kể cả những tên tuổi lớn nhất thị trường, như Nguyễn Kim cũng cho thấy sự khó khăn khi bán lại cổ phần cho hãng bán lẻ Thái Lan. Sau “hôn sự” với người Thái, động thái của Nguyễn Kim vẫn khá im ắng, trái ngược hẳn với mong đợi ban đầu về một cú “áp phe” thống lĩnh thị trường. Những khó khăn về mặt bằng, quản trị nguồn lực, kho hàng và logistics là những bài toán khó cho ngành này.

Mặc dù vậy, khi đã có trong tay nguồn lực mạnh và sự chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và ý chí về mọi mặt, thậm chí cả tâm lý dám đón nhận thử thách, dám thất bại, dám đương mình “vượt sóng” Thế Giới Di Động đã sẵn sàng cho sự tập trung và quyết tâm sẽ mang một diện mạo mới.

Dù ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám Đốc Công ty CP Thế Giới Di Động, từng chia sẻ việc khởi sự kinh doanh Điện máy Xanh hoàn toàn là cái duyên nhưng Ban lãnh đạo của tập đoàn luôn chứng tỏ cho các nhà đầu tư họ hoàn toàn tin tưởng vào “canh bạc này”.

Điện máy Xanh hiện vẫn đang trong quá trình mở rộng nhưng theo ông Doanh, chi phí cho việc mở rộng nằm trong “ngưỡng an toàn” khi tiền đầu tư chủ yếu lấy từ lãi kinh doanh của Thế Giới Di Động. Với nguồn tài chính từ “vốn tự có” này, Điện máy Xanh có nhiều lợi thế để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển đầy tham vọng của mình.
Điện máy Xanh dự kiến sẽ mở rộng đến 70 siêu thị vào cuối năm nay
Điện máy Xanh dự kiến sẽ mở rộng đến 70 siêu thị vào cuối năm nay 

Trong khi “canh bạc” Điện máy Xanh mới đang cho thấy những kết quả khả quan bước đầu, Thế Giới Di Động lại tiếp tục cho một canh bạc khác: Bán lẻ thực phẩm với chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh. Nếu Điện máy Xanh dù sao cũng là hàng điện máy và được hưởng lợi ít nhiều từ Thế Giới Di Động thì Bách hóa Xanh là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Khi được hỏi về việc liệu trong tương lai tập đoàn này sẽ kinh doanh thêm lĩnh vực nào khác nữa không, ông Doanh vẫn nhấn mạnh điều này tùy thuộc vào chữ duyên nhưng dù kinh doanh gì vẫn xoay quanh trục bán lẻ.

Như vậy, dù thương gia bán lẻ điện máy chuyển sang bán thịt thì với kinh nghiệm sẵn có trong kinh doanh bán lẻ, tập đoàn này có cơ sở để đi theo niềm tin và ước mơ của mình.

Càng mới thì tỷ lệ rủi ro càng cao, nhưng chắc chắn nếu thành công, món hời thu về cũng hơn gấp nhiều lần. Ông Tài nhận định, nếu thị trường laptop, điện tử có sức tiêu thụ 5 – 7 tỷ USD mỗi năm thì thị trường thực phẩm, hàng tiêu dùng phải có sức tiêu thụ gấp 5 lần như vậy. Trong khi đó, chỉ mới có 15% dân số tiếp cận với loại hình bán lẻ hiện đại, còn lại 85% chủ yếu vẫn là đi chợ truyền thống. Nếu Bách hóa Xanh nhanh tay chiếm lĩnh thị trường này, doanh thu của công ty sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1 tỷ USD.

Những nỗ lực mở rộng của Thế Giới Di Động cho thấy 2 điểm rõ ràng. Đầu tiên đó là áp lực tăng trưởng của chuỗi bán lẻ này là rất lớn. Việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2015 này có lẽ không phải là một nhiệm vụ khó khăn cho ban lãnh đạo của công ty. Tuy nhiên, tìm ra hướng phát triển mới trong tương lai, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển mới là điều quan trọng.

“Phần còn lại đó là tư duy đổi mới. Khi bạn đã lên đến đỉnh, sẽ chỉ có hai con đường. Hoặc là đổi mới để tiếp tục phát triển, hoặc giữ nguyên và dần thụt lùi. Thế Giới Di Động chọn con đường đầu tiên”, ông Tài chia sẻ.

Bảo Bình

Bình luận
vtcnews.vn