Những bức thư tình cảm động của người lính trong chiến tranh

Thời sựThứ Năm, 23/02/2017 07:15:00 +07:00

Chiến tranh đâu chỉ có đau thương mất mát, ở đó còn có cả những tình yêu mãnh liệt đạp lên bom đạn, súng gươm của kẻ thù.

Mới đây, VTC News đã gửi đến quý vị độc giả bức thư tình viết cho người yêu của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa (Nam Định), viết khi chiến tranh biên giới 1979 nổ ra. Viết vội bức thư, anh còn chưa kịp ghi địa chỉ để gửi đã phải hành quân lên biên giới chiến đấu với kẻ thù.

Anh hy sinh khi bức thư tình viết cho người yêu còn chưa được gửi. Phải mãi đến 34 năm sau, bức thư mới được trao tận tay bà Thúy, người yêu của liệt sĩ Hòa trong sự xúc động của nhân vật và những người chứng kiến.

top2-3737-1379993393

Bức thư tình của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa. Ảnh N.T. Hằng 

Chiến tranh là đau thương mất mát, nhưng ở đó có cả những tình yêu thiêng liêng và cao đẹp. Tình yêu đó được truyền tải, kết nối từ chiến trường này sang chiến trường khác, từ chiến trường về hậu phương. Và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để từ đó, những thế hệ đi sau hiểu được sự tàn bạo, mất mát, hy sinh của chiến tranh, để quý trọng hơn nền hòa bình chúng ta đang có.

Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả những bức thư tình như thế:

 “Ngày 30/4 /1971

...Bốn năm nữa Như Anh ‘đã trở thành con người hoàn chỉnh’, đã có thể trả lời câu hỏi: ‘Hạnh phúc là gì?’.

Chao ôi, Như Anh, Như Anh bé bỏng của Thạc. Sao câu trả lời của Như Anh lại hay và đẹp đẽ thế. Ừ, phải rồi, khi nào ‘trở thành người lớn thực sự, khi nào đóng góp được cho Tổ quốc, khi đấy ta mới trả lời được, hạnh phúc là gì!’. Cám ơn thầy Nga văn ngộ nghĩnh của Như Anh đã giúp cho Thạc hiểu được khía cạnh đẹp đẽ ấy của tâm hồn bạn.

... Bốn năm nữa biết bao sự kiện sẽ xảy ra. 30/4/1975 thì Thạc và Như Anh đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ ‘hạnh phúc là thế nào’ nhé! Thạc sẽ nhớ lời hứa này và sẽ chuẩn bị ‘ý tứ’ cho bức thư ngày ấy bằng cuộc sống bốn năm sắp tới.

Ngày 26/3/1972

Như Anh yêu dấu của Thạc…

Bây giờ đây Thạc muốn nói với Như Anh điều mà Thạc còn e ngại mãi: chờ Thạc, Như Anh nhé! Chờ Thạc đi chiến đấu trở về. Chắc không còn lâu nữa chiến tranh sẽ kết thúc thôi. Thạc sẽ trở về và lại đi học tiếp. Thạc lại mặc chiếc áo xanh da trời xanh màu thương nhớ. Lại hò hẹn Như Anh…

Thôi nhé, bắt tay cô sinh viên nào. Vui và khỏe nhé. Học giỏi nhé, thỉnh thoảng nhớ Thạc chụp ảnh và viết thư gửi về cho Thạc nhé. Cứ nhé mãi thôi. Đừng ‘ghét Thạc’ nhé!

Xiết chặt Như Anh. Thạc của Như Anh” - thư tình trong “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc

maimaituoi20

Ảnh bìa cuốn nhật ký nổi tiếng Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. 

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (sinh năm 1952) - tác giả của cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” nhập ngũ (ngày 6/9/1971). Trong những ngày tháng ở chiến trường, Nguyễn Văn Thạc và bạn gái Như Anh thường xuyên có những bức thư chứa chan nỗi nhớ thương da diết và mong ngày đất nước toàn thắng để hội ngộ. Song, Nguyễn Văn Thạc đã không thể trở về, anh hy sinh ngày 30/7/1972.

Cũng như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng phải xa cách mối tình lên đường chiến đấu với kẻ thù xâm lược khi tuổi còn xuân. Và chị ngã xuống trên chiến trường Quảng Ngãi vào năm 1970. Khi cuốn nhật ký của chị được một cựu binh Mỹ lưu giữ, trả lại cho gia đình. Người ta đã thấy trong đó những bức thư tình xúc động về mối tình trong thời chiến.

dangthitram

Hình ảnh liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được in trên bìa cuốn nhật ký. 

“Đừng trách tôi nghe đồng chí! Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn trên khắp các chiến trường, chiến thắng ấy có công sức của anh, của những người chiến sĩ giải phóng và có chút xíu của em người ở hậu phương. Em nghe rồi nhưng vẫn có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim... Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá... Anh có khỏe không? Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn...?”.

Trong cuốn nhật ký của mình, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm viết: “... Cái gì của chín năm qua không phải dễ mất đi dù người ta có muốn dứt bỏ nó. Người ta là ai? Là anh, là em hay những dư luận đang bao bọc cả hai đứa mình? Anh xác định đi, ai cũng có trong đó cả anh à... Vậy mà gốc rễ của yêu thương hình như vẫn còn nằm sâu trong lòng đất, vẫn còn sức sống, vẫn có thể đâm chồi nẩy lộc nếu mùa xuân lại về với những hạt mưa xuân mát lạnh trên má người con gái năm xưa”.

Video: Chiến tranh biên giới 1979: Vết thương lòng của những người ở lại

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn