Những cái chết đã được báo trước

Thời sựThứ Hai, 14/09/2015 01:54:00 +07:00

Trong các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, tai nạn trên cao chiếm tỷ lệ lớn với các nguyên nhân chủ yếu là do ngã, sập đổ giàn giáo;

(VTC News) - Trong các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, tai nạn trên cao chiếm tỷ lệ lớn với các nguyên nhân chủ yếu là do ngã, sập đổ giàn giáo; cần cẩu nghiêng, đổ; té ngã từ trên cao; điện giật...

Tình trạng các trang thiết bị không đảm bảo các quy chuẩn, không thực  hiện đúng các quy định về an toàn lao động đã tạo ra những mối nguy hiểm khôn lường.
Vào cuối tháng 8/2015, tại khu vực phía trước Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (KCN Sa Đéc, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến hai công nhân tử vong. 
Trong lúc Công ty cổ phần xây dựng Nam Á đang thi công ép cọc bê tông bờ kè sông cho Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng thì cần cẩu bất ngờ bị cong và ngã ngang, rơi trúng hai công nhân đang làm việc. 
Hiện trường một vụ sập cần cẩu
Hiện trường một vụ sập cần cẩu 

Hậu quả là công nhân Hồ Hoàng Vũ bị chết tại chỗ, công nhân Đinh Khắc Vương bị thương nặng và qua đời sau đó. 
Trước đó, cũng tại Đồng Tháp đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm do ngã cần cẩu gây ra cái chết oan ức cho 3 người đi đường. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngày 5/5, Nguyễn Thái Quỳnh (là công nhân cơ khí thuộc Công ty Cổ phần Trường Lộc, TP.HCM) điều khiển cần cẩu để cẩu bồn chứa xi măng từ trên giá đỡ xuống mặt đất tại công trình thi công cầu Hồng Ngự 2 đã gây tai nạn. 
Trước khi điều khiển cần cẩu, Quỳnh có nhờ những công nhân khác hỗ trợ cảnh giới song khi chưa được hỗ trợ vẫn một mình điều khiển cần cẩu. Trong lúc đang cẩu, cần cẩu bị vặn, dẹo và ngã xuống đè chết 3 mẹ con chị Cao Tường Vân là những người đi đường. 
Sau vụ việc, cơ quan chức năng đã tạm giữ tài xế xe cẩu do hành vi “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”; đồng thời tiến hành kiểm tra kỹ thuật tại công trình không đảm bảo an toàn lao động này, điều tra trách nhiệm của những người khác có liên quan.
Theo quy định, đối với những người điều khiển xe cẩu phải có bằng cấp, được đào tạo chuyên môn, chứng chỉ an toàn về vận hành và có văn bản của người có thẩm quyền chỉ định. Tuy nhiên, tài xế Quỳnh chỉ có duy nhất bằng cấp được đào tạo chuyên môn vẫn điều khiển xe cẩu di dời bồn đựng xi măng và đã gây ra tai nạn nghiêm trọng. 
Các vụ sập cần cẩu cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác, phần lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, TP.HCM là nơi có nhiều công trình xây dựng trên cao và nơi đây là địa phương có nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến cần cẩu. 
Hiện trường một vụ sập cần cẩu
Hiện trường một vụ sập cần cẩu 
Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 400 công trình xây dựng sử dụng gần 600 cần cẩu cỡ trung bình và lớn các loại. Đa số cần cẩu là thiết bị cỡ lớn đòi hỏi trang thiết bị phải đảm bảo nghiêm ngặt các quy chuẩn cho phép, đồng thời người điều khiển, vận hành thiết bị phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bằng cấp, tay nghề. Song hiện nay việc sử dụng cần cẩu và vận hành còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nhận định, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn lao động trong xây dựng, đặc biệt là các công trình sử dụng cần cẩu đang tạo ra mối ẩn nguy lớn về tai nạn lao động cho chính những người trực tiếp thi công công trình, các công trình lân cận và ngay cả những người dân đi đường. 
Theo ông Việt, tại nhiều công trình xây dựng, công nhân vận hành máy móc cỡ lớn song có trình độ kỹ thuật và tay nghề rất đáng lo ngại. Nhiều người mới chỉ tốt nghiệp THPT, được trang bị kiến thức chuyên môn sơ sài là qua lớp học nghề 3 tháng và tập huấn an toàn lao động trong 3 ngày để được cấp chứng chỉ hành nghề là đã được giao vận hành cần cẩu. 
Trong khi đó, khâu đào tạo lao động, đào tạo kỹ năng an toàn lao động cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm. “Có lần tôi hỏi giảng viên lớp an toàn lao động cẩu tháp đi cáp 4 hay cáp đôi, giảng viên không trả lời được, vậy an toàn ở đâu? Có người chuyên ngành luật, không có kiến thức chuyên ngành kỹ thuật cũng đi giảng về an toàn lao động?”, ông Việt lo ngại.
Video: Hiện trường vụ sập cần cẩu của công trình đường sắt trên cao ở Cầu Giấy  


Ông Nguyễn Thành Thạo, một cai thầu ở quận 9-TP.HCM, nhận xét nhiều vụ tai nạn lao động có nguyên nhân do nhà thầu không thực hiện đầy đủ quy trình về an toàn vệ sinh lao động. Do cạnh tranh trong đấu thầu, phải bỏ thầu thấp để trúng thầu nên nhiều đơn vị thi công phải tìm cách giảm giá thành xây dựng. 
Trong đó, một số nhà thầu tiết giảm chi phí đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động như trang bị các thiết bị không đảm bảo chất lượng, hoặc tận dụng những thiết bị cũ không đảm bảo an toàn để thi công dù biết trước các thiết bị này có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn. 
Để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp thuê mướn lao động tay nghề thấp, công nhân vận hành thiết bị cần cẩu là phương tiện rất phức tạp nhưng người điều khiển chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn qua loa, chủ yếu là thợ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. 
Ngoài ra, nhiều vụ việc cũng có phần lỗi của người lao động do không tuân thủ quy trình, biện pháp làm việc an toàn; do chủ quan đã gây ra tai nạn đáng tiếc.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2015 cả nước đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động làm 277 người chết và 680 người bị thương nặng; thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động trên 41 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ khoảng 44.000 ngày. 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động chết người chiếm 56,6% là do người sử dụng lao động; 17,1% do người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; còn lại là do các nguyên nhân khác. 
Trong các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, tai nạn trên cao chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu là do ngã, sập đổ giàn giáo; cần cẩu nghiên, đổ; té ngã từ trên cao; điện giật… 
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiết bị không đảm bảo an toàn lao động, trong đó nhiều thiết bị quan trọng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (như thiết bị nâng, cẩu trục, cần cẩu tháp) không được kiểm định trước khi đưa vào vận hành, không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng.
Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Trần Vũ
Bình luận
vtcnews.vn